Thứ Tư, 3 tháng 8, 2022

 

Nhiều quốc gia phản đối hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông


Nhiều quốc gia tiếp tục bác bỏ yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông và yêu cầu Bắc Kinh tuân thủ luật pháp quốc tế. 

Hải quân Trung Quốc tập trận ở Biển Đông.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây tái ủng hộ tuyên bố từ thời nguyên Tổng thống Donald Trump về những phản đối các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo hãng tin AP, Washington cũng cảnh báo Trung Quốc rằng, bất cứ một cuộc tấn công nào nhằm vào Philippines tại khu vực “nóng” này sẽ dẫn tới phản ứng của Mỹ theo Hiệp ước Phòng thủ chung giữa Washington và Manila. Điều IV trong Hiệp ước Phòng thủ chung 1951 nêu rõ, Mỹ và Philippines hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp một trong hai nước bị tấn công.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định: “Không có nơi nào, trật tự hàng hải dựa trên luật lệ lại bị đe dọa lớn như ở Biển Đông. Đồng thời cáo buộc Trung Quốc tiếp tục ép buộc và hăm dọa các quốc gia ven biển Đông Nam Á, đe dọa tự do hàng hải tại tuyến đường quan trọng này”. Mỹ tiếp tục ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế trong vụ kiện Philippines - Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông năm 2016. Chính sách của Mỹ luôn là ủng hộ giải quyết tranh chấp hàng hải giữa Trung Quốc và các nước láng giềng một cách hòa bình.

Theo Ngoại trưởng Blinken, cộng đồng quốc tế đã từ lâu được hưởng lợi từ trật tự hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế, được phản ánh trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, thiết lập khung pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương. Công ước này là cơ sở cho các hành động và hợp tác quốc gia, khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực hàng hải và quan trọng đối phó với việc đảm bảo dòng chảy tự do của thương mại toàn cầu.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi khẳng định, mọi “yêu sách hàng hải” phải dựa trên các quy định liên quan của UNCLOS. Nhật Bản phản đối các tuyên bố chủ quyền hàng hải ở Biển Đông không phù hợp với UNCLOS và vẫn quan ngại sâu sắc về tình hình hiện tại. Hơn nữa, Nhật Bản tái khẳng định sự phản đối mạnh mẽ đối với những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng bức. Nhật Bản sẽ tiếp tục phối hợp với ASEAN và các nước liên quan để duy trì và củng cố trật tự hàng hải dựa trên pháp quyền và hiện thực hóa một “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Cùng quan điểm trên, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne cho rằng yêu sách của Trung Quốc về “quyền lịch sử” hoặc “quyền và lợi ích hàng hải” được thiết lập trong “quá trình lịch sử lâu dài ở Biển Đông” là không phù hợp với UNCLOS và vì vậy không có giá trị. Autralia khẳng định việc tuân thủ luật pháp quốc tế là nền tảng cho hòa bình, thịnh vượng và ổn định liên tục trong khu vực. Nó cho phép tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình. Bộ trưởng Marise Payne nhấn mạnh, Australia sẽ tiếp tục ủng hộ quyền của tất cả các nước tìm cách giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.

Sở dĩ nhiều quốc gia lên tiếng phản đối Trung Quốc vì những hành vi ngang ngược của Bắc Kinh ở Biển Đông gần đây. Trong đó có việc Trung Quốc xây dựng sân bay quân sự trên các bãi đá ngầm không thuộc chủ quyền của nước này tại Biển Đông. Thời gian gần đây, Bắc Kinh lại liên tục gây hấn cho hàng trăm tàu neo đậu tại bãi Đá Ba Đầu hay tự tiện khoan thăm dò dầu khí tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn áp đặt lệnh cấm đánh bắt ở Biển Đông làm cho nhiều quốc gia lên tiếng phản đối.

Điều này đã cho thấy, Trung Quốc phớt lờ UNCLOS, nhất là phán quyết của Tòa trọng tài của LHQ hồi năm 2016 về việc Manila thắng kiện Bắc Kinh trong vụ tranh chấp ở Biển Đông. Cụ thể là Tòa đã bác bỏ yêu sách đường 9 đoạn ở Biển Đông của Trung Quốc và yêu cầu Bắc Kinh tuân thủ UNCLOS.

Cũng từ Phán quyết trên là lý do để Malaysia, Brunei, Việt Nam, Indonesia, Australia, Pháp, Anh, Đức, Nhật và Mỹ... gửi công hàm đến LHQ phản đối Trung Quốc.

Những động thái trên dù chưa thể buộc Trung Quốc dừng hành động ngang ngược lấn chiếm Biển Đông, nhưng đây là nền tảng để quốc tế can thiệp mạnh mẽ buộc Bắc Kinh thay đổi dần sai trái của mình.

@CLT

Không có nhận xét nào: