TRÁCH NHIỆM ỨNG XỬ TRÊN MẠNG XÃ HỘI
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của xã hội, công nghệ thông tin, internet nói chung và các trang mạng xã hội nói riêng đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống xã hội và sinh hoạt của con người. Những giá trị tích cực mà mạng xã hội mang lại là không phải bàn cãi; sử dụng mạng xã hội là một nhu cầu chính đáng của con người trong xã hội hiện nay. Nó không chỉ giúp con người tiếp cận với thông tin một cách nhanh nhất mà còn đáp ứng các nhu cầu khác của mỗi người như học hỏi, giải trí, giao lưu, chia sẻ...
Tuy nhiên, hiện nhiều mạng xã hội còn thiếu chặt chẽ trong việc áp dụng hệ thống tiêu chuẩn cộng đồng với người dùng, tạo kẽ hở cho một số đối tượng lợi dụng đăng tải, bình luận, chia sẻ nội dung sai sự thật, phản động, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước…
Thời gian qua, trên không gian mạng các thế lực thù địch phản động, các đối tượng chống đối tăng cường hoạt động tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước. Lợi dụng việc lực lượng Công an khởi tố, xử lý một số vụ án trọng điểm liên quan đến lĩnh vực y tế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản (như công ty Việt Á, tập đoàn FLC, tập đoàn Tân Hoàng Minh…), các đối tượng chống đối trong và ngoài nước, nhất là các đối tượng có ảnh hưởng trên không gian mạng (KLOs) đã đăng tải nhiều thông tin xuyên tạc, sai sự thật, chưa được kiểm chứng về các cá nhân, doanh nghiệp liên quan đến việc đầu tư trái phiếu, tài chính, chứng khoán nhằm dẫn dắt dư luận theo hướng tiêu cực, tác động ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là thị trường chứng khoán. Tổ chức khủng bố Việt Tân đang tiến hành điều chỉnh chiến lược chống phá, triển khai “Hệ chiến lược 3.0”, thúc đẩy hình thành lực lượng chính trị đối lập trong nước, trong đó bộc lộ rõ ý đồ tập trung sử dụng không gian mạng để tuyên truyền, móc nối, lôi kéo quần chúng nhân dân, người lao động, nhóm yếu thế, tín đồ tôn giáo; đồng thời triển khai các chiến dịch hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, kích động chia rẽ nhân dân với Đảng, Nhà nước. Lợi dụng vụ việc bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt, khởi tố, tình hình xung đột vũ trang giữa Nga với Ukraina để kích động, lôi kéo cán bộ, đảng viên, nhân dân, văn nghệ sĩ, giáo viên, học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động phức tạp về ANTT…
Trong đó, nổi lên một số thủ đoạn hoạt động: (1) Tạo dựng, sử dụng “tài khoản ảo”, ẩn giấu thông tin nguồn tán phát, gây khó khăn cho công tác đấu tranh, ngăn chặn của lực lượng chức năng. (2) Tạo dựng thông tin, khai thác khoảng trống, độ trễ của thông tin chính thống từ các cơ quan chức năng để bịa đặt, xuyên tạc, chiếm lĩnh dư luận trên không gian mạng. Trong đó, các đối tượng thường lồng ghép thật giả, giả mạo nguồn thông tin, giả mạo trang thông tin điện tử, giả mạo phát ngôn của cơ quan chức năng để tạo thông tin giả. (3) Lợi dụng các tính năng, tiện ích của mạng xã hội để phát tán, lan tỏa, chia sẻ nhanh, phủ thông tin tiêu cực đến người dùng trên mạng xã hội.
Trên địa bàn Thanh Hóa, nổi lên một số tình hình đáng chú ý như: (1) Lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 để đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật nhằm mục đích câu like, câu view quảng cáo bán hàng. (2) Lợi dụng các sơ hở, thiếu sót trong quá trình làm nhiệm vụ của các lực lượng Cảnh sát giao thông, trật tự, bí mật ghi âm, ghi hình, quay clip phát tán lên các hội, nhóm trên không gian mạng, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, hình ảnh của lực lượng Công an, một số trường hợp có dấu hiệu hoạt động tiêu cực, đe dọa tống tiền. (3) Quay clip, phát livestream, chia sẻ lên các hội nhóm mạng xã hội liên quan đến các sự kiện cưỡng chế, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án nhằm công kích chính quyền, kích động, cản trở lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, gây phức tạp về ANTT, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh, uy tín của chính quyền địa phương. (4) Lợi dụng thiếu sót, sai phạm công tác quản lý, điều hành của các cơ quan ban ngành, chính quyền địa phương để phát tán thông tin tiêu cực, gây phức tạp trong dư luận, làm giảm uy tín của cơ quan Nhà nước. (5) Quảng cáo, bán hàng tràn lan, trong đó có cả vũ khí, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ…
Từ đầu năm 2022 đến nay, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện 91 trường hợp đăng tải thông tin xấu độc, xúc phạm uy tín, danh dự của các tổ chức, cá nhân. Trong đó, áp dụng quy trình đấu tranh, yêu cầu gỡ bỏ tin, bài viết có nội dung xấu độc trên trang facebook cá nhân 79 trường hợp, xử phạt hành chính 12 trường hợp với tổng số tiền phạt là 70 triệu đồng. Điển hình như: Tháng 4/2022, Công an huyện Như Xuân đã xử phạt vi phạm hành chính đối với B.V.D, sinh 1983 về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín, danh dự của lực lượng Công an, mức phạt: 7.500.000 đ; tháng 5/2022, công an huyện Đông Sơn đã xử phạt vi phạm hành chính đối với N.T.V, sinh 1972 về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật liên quan đến việc thực hiện dự án trên địa bàn huyện, mức phạt: 7.500.000 đ…
Trong thời gian tới, hoạt động trên môi trường mạng đang còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, có thể tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi cá nhân nói riêng và ANCT, TTATXH nói chung. Vì vậy, để bảo vệ quyền, lợi ích của cá nhân và tập thể khi tham gia mạng xã hội, mỗi người dân cần nhận thức và thực hiện tốt các vấn đề sau:
Một là, thực hiện nghiêm các quy định của Luật an ninh mạng, trong đó mỗi cá nhân phải hiểu rõ ý nghĩa, giá trị, nội dung, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm và những hành vi bị cấm khi tham gia mạng xã hội. Luật an ninh mạng nhằm bảo vệ người dùng hợp pháp trên môi trường mạng; phòng ngừa, đấu tranh, làm thất bại hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm ANQG, chống Nhà nước, tuyên truyền, phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, kích động biểu tình của các thế lực phản động. Phòng ngừa, ngăn chặn, ứng phó, khắc phục hậu quả của các đợt tấn công mạng, khủng bố mạng và phòng chống nguy cơ chiến tranh mạng.
Việc chấp hành pháp luật về an ninh mạng là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi công dân. Mọi hành vi bịa đặt, xuyên tạc, không đúng sự thật nhằm bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác là vi phạm pháp luật và có đủ các chế tài pháp luật để xử lý. Cụ thể như: Theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyên điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, các hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân... bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.
Trường hợp tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng, theo quy định tại Khoản 2, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Người vi phạm còn phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả: Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm.
Theo Khoản 2, Điều 155 của Bộ luật Hình sự năm 2015, nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác trên mạng xã hội, sửa đổi, bổ sung năm 2017, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm với tình tiết định khung là “Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội”.
Bên cạnh đó, người có hành vi vi phạm còn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị xúc phạm, ảnh hưởng danh dự, nhân phẩm nếu có thiệt hại xảy ra theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015. Mức thiệt hại được quy định chi tiết tại Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015...
Hai là, thực hiện theo các nội dung được đưa ra trong Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ thông tin và truyền thông ban hành ngày 17/6/2021; trong đó, xác định 4 tiêu chí chung gồm: Tôn trọng, tuân thủ pháp luật; Lành mạnh; An toàn, bảo mật thông tin; Trách nhiệm. Đây được xem là “thể chế mềm” điều chỉnh các hành vi ứng xử, chuẩn mực đạo đức, văn hóa trên môi trường mạng và có tính chất khuyến nghị đối với các tổ chức, cá nhân, nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội. Đó vừa là biện pháp giúp người dân tự vệ trước ma trận thông tin xấu, độc; vừa là giới hạn để không vi phạm các quy định pháp luật, tiêu chuẩn cộng đồng và đạo đức xã hội.
Dựa trên 4 tiêu chí trên, Bộ Quy tắc đưa ra các quy tắc cụ thể, tương ứng từng nhóm đối tượng áp dụng, với trọng tâm chính là các tổ chức cá nhân, dùng mạng xã hội. Khi thực hiện quyền tự do ngôn luận, người dùng mạng xã hội cần phải hiểu rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của bản thân với tư cách công dân Việt Nam. Cụ thể như khoản 6, Điều 4, Bộ Quy tắc đã nêu rõ: “Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội”.
Để bảo vệ quyền và lợi ích của cá nhân và tập thể trên môi trường mạng xã hội, bên cạnh hệ thống các quy định của pháp luật, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của những người sử dụng; mỗi người dân hãy nâng cao tinh thần trách nhiệm với bản thân và cộng đồng bằng cách sử dụng mạng xã hội đúng quy định và có văn hóa./.