Từ vụ Tân Hoàng Minh: Nhiều người tham sẽ rụt tay lại, thị trường khá hơn
Mạnh tay để thị trường lành mạnh hơn
Tối 5/4, dư luận lại một phen xôn xao trước thông tin ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh - bị tạm giam về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Cách đó không lâu, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC - một "đại gia" bất động sản khác cũng bị tạm giam vì hành vi "thao túng thị trường chứng khoán", gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều nhà đầu tư.
Nhiều câu hỏi đặt ra là liệu thị trường bất động sản có ảnh hưởng như thế nào sau hàng loạt vụ những nhân vật trên bị bắt tạm giam?
Trước hết, phải thấy khó tránh khỏi những ý kiến cho rằng xử lý như vậy là mạnh tay, nhưng thực sự trong bối cảnh hiện nay, không còn lựa chọn nào khác, buộc phải làm như vậy để thị trường lành mạnh, bền vững hơn.
Ban đầu, thị trường sẽ có những rung lắc nhất định. Nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể sẽ "rụt tay" lại, đắn đo việc đầu tư. Tuy nhiên, về dài hạn, thị trường chắc chắn sẽ tốt hơn. Người ta sẽ đắn đo hơn trong việc mưu tìm lợi nhuận đàng hoàng chứ không cố tình tìm cách lách luật hoặc ngang nhiên "bẻ chữ" trong luật để tư lợi.
Nền kinh tế muốn phát triển bền vững, rất cần những nhà đầu tư nghiêm túc, không phải những người lợi dụng kẽ hở pháp luật, dùng thủ thuật này hay thủ thuật khác để trục lợi. Nhiều doanh nhân dùng mọi thủ đoạn để làm giàu, họ không nghĩ đến lợi ích chung của đất nước mà chỉ muốn thu lợi cá nhân.
Thị trường sẽ bớt "nóng" sau cái kết của ông Đỗ Anh Dũng?
Trước khi bị bắt, ông chủ Tân Hoàng Minh gây "rúng động" thị trường bất động sản bởi vụ đấu giá đất trả giá cao kỷ lục rồi bỏ tiền cọc. "Cái kết" của ông chủ Tân Hoàng Minh hiện nay sẽ phần nào khiến thị trường giảm sốt, là bài học cảnh tỉnh cho các nhà đầu tư đấu giá đất nhưng không vì mục đích lấy đất đầu tư mà có thể có "mưu đồ" khác.
Ông Đỗ Anh Dũng đấu giá đất trả mức giá quá cao có thể chỉ để chứng tỏ năng lực tài chính của mình nhằm thu hút nhà đầu tư mua trái phiếu, cổ phiếu. Sau vụ đấu giá, giá đất xung quanh khu vực đó, cả ở TPHCM đều ghi nhận tăng, rồi sau đó ông này huy động trái phiếu "khủng", lũng đoạn thị trường để làm giàu.
Kết quả điều tra xác định, trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, ông Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng các công ty thành viên phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng, không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.
Vậy vì sao sốt bất động sản sẽ hạ sau vụ việc ông chủ Tân Hoàng Minh bị bắt tạm giam? Tôi đã từng có bài phân tích chỉ ra 5 nguyên nhân dẫn đến tình trạng sốt bất động sản hiện nay.
Thứ nhất, đây là năm đầu kỳ quy hoạch, nhiều triển vọng với thị trường. Tiếp đến, Chính phủ cũng thực hiện tăng đầu tư công cho phát triển hạ tầng, có tác động lớn làm tăng giá đất quanh vùng. Thứ ba, sau Covid-19, nhu cầu đầu tư bất động sản tăng mạnh trong bối cảnh thu nhập của người lao động bị giảm, người có chút tiền đều tìm đất thị trường bất động sản làm cầu tăng lên khá cao. Thứ tư, trong bối cảnh cầu cao, cung lại cực kỳ khan hiếm do ách tắc pháp lý từ năm 2018 chưa được giải quyết, hàng loạt dự án nhà ở nằm chờ mà không ai dám phê duyệt.
Thứ năm, các hoạt động cố tình kích giá thị trường bằng các tin đồn thất thiệt của giới "cò đất", cũng như các mưu mô nâng giá bán của các dự án hiện hữu, hay như đấu giá đất trả ở mức cao bất thường.
Việc bị đẩy giá, sốt giá quá cao một phần là do những hành vi gây nhiễu thị trường. Việc bình ổn lại thị trường là nhu cầu tất yếu. Nếu không xử lý mạnh tay thì sẽ tiếp tục là những hệ lụy về lạm phát, khủng hoảng tiền tệ, tài chính hay mức nặng nhất là khủng hoảng kinh tế.
Điều này đã thấy rõ khủng hoảng tiền tệ ở Nhật Bản trong giai đoạn những năm 1990, khủng hoảng kinh tế tại Thái Lan vào 1997 và khủng hoảng tài chính tại Mỹ năm 2008. Ở Việt Nam, sốt đất trong giai đoạn 2007 - 2008 là một trong những nguyên nhân chính gây lạm phát từ 2009 tới 2010. Chính phủ đã chỉ thị các địa phương xử lý mạnh tay những vụ cò đất, môi giới làm "loạn", tung tin đồn thổi, thất thiệt, dàn dựng kích giá thị trường cũng cần được xử lý mạnh tay. Nay mạnh tay xử lý những "đại gia" nhiều mưu cao, kế hiểm cũng là việc phải làm.
Ai cũng lợi dụng pháp luật chưa đầy đủ để kiếm lời thì sẽ đưa nền kinh tế đi xuống
Chúng ta phải xử lý đồng loạt, không còn cách nào khác. Ở Việt Nam, kỹ thuật xây dựng luật còn nhiều hạn chế. Do vậy bên cạnh việc xử lý thích đáng các hành vi lợi dụng chỗ không rõ ràng của luật pháp nhằm tư lợi, cũng cần thay đổi cách xây dựng luật pháp để có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đầy đủ và minh bạch, tạo điều kiện thiết lập một thị trường ổn định và hiệu quả và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư chân chính.
Sửa hệ thống luật pháp sao cho một nhà đầu tư đạo đức kém khó có thể lợi dụng pháp luật để tạo tư lợi cho cá nhân.
Pháp luật phải kín hơn, công bằng hơn. Chúng ta cần có những chính sách, xây dựng môi trường đầu tư để khi bước vào thị trường bất động sản, các doanh nghiệp lớn hay vừa hay nhỏ đều công bằng trong tiếp cận. Không nên chỉ có "đại gia" lắm tiền mới muốn gì được nấy.
Doanh nghiệp bất động sản cũng như các lĩnh vực khác, cần một đội ngũ doanh nhân vì lợi ích quốc gia trước khi tính đến lợi ích riêng mình. Đừng để thị trường méo mó chỉ vì những người không dùng tài năng, mà chỉ dùng thủ đoạn để làm giàu. Ngày nay, trên thế giới, người ta đã rút ra một kết luận rằng nguồn nhân lực chất lượng cao mới là yếu tố quyết định cho sự phát triển. Ngày nay, ở các nước công nghiệp phát triển nguồn lực, con người được khai thác triệt để, có khi chỉ là một sáng kiến nhỏ cũng tạo nên thành công lớn trong khởi nghiệp.
Các vụ việc xử lý vài "đại gia" bất động sản gần đây sẽ là bài học lớn đối với các doanh nhân khác. Hãy thành tâm với tư duy trong sáng tìm kiếm lợi ích cá nhân gắn kết với lợi ích của dân tộc.
Doanh nhân là những người có vai trò quan trọng trên con đường phát triển của Việt Nam. Ai cũng lợi dụng pháp luật chưa đầy đủ để kiếm lời thì sẽ đưa nền kinh tế đi xuống, đặc biệt là những hành vi lũng đoạn thị trường.
Sau mỗi lần sốt đất, Việt Nam có thêm nhiều lớp "đại gia" giàu lên từ đầu cơ bất động sản, làm khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn. Nhưng giàu lên không phải do lập nghiệp, phát triển, sáng tạo mà chỉ bằng cách ôm đất chờ thời. Cách làm này đơn giản, không có gì sáng tạo, rủi ro lạm phát là tất yếu, tệ hơn nữa có thể gây ra khủng hoảng. Cái này nhóm nhỏ đầu cơ nhận được sẽ gây hại cho nền kinh tế của cả đất nước.
@CLT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét