Thủ đoạn “ném lửa”, “bẻ lái” phiên toà xét xử Trương Châu Hữu Danh
Một phiên toà hình sự xét xử công khai với chứng lý rõ ràng, tranh tụng dân chủ, các bị cáo đã thừa nhận và hối lỗi về hành vi phạm tội do mình gây ra. Vậy nhưng các “nhà quan sát” từ hải ngoại vẫn “ném lửa từ xa” hòng gây sức ép, “bẻ lái” dư luận…
“Bẻ lái” dư luận
Ngay sau khi phiên toà xét xử bị cáo Trương Châu Hữu Danh và đồng phạm kết thúc, trang BBC giật tít: “Vụ xử “Báo Sạch”: Việt Nam đừng nên coi truyền thông là kẻ thù”. Bài báo dẫn lời Phó Giám đốc phụ trách châu Á của Tổ chức Theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch), ông Phil Robertson nói rằng “Việt Nam không nên coi truyền thông là kẻ thù của nhà nước, việc bỏ tù thêm nhiều nhà báo công dân sẽ không ngăn được người dân lên tiếng, hoặc yêu cầu cải cách ở Việt Nam”. Từ đó kêu gọi “Chính phủ nên công nhận các nhà báo công dân và truyền thông độc lập là đồng minh của công tác quản trị nhà nước tốt”.
Cũng trong ngày 29/10, trang“Tiếng Dân” dẫn bài viết mỉa mai phiên toà của TAND Thới Lai “giống trò đùa”. Bài viết phớt lờ sự thật, từ việc bóp méo bản chất vụ án đến vu cáo Nhà nước Việt Nam: “Dập tắt “Báo Sạch” không cốt nhằm vào mấy cá nhân hăng hái mà chính để dập lụi ngay những mầm mống của tự do dân chủ, của tự do báo chí, dập luôn cả tinh thần ngay thẳng chống tham nhũng tiêu cực trong dân chúng bởi sự chống này có hại cho “lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân”. Báo Sạch chỉ là nhúm cỏ khô phải đốt đi cho khéo kẻo lây lan ra cả cánh đồng. Đó là lý do của phiên toà Thới Lai”.
Còn trang VOA thì đăng tải “Thông cáo” của tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF). Thông cáo của RSF giở giọng“bất bình” về bản án tổng cộng gần 15 năm tù đối với 5 thành viên nhóm “Báo Sạch”, lấy cớ lên án Việt Nam “gia tăng đàn áp truyền thông độc lập”. Là một tổ chức chuyên đánh tráo bản chất các vụ án hình sự để xuyên tạc, vu cáo Nhà nước Việt Nam, lần này, RSF vẫn giở lại điệp khúc cũ: “RSF bất bình về các bản án, trong đó có người bị tuyên đến 4,5 năm tù mà một toà án ở TP Cần Thơ, miền Nam Việt Nam vừa tuyên đối với 5 nhà báo vì điều hành một trang báo mạng chuyên đưa tin về tham nhũng và các vấn đề liên quan”.
Ông Daniel Bastard, Trưởng bộ phận châu Á - Thái Bình Dương của RSF vu cáo: “Việc tuyên án tù dài như vậy đối với 5 nhà báo của nhóm “Báo Sạch” cho thấy chính quyền Việt Nam đã đưa ra bằng chứng mới về quyết tâm ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào trong việc làm báo và đưa tin một cách tự do…
Tệ hơn nữa, bằng cách cấm hoàn toàn những thành viên này hành nghề báo chí, các thẩm phán ở toà án huyện Thới Lai chỉ ra rằng, các nhà lãnh đạo của Việt Nam xem nhẹ hoạt động báo chí đến mức nào. Năm nhà báo này lẽ ra không phải bị ở tù”! Là một tổ chức lấy cớ “bảo vệ nhà báo”, RSF luôn tìm cách bóp méo sự thật, “bẻ lái” dư luận để chỉ trích, gây sức ép đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Với quan điểm, ý đồ chống phá đó, năm 2021, RSF biến tấu những vụ án hình sự có liên quan đến báo chí để đánh tráo, chính trị hoá, từ đó đưa ra bảng xếp hạng chỉ số tự do báo chí thế giới, đặt Việt Nam thứ 175 trong tổng số 180 quốc gia!
Tổ chức Sáng kiến pháp lý Việt Nam (có trụ sở tại Mỹ) hôm 25/10 ra tuyên bố lên án việc chính quyền Việt Nam hình sự hoá các hoạt động của nhóm “Báo Sạch” và 5 thành viên của nhóm. Hai đồng giám đốc của tổ chức này là Trịnh Hữu Long và Trần Quỳnh Vi viết trong tuyên bố, nói rằng việc điều tra, bắt giam và truy tố, xét xử đối với các thành viên nhóm “Báo Sạch” là vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do kinh doanh.
Tuyên bố chỉ trích Điều 331 BLHS, xem đó là điều phi lý khi coi việc lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân là tội phạm mà “không định nghĩa rõ hành vi, dẫn đến áp dụng tuỳ tiện”.
Tổ chức này nói rằng vụ án “Báo Sạch” hiện nay và các vụ khác trong quá khứ bị truy tố, xét xử theo Điều 331 của BLHS hiện hành hoặc Điều 258 của BLHS cũ cho thấy “các cơ quan tố tụng Việt Nam đã hình sự hoá hành vi của các cá nhân một cách bất hợp lý mà không xem xét các hành vi này theo pháp luật dân sự”.
Tổ chức Sáng kiến pháp lý Viêt Nam có trụ sở tại California, là cơ quan chủ quản của Luật khoa tạp chí và The Vietnamese Magazine. Đây là tổ chức thường xuyên có các hoạt động lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để vu cáo, lấy cớ chống phá Việt Nam.
Cũng liên quan vụ án Trương Châu Hữu Danh, trước đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lên tiếng “bày tỏ quan ngại đối với vụ bắt giữ các thành viên của nhóm “Báo Sạch” và kêu gọi Chính phủ Việt Nam trả tự do cho tất cả những ai đang bị giam giữ bất công cũng như tuân thủ các điều luật quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam cam kết”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price nói: “Việc bắt giữ các nhà báo này là những vụ bắt giữ mới nhất trong một xu hướng đáng lo ngại về việc giam giữ và kết án các công dân Việt Nam thực hiện quyền tự do biểu đạt và tự do ngôn luận đã được ghi trong Hiến pháp Việt Nam”.
Liên quan vấn đề này, thiết nghĩ, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cần có cách tiếp cận khách quan, đầy đủ hơn, tránh việc nhìn nhận không đúng từ các nguồn tin bị sai lệch, đánh tráo như nêu trên. Cũng cần thấy rằng, quan hệ Việt - Mỹ đang ngày càng được tăng cường, hợp tác và hai bên đã tiến hành nhiều cuộc đối thoại về nhân quyền.
Về quan điểm trong đối thoại nhân quyền, hai bên chủ trương nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau, thu hẹp bất đồng và những sự hiểu biết khác nhau giữa Việt Nam với các đối tác quốc tế, đồng thời đảm bảo nguyên tắc bảo vệ quan điểm, lập trường, lợi ích quốc gia, dân tộc, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng về dân chủ, nhân quyền để làm sai lệch nội dung, bản chất, can thiệp vào công việc nội bộ. Với tinh thần đó, thiết nghĩ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cần có cách tiếp cận, đánh giá khách quan, đúng đắn, không chỉ trong vụ án Trương Châu Hữu Danh mà nhiều vụ án, vụ việc khác.
Phải hiểu đúng sự thật, đánh giá khách quan
Nếu một người chỉ tiếp cận những thông tin như trên, rất dễ dẫn tới cách nhìn sai lệch về vụ án. Trong khi đó, nguyên tắc trong xét xử một vụ án là phải căn cứ tài liệu, hồ sơ, chứng cứ theo tội danh được quy định trong BLHS và phải tuân theo quy trình, thủ tục của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Trong vụ án này, TAND huyện Thới Lai (Cần Thơ) đã tuyên phạt các bị cáo là thành viên nhóm “Báo Sạch” tổng cộng 14 năm 6 tháng tù giam về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo khoản 2, Điều 331 BLHS.
Cáo trạng của VKSND huyện Thới Lai xác định, Trương Châu Hữu Danh và các đối tượng trong vụ án này đã lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để viết, đăng bài, video, sử dụng thông tin chưa được kiểm chứng, không đúng sự thật, tiêu cực, một chiều để đăng tải, phát tán công khai trên Facebook, Youtube.
Hành vi của các đối tượng nhằm hướng dư luận theo ý thức chủ quan, làm cho người đọc hiểu nhầm, hiểu sai sự thật, tạo điều kiện cho các phần tử lợi dụng tham gia bình luận tiêu cực, kích động, lôi kéo một bộ phận người dân có nhận thức lệch lạc tham gia chống phá đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Hành vi nói trên đã trực tiếp xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, gây ảnh hưởng đến vai trò quản lý đất nước, quản lý nhà nước tại các địa phương, gây hoang mang, nghi ngờ, làm mất ổn định về lòng tin trong nhân dân, tạo ra sự bất ổn trong xã hội…
Quá trình xét xử, tranh tụng công khai, dân chủ, các luật sư đề nghị HĐXX cần xem xét, làm rõ kỹ lưỡng việc thẩm định bài viết của các bị cáo mà hội đồng thẩm định Sở Thông tin - Truyền thông TP Cần Thơ thực hiện. Các luật sư cũng cho rằng, việc truy tố các bị cáo là không oan sai vì có nhiều bài viết đã xâm phạm đến các cá nhân, tổ chức, đồng thời nêu những quan điểm bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo.
Các bị cáo cũng đã nhận tội và tích cực hợp tác cùng cơ quan tố tụng trong quá trình điều tra. Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, quá trình truy tố đã xem xét toàn diện các yếu tố có lợi nhất cho bị cáo, ngoài những bài viết có căn cứ xác định đã xâm hại lợi ích cá nhân, tổ chức thì đồng thời cũng đã xem xét bỏ qua nhiều bài viết mà các luật sư và bị cáo cho rằng không vi phạm pháp luật, từ đó giữ nguyên quan điểm truy tố các bị cáo như cáo trạng nêu.
Trong phần nói lời sau cùng, bị cáo Trương Châu Hữu Danh cho rằng mục đích ban đầu của bị cáo thành lập nhóm “Báo Sạch” là để giải trí, muốn phản biện xã hội trên Facebook. Tuy nhiên, bị cáo thừa nhận đã có những bài sai phạm và xin chịu trách nhiệm về những bài viết đó. Bị cáo đã xóa những bình luận sai nhưng xóa không hết.
Bị cáo Danh cũng gửi lời xin lỗi đến những cá nhân, cơ quan tổ chức mà bị cáo đã xâm phạm, xin lỗi các bị cáo khác vì hoạt động theo Danh mà vướng vào lao lý. Các bị cáo còn lại cũng đều tỏ ra ân hận với việc làm của mình. Trong đó, bị cáo Trung Bảo mong muốn HĐXX xem xét tuyên phạt mức án vừa đủ răn đe để tạo điều kiện cho bị cáo sớm quay trở về với gia đình và xã hội.
Như vậy, diễn tiến phiên toà cho thấy tính dân chủ, công khai, HĐXX xem xét toàn diện các tài liệu, chứng cứ, nhất là các bào chữa của luật sư cũng như những điểm mà bị cáo cho rằng chưa hợp lý. Từ đó có đánh giá khách quan, toàn diện. Bản thân các bị cáo đã nhận thức rõ hành vi phạm tội của mình và bày tỏ sự hối lỗi, xin giảm nhẹ hình phạt.
Và HĐXX đã cân nhắc, tính đến các yếu tố giảm nhẹ để tuyên mức án như trên là hợp lý, hợp tình, vừa có tính răn đe nhưng cũng thể hiện rõ sự khoan hồng. Điều này được báo chí phản ánh khách quan, rõ ràng. Vậy mà một số cá nhân, tổ chức ở xa, ở hải ngoại đã không chịu tiếp cận thông tin thực tế từ vụ án, từ quá trình xét xử mà lại tìm cách “ném lửa từ xa”, lấy cớ châm ngòi “bẻ lái” dư luận, gây áp lực để chống phá Việt Nam.
Một lần nữa, chúng tôi cho rằng, việc nhìn nhận các vụ án phải đúng với bản chất cấu thành tội phạm được xác định trong quá trình điều tra, truy tố, nhất là quá trình xét xử, tranh tụng tại toà. Không có một khái niệm tự do báo chí nào ngoài khuôn khổ pháp luật và càng không thể nhân danh quyền tự do báo chí để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, nhà nước.
Chúng tôi xin kết lại bài viết này bằng đánh giá của ông Hồ Ngọc Thắng, một người Đức gốc Việt, người có nhiều năm hoạt động báo chí tại châu Âu, có sự hiểu biết, tiếp cận góc nhìn đa chiều từ pháp lý đến thực tiễn về tự do báo chí tại nhiều nước trên thế giới. Theo ông Thắng, vấn đề mà lâu nay người ta vẫn tranh luận sôi nổi khi nói về tự do báo chí ở phương Tây là sự đánh lừa dư luận bằng phương tiện truyền thông.
Cho đến nay đã có nhiều bằng chứng cụ thể về hiện tượng này, như đánh lừa bằng cách không đưa tin hoặc đưa tin sai sự thật. Sự hiểu biết về tự do ngôn luận, tự do báo chí ở phương Tây sẽ giúp chúng ta nhìn nhận và đánh giá khách quan về tự do báo chí ở Việt Nam.
“Một sự thật không thể phủ nhận là tình hình nhân quyền ở Việt Nam nói chung, tự do ngôn luận, báo chí nói riêng, đã liên tục được cải thiện, phát triển trong các thập niên vừa qua. Trên cơ sở đó, không thể chấp nhận hiện tượng một số cá nhân tự cho mình là “nhà báo độc lập” rồi đưa ra ý kiến thiếu xây dựng. Bởi không thể coi là nhà báo, dù là “nhà báo độc lập” khi chỉ đưa ra các tin tức và bình luận sai sự thật theo kiểu “bới bèo ra bọ” để nói xấu chính quyền, phủ nhận những thành tựu mà chính họ đang được thụ hưởng” - ông Thắng khẳng định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét