Lực lượng Cảnh sát nhân dân phát huy truyền thống vẻ vang "Mưu trí, dũng cảm, vì nước, vì dân, quên thân phục vụ".
Ngay từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo Cách mạng Việt Nam, Đảng ta thường xuyên quan tâm xây dựng, củng cố các công cụ chuyên chính của cách mạng, trong đó có lực lượng CAND nói chung và lực lượng Cảnh sát nhân dân nói riêng. Trong những ngày đầu cách mạng, Đảng đã thành lập các “Đội Tự vệ đỏ” để bảo vệ quần chúng nổi dậy phá nhà giam, đốt huyện đường, vây đồn lính, bắt giữ bọn hào lý, làm tan rã từng mảng chính quyền tay sai của đế quốc, thực dân.
Ngày 19 tháng 8 năm 1945, cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi ở Hà Nội, cùng với việc đập tan các cơ quan đàn áp của địch và thiết lập chính quyền cách mạng, các tổ chức đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân ra đời: Ở Bắc Bộ, có Sở Liêm phóng; ở Trung Bộ thành lập Sở Trinh sát và ở Nam Bộ thành lập Quốc gia tự vệ cuộc (bao gồm cả lực lượng Trinh sát và Cảnh sát). Tuy tên gọi ở ba miền khác nhau, nhưng các tổ chức đó đều có chung nhiệm vụ là trấn áp phản cách mạng, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.
Để tăng cường xây dựng, củng cố các công cụ chuyên chính của chính quyền cách mạng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ trật tự trị an, ngày 21/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 23-SL hợp nhất các Sở Cảnh sát, Sở Liêm phóng thành Việt Nam Công an vụ. Đây là mốc son lịch sử quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân nói chung, lực lượng Cảnh sát nhân dân nói riêng.
Ngày 28/7/1956, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 982/TTg về việc thành lập Cục Cảnh sát nhân dân thuộc Bộ Công an, theo đó lực lượng Trị an hành chính các cấp cũng đổi tên thành Cảnh sát nhân dân và ngày 20/7/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 34/LCT công bố Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát nhân dân và Pháp lệnh quy định cấp bậc sĩ quan, hạ sĩ quan Cảnh sát nhân dân, từ đó ngày 20/7 hằng năm trở thành Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam. Đây là mốc son lịch sử, là những sự kiện quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng Cảnh sát nhân dân về mặt tổ chức, lực lượng và pháp lý, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với việc xây dựng lực lượng CAND nói chung, lực lượng CSND nói riêng.
Với chức năng, nhiệm vụ của mình, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng nhằm phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Lực lượng CAND đã chủ động và liên tục tấn công trấn áp tội phạm, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về TTATXH, tổ chức thực hiện có hiệu quả “Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm”, “Chương trình quốc gia phòng, chống ma tuý”; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng nghiệp vụ bảo vệ an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội trọng đại của đất nước; chủ động phòng ngừa và liên tục tấn công, truy quét tội phạm, đặc biệt là tội phạm có tổ chức, tội phạm mới có yếu tố nước ngoài, tội phạm công nghệ cao… ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn xã hội, từng bước thiết lập lại trật tự an toàn giao thông, làm tốt công tác phòng, chống cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… góp phần tạo môi trường chính trị, xã hội ổn định, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và quá trình hội nhập kinh tế thế giới.
Trải qua 60 năm công tác, chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, lực lượng Cảnh sát nhân dân vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, hàng trăm tập thể, cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Hàng nghìn lượt tập thể, cá nhân Cảnh sát nhân dân được tặng thưởng Huân chương Độc lập, Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công, Huy chương cao quý, Bằng khen... Những phần thưởng, danh hiệu cao quý đó đã tô thắm trang sử vẻ vang của Công an nhân dân Việt Nam như những biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, hun đúc nên truyền thống quý báu"Cảnh sát Việt Nam mưu trí, dũng cảm, vì nước, vì dân, quên thân phục vụ".
Trải qua các giai đoạn cách mạng, cùng với lực lượng CSND cả nước, lực lượng CSND Công an tỉnh Ninh Bình đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt; kiên quyết, mưu trí, dũng cảm trong công tác, chiến đấu, không quản ngại gian khổ, hy sinh để bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhân dân và qua mỗi thời kỳ cách mạng, lớp lớp cán bộ chiến sỹ CSND Công an tỉnh Ninh Bình càng góp phần tô thắm hơn truyền thống vẻ vang đó.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã cùng với các lực lượng khác bảo vệ an toàn căn cứ kháng chiến của tỉnh; phối hợp chặt chẽ với Quân đội nhân dân chặn đánh các đợt càn quét, lấn chiếm vùng tự do của địch. Sau ngày hòa bình lập lại, lực lượng Cảnh sát tiếp tục cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong tỉnh tham gia khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh; đồng thời đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, giữ vững ANQG và TTATXH. Khi đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, lực lượng CSND Công an tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều phương án chiến đấu, bám sát địa bàn, trụ vững trên các tuyến giao thông, những trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ; đảm bảo thông đường, thông xe, bảo vệ tuyệt đối an toàn các cuộc vận chuyển lương thực, vũ khí và lực lượng vào chiến trường B – C với khẩu hiệu “Sống bám cầu đường, chết kiên cường bất khuất”, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, tính mạng và tài sản của nhân dân; lực lượng Cảnh sát PCCC Hoa Lư đã trực tiếp cứu chữa hàng ngàn vụ, trong đó có 103 toa tàu chở vũ khí, lương thực, 01 dàn tên lửa và hàng ngàn tấn xăng dầu….. Với những thành tích đó, đã có 02 tập thể và 01 cá nhân được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng huân, huy chương.
Trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế sâu rộng, lực lượng CSND Công an tỉnh Ninh Bình đã có bước phát triển vượt bậc, lập được nhiều chiến công to lớn, đã tập trung đổi mới cơ cấu tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tập trung nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ huy; tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, cùng với các lực lượng khác bảo đảm tốt ANQG, giữ gìn TTATXH.
Với vai trò nòng cốt trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm, quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước và của tỉnh. Lực lượng Cảnh sát đi sâu nắm bắt tình hình, điều tra làm rõ nhiều vụ án hình sự, ma tuý, tham nhũng, buôn lậu, thu hồi hàng trăm tỷ đồng cho Nhà nước; đồng thời liên tục tổ chức các đợt tấn công trấn áp tội phạm; triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng chống tội phạm, ma túy, mua bán người; tập trung đánh trúng, đánh mạnh các loại tội phạm, nhất là tội phạm hình sự nguy hiểm, tội phạm sử dụng vũ khí nóng, tội phạm hoạt động mang tính côn đồ, bạo lực và các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn. Các biện pháp quản lý hành chính về trật tự xã hội thường xuyên được coi trọng, góp phần phục vụ tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và công tác quản lý xã hội.
@CLT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét