Những trái tim nóng và cái chết hóa bất tử
Mấy ngày qua, Hà Nội như trầm lắng và hắt hiu buồn, hay lòng người đau xót, cảm thương và trân trọng sự hy sinh của 3 chiến sĩ Cảnh sát PCCC trong cuộc chiến với giặc lửa để cứu dân. Họ đã mãi mãi ra đi vì cuộc sống an yên của mọi người và mọi nhà; để lại bao nỗi buồn thương với gia đình, đồng đội, bạn bè… Nhưng trong lòng dân, các anh sống mãi, bởi các anh là hiện thân của sự dũng cảm, đức hy sinh.
Quen biết nhiều anh em các đơn vị thuộc Công an TP Hà Nội, song tôi chưa hề được gặp Thượng tá Đặng Anh Quân, Thượng úy Đỗ Đức Việt và Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc. Dù vậy, nghe hung tin các anh hy sinh trong biển lửa khi cứu dân, tôi cũng như nhiều đồng đội đều lặng đi, chìm trong nỗi đau buồn, tiếc thương. Nỗi đau đó âm ỉ mãi và đôi khi tôi chợt so sánh: Mình chưa hề gặp mặt, không quen biết các anh mà còn đau xót thế, huống chi gia đình, người thân và bạn bè của các anh…
Trong số 3 liệt sĩ CAND vừa hy sinh, Thượng tá Đặng Anh Quân là một đội trưởng đã dày dạn kinh nghiệm trận mạc qua hàng trăm vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; luôn dũng cảm, đi đầu khi làm nhiệm vụ. Anh ra đi để lại mẹ già, người vợ còn trẻ và 2 con đang tuổi ăn học. Vậy là gia đình anh, ngôi nhà của anh bỗng dưng mất đi trụ cột, để lại sự trống vắng không gì bù đắp nổi.
Thượng úy Đỗ Đức Việt và Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc còn quá trẻ, người mới 24 tuổi, người chưa đầy 20! Và dù tự hào về sự hy sinh của các anh, song chắc chắn nỗi đau của cha mẹ, người thân, bạn bè sẽ không dễ nguôi ngoai…
Tôi đã bần thần ngắm kĩ nhiều bức ảnh của 3 liệt sĩ lúc sinh thời, ở họ đều toát lên sự lương thiện, yêu nghề và say nghề chữa cháy, yêu cuộc sống và sự bình an của chính mình và mọi người.
Thượng úy Đỗ Đức Việt từng là cựu học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (quận Hà Đông, Hà Nội). Tôi cũng tự coi mình là "người Hà Đông" và dù không học cùng trường cấp III Lê Quý Đôn với Đỗ Đức Việt, nhưng ngôi trường rất đẹp bên bờ sông Nhuệ này khá thân quen với tôi. Đã rất nhiều năm, ngoài Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ - Hà Đông, thì Lê Quý Đôn luôn là trường công lập hot nhất khối THPT của quận Hà Đông, với điểm đầu vào cao nhất quận, thậm chí trong top 5 của Thủ đô. Có một thời, đám học sinh phổ thông chúng tôi khi đi qua cổng Trường THPT Lê Quý Đôn, nhìn vào sân trường thấy các bạn đồng niên thì đều thầm nghĩ: "Tụi nó học giỏi hơn mình!".
Và Thượng úy Đỗ Đức Việt từng là cựu học sinh của ngôi trường tên tuổi đó, trước khi anh trở thành sinh viên Đại học Cảnh sát PCCC - Bộ Công an.
Tôi ấn tượng mãi với bức ảnh Thượng úy Đỗ Đức Việt ngồi bên chiếc lồng chó vừa được anh cứu khỏi đám cháy. Hôm đó, sau khi kết thúc một trận đánh với giặc lửa, nước và mồ hôi còn đầm đìa trên khuôn mặt trẻ măng và đôi bàn tay lem luốc khói bụi, Đức Việt ngồi xổm bên chiếc lồng chó, say sưa "trò chuyện" với một cún mẹ. Khuôn mặt Việt thật trẻ trung, lanh lợi và toát lên tình yêu cuộc sống, tình yêu thương cả loài vật. Có lẽ đến tối về nhà, khi được đồng đội gửi cho bức ảnh, Đức Việt đã đưa lên Facebook với những dòng tút dí dỏm và đầy ý nghĩa: "Chào cậu, nhân vật được tớ đưa ra khỏi vụ cháy ngày hôm nay. Cậu đang mang bầu phải không? Chúc cậu hạ sinh những chú cún thật đáng yêu, khoẻ mạnh và cũng dũng cảm như cậu ngày hôm nay nhé".
Một bức ảnh khác của Đỗ Đức Việt cũng khiến chúng ta càng thêm tiếc thương người chiến sĩ Công an, người đảng viên đang ở độ tuổi đẹp nhất: Đức Việt nghiêm ngắn trong bộ đại lễ CAND, quân hàm Thiếu úy, đứng trước vị trí Đoàn chủ tịch Đại hội đại biểu Đảng bộ quận Cầu Giấy, với dòng trạng thái thân thương (viết ngày 11/5/2020): "Đại biểu trẻ nhất Đại hội"…
Khoảng 4 năm trước, Đỗ Đức Việt đã vô tình trở thành tâm điểm của cư dân mạng và báo chí bởi hành động giúp cụ bà gánh rau qua ngã ba đông đúc giữa trời nắng chang chang. Hình ảnh đẹp này đã được nhiều tờ báo, trong đó có Báo điện tử CAND phản ánh; tin đăng lúc 17h26' ngày 6/6/2018, với tít: "Nam sinh Cảnh sát giữa trưa nắng giúp 2 bà cụ gánh rau qua đường".
Hôm đó, Đức Việt trên đường từ cơ quan về nhà (anh là sinh viên tập sự tại một Đội Cảnh sát PCCC ở quận Hà Đông), đứng chờ đèn đỏ ở ngã ba Ba La thì gặp 2 bà cụ gánh rau đang loay hoay không biết qua đường thế nào bởi dòng xe cộ đông đúc. Không một chút ngần ngại, anh đã chạy lại, đỡ gánh rau và đưa họ băng qua đường. Có lẽ, hai người phụ nữ không biết tên, cũng không thể nhớ khuôn mặt của Đức Việt nhưng họ sẽ nhớ mãi hình ảnh đẹp về một người chiến sĩ Công an biết kính dân, thương dân.
Trong thời đại công nghệ và mạng xã hội bùng nổ, có thể nói, trang Facebook cá nhân là tấm gương phản chiếu khá rõ nét về người chủ của nó: nhân cách, tri thức, những thú đam mê… Với Đỗ Đức Việt, FB của anh có nick "Đức Việt". Vào trang FB của anh, thấy ngập tràn hình ảnh tập luyện, sẵn sàng chiến đấu và dũng cảm chiến đấu với giặc lửa; bên cạnh đó là những ảnh đời thường của một chàng trai có khuôn mặt sáng tươi, cái nhìn trong veo và thánh thiện…
Tưởng như anh cũng không thể "làm đau một chiếc lá trên cành"!
Trong một dòng trạng thái trên FB viết ngày 26/2/2022, Đức Việt từng bộc lộ nỗi lo về một vụ cháy không thuộc địa bàn của mình! Bằng trái tim nóng hổi của một người lính chữa cháy, anh bồn chồn cả đêm lo lắng cho đồng đội, lo cho người dân. Và sáng ra, anh viết trên FB: "Canh cánh nỗi lo khi nhận được tin báo cháy, dù không phải địa bàn của mình, lo cho đồng đội, lo người dân bị mắc kẹt. Cả đêm qua nghe đàm (bộ đàm - PV), thấy báo có người mắc kẹt trong nhà hiện tại không thể thoát ra được, và đang trốn trong nhà vệ sinh. Nghe đã thấy lo lo rồi, may quá sáng đọc được tin này. Một gia đình nhỏ đã được lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH TP Hà Nội giải cứu trong một vụ cháy vào sáng sớm nay. Những chiếc áo được nhường đi - thêm hơi ấm được san sẻ. Chưa bao giờ những chiếc áo chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ lại ấm như lúc này".
Đức Việt hoàn toàn ý thức được công việc của mình và đồng đội là rất nguy hiểm và "sinh nghề tử nghiệp". Trong một tút gần như là cuối cùng trên trang FB của mình (ngày 11/5/2022), anh đăng bức ảnh cùng đồng đội ngồi nghỉ ngay trên sống lưng một "con lươn" ngăn cách 2 làn đường. Có lẽ, họ vừa qua một trận chiến với giặc lửa, người còn lấm lem mồ hôi và khói bụi. Anh đã viết những dòng trào lộng: "Tròn một năm được các cụ độ. Suýt thì ngỏmm!".
Chưa tròn tuổi 20, Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc có gương mặt trắng trẻo, ngây thơ, cái nhìn cũng xa xăm và man mác buồn… Trong ký ức của đồng đội ở Đội Cảnh sát PCCC & CNCH Công an quận Cầu Giấy, Nguyễn Đình Phúc là cậu út hiền lành, dễ mến và luôn nhiệt tình trong công việc cũng như các phong trào đoàn thể, được mọi người thương quý. Có vốn tiếng Anh khá, những khi rảnh rỗi, Phúc luôn sẵn sàng giúp đỡ anh em trong đơn vị trau dồi vốn từ, cách giao tiếp bằng thứ tiếng ngày càng phổ biến trên thế giới…
Khi đồng đội đến thăm, động viên gia đình Phúc, nhớ về cậu em trai của mình, người chị gái nghẹn ngào kể: Từ khi nhận công tác ở Đội Cảnh sát PCCC & CNCH Công an quận Cầu Giấy, Phúc vui lắm; sau mỗi lần hoàn thành nhiệm vụ, em hay khoe với mọi người… "Phúc rất ngoan, em luôn quan tâm tới mọi người. Tháng 5 vừa rồi là sinh nhật Phúc nhưng do Phúc đang đi nghĩa vụ Công an nên mọi người mới chỉ gửi quà, còn bữa cơm gia đình sum vầy chưa tổ chức được. Phúc có hẹn là dịp nào được nghỉ phép, em về sẽ tổ chức sau. Vậy mà, em ra đi, lỡ hẹn sinh nhật tuổi 19 bên gia đình…".
Mỗi nhà mỗi cảnh song nỗi đau mất người đều lớn và khó nguôi ngoai. Với gia đình Thượng tá Đặng Anh Quân, anh có mẹ già, vợ còn trẻ và 2 con đang tuổi ăn học. Nhớ về người con trai của mình - bà Trần Thị Thủy kể, Quân là người con hiếu thảo. Bố mất sớm, thấu hiểu được sự vất vả của mẹ, anh rất quan tâm chăm sóc mẹ và em gái. Dù bận công việc nhưng mỗi sáng khi có thể, anh luôn tranh thủ đẩy xe hàng nhỏ cho mẹ ra ngõ rồi mới tới đơn vị.
Hà Nội, ngày cuối tuần (5/8/2022) cũng là ngày tổ chức trọng thể lễ tang để các anh về cõi vĩnh hằng. Gia đình và bao đồng chí, đồng đội, bạn bè và cả những người chưa từng quen biết các anh đều đau xót, cảm phục, nhớ thương những người lính vì nước quên thân.
Như một Facebooker có tên Phan Thị Cẩm Li đã tìm và vào trang FB của Đỗ Đức Việt, viết dòng comment ngập tràn sự cảm phục: "Em rất vui vì đã tìm được Facebook anh. Không phải vì tò mò tọc mạch, em chỉ đang muốn tìm hiểu xem người chiến sĩ Công an nhân dân em biết lần đầu cũng như lần cuối như thế nào? Người chiến sĩ ấy thực sự thu hút em từ cái nhìn đầu tiên. Em thấy được sự tử tế, sự nhiệt huyết, sự hy sinh ở anh. Ở nơi xa đó anh nhớ mỉm cười thật tươi anh nhé. Anh đã sống một đời đẹp như hoa, sạch như tuyết và mãi trở thành bất tử vì tinh thần quả cảm của mình. RIP anh”.
Facebooker Nguyễn Quỳnh Anh cũng nghẹn ngào: “Và anh cũng đã trở thành một người hùng trong lòng nhân dân như thế! Tạm biệt anh, chiến sĩ Công an PCCC anh dũng, hy sinh ở tuổi còn xanh. Hôm nay anh nằm xuống, nhưng tiếng thơm của anh vẫn còn lưu muôn đời. Nam mô A Di Đà Phật, xin tiếp dẫn linh hồn anh về nơi Tây phương cực lạc”.
Cũng như bao người dân khác, nhà báo Lê Đạt, Báo Kinh tế đô thị đã tiễn biệt 3 chiến sĩ bằng bài thơ giàu cảm xúc: “Xin đừng khóc! Vì anh là người lính/ Lính ngại chi dẫu gian khổ hy sinh/ Lao vào lửa cứu 8 mạng người ở lại/ Chẳng đắn đo, anh quên bản thân mình…/ Cả Hà Nội đang nín lặng chờ ngày tiễn biệt 3 chiến sĩ hoà vào đất mẹ/ Như lửa cháy trong tim, tên các anh còn vọng mãi bên tượng đài Công an nhân dân vì Dân phục vụ/ Tổ quốc mãi khắc ghi sự hy sinh anh dũng của các anh”...
Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến cái tút trên FB của Đỗ Đức Việt viết ngày 19/2/2021 sau một cuộc chiến với giặc lửa: "Vụ cháy cuối cùng trước khi lên núi đi tu"… Việt ơi! Ba anh em đã thành chính quả rồi, bởi Việt và những đồng đội của mình đã tu tập hằng ngày trong cuộc chiến chống giặc lửa để giữ yên vui cho cuộc đời này!
@CLT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét