CHIÊU TRÒ XUYÊN TẠC CỦA "MẠNG LƯỚI NHÂN QUYỀN VIỆT NAM"
Họ cho rằng "tình trạng bắt bớ và cầm tù những người sử dụng quyền tự do ngôn luận để bày tỏ chính kiến lên đến tột đỉnh" hay “tình hình nhân quyền ở quốc gia độc đảng không có chuyển biến tích cực, trái lại trong khoảng thời gian qua mọi thứ tồi tệ hơn trước trong các lĩnh vực từ các quyền dân sự và chính trị đến các quyền kinh tế, văn hoá, xã hội”. Đặc biệt, “Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam” còn đề cập đến việc lực lượng chức năng bắt, xử lý đối với Trương Châu Hữu Danh và các thành viên trong nhóm “Báo sạch” và cho rằng lý do họ bị bắt là “tập trung đưa tin điều tra về tham nhũng” và “nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đang giam cầm ít nhất 290 tù nhân chính trị và tôn giáo với những bản án nhiều năm”…
Ảnh: Báo cáo về Nhân quyền tại Việt Nam giai đoạn 2021-2022
Những nội dung xuyên tạc mà “Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam” đưa ra suy cho cùng cũng chỉ là âm mưu, phương thức, thủ đoạn của những tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam trong việc lợi dụng các vấn đề dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, tự do ngôn luân, tự do báo chí, hội họp để chống phá Việt Nam.
Thực tế ở Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân chính trị” hay “tù nhân lương tâm” mà chỉ có những công dân vi phạm pháp luật Việt Nam bị bắt giữ, truy tố, xét xử và việc các đối tượng bị bắt giữ, xử lý đều được thực hiện theo đúng quy định, trình tự, thủ tục của pháp luật.
Về quyền con người thì đây là mục tiêu nhất quán, xuyên suốt ở đất nước Việt Nam. Điều này đã được luật pháp hóa trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật. Tất cả quyền con người, từ quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đều được hiến định minh bạch và tương thích với Công ước quốc tế về quyền con người, trong đó điển hình nhất là quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí mà “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam” hay dựa vào xuyên tạc. Quốc hội nước Việt Nam đã sửa chữa, ban hành nhiều bộ luật, như: Luật Báo chí sửa đổi (2016); Luật Tiếp cận thông tin (2013); Luật An ninh mạng (2018); Nghị định của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng (2018), v.v. Những quy định của các văn bản pháp luật này, một mặt, bảo đảm quyền cho người sử dụng thông tin, mạng xã hội và trách nhiệm của các cơ quan chức năng liên quan; mặt khác, nhằm ngăn chặn những kẻ xấu lợi dụng môi trường thông tin trên mạng để xâm phạm An ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích của người khác. Tự do ngôn luận, tự do báo chí trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Như vậy, thử hỏi “không dân chủ”, “không nhân quyền” ở đâu?
Sau hơn 35 năm đổi mới đất nước, với những thành tựu quan trọng mà Đảng, nhân dân Việt Nam đã đạt dược, diện mạo trên tất cả các lĩnh vực của đất nước đã thay đổi và có sự phát triển mới, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, môi trường chính trị - xã hội ổn định, nhân dân được sống cuộc sống thực sự hòa bình, ấm no, tự do, được là chủ nhân của đất nước, chính những điều này đã khẳng định rõ tính chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Nhân dân ta đã lựa chọn. Bản chất tốt đẹp của chế độ ta đã đem lại quyền tự do, dân chủ cho Nhân dân ta, đây là điều hơn hẳn những người tự cho mình quyền đi “phát xét”, “ban phát dân chủ, nhân quyền” cho người khác, nhưng ở ngay trên đất nước họ, tệ nạn xã hội còn nhiều, nạn khủng bố, giết người vô cớ cứ liên tục diễn ra, biểu tình, đình công, bãi công diễn ra thường ngày, tình trạng phân biệt giàu nghèo diễn ra mạnh mẽ... như vậy mà họ vẫn cho là tự do, dân chủ, là có nhân quyền.
Mọi sự đánh giá từ các tổ chức quốc tế tự xưng về “nhân quyền” hay các thế lực từ bên ngoài không làm thay đổi được tình hình ở Việt Nam, bởi chỉ có người dân sống trên đất nước này mới cảm nhận rõ sự ưu việt và những gì tốt đẹp mà họ đang hưởng thụ. Còn nếu tổ chức hay cá nhân nào đó muốn đánh giá về tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, xin mời hãy đến Việt Nam để được thấy hình ảnh người dân được sống tự do, dân chủ trên đất nước của chính họ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét