Cá nhân khuynh đảo tập thể - vết xe đổ của các đại án tham nhũng

Xem lại những nét chính trong các vụ đại án tham nhũng, chúng ta thấy một điểm chung, đó là chỉ một cá nhân, hoặc một vài cá nhân đã khuynh đảo, lũng đoạn cả một tổ chức đảng, cơ quan, doanh nghiệp gây thiệt hại nặng nề, thậm chí đưa tập thể đó xuống dốc không phanh. Các tổ chức đảng ở những đơn vị bị phát hiện sai phạm, tham nhũng gần như mất hoàn toàn sức chiến đấu, mất sức đề kháng với các hiện tượng tiêu cực ngay trong chính nội bộ của mình, không còn khả năng tự phát hiện, không tự bài trừ được tiêu cực.

Trong vụ án tham nhũng tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), ụ nổi 83M là thứ ai cũng có thể dùng mắt thường để nhìn thấy. Bất cứ cán bộ, nhân viên nào trong Tổng công ty cũng có thể nhận thấy một ụ nổi được sản xuất từ năm 1965 thì đã quá già cỗi, cũ nát. Khi nó được kéo từ nước ngoài về, chắc hẳn sẽ có những người thắc mắc là tại sao một ụ nổi như đống sắt vụn như vậy lại trị giá tới 9 triệu USD. Thế nhưng, một tập thể hàng nghìn con người của Vinalines đã không thể ngăn chặn được vụ tham nhũng trắng trợn đó, ụ nổi được nhập về, để rồi nhà nước và nhân dân bị thiệt hại số tiền rất lớn. Từ đó, hai bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc bị kết án tử hình, 8 bị cáo khác bị phạt tù.

Liên quan tới công tác cán bộ, trong vụ án tham ô tại Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), chuyện Trịnh Xuân Thanh nổi tiếng về tiêu xài đã được đồn đại từ lâu, khó có thể nói tập thể cán bộ, đảng viên, nhân viên PVC không hay biết. Trịnh Xuân Thanh cũng không phải thần thánh gì mà có thể một tay che cả bầu trời. Thế nhưng tại sao Trịnh Xuân Thanh vẫn được bổ nhiệm chức này, chức kia, ngay cả sau khi ở  cương vị Chủ tịch HĐQT PVC, Trịnh Xuân Thanh đã khiến Tổng công ty này thua lỗ tới hơn 3.298 tỷ đồng? Việc đưa Trịnh Xuân Thanh từ PVC về Bộ Công Thương, rồi về Hậu Giang làm Phó chủ tịch UBND tỉnh đều hết sức vội vàng, nhưng đều được cho qua. Để rồi vụ án tham ô của Trịnh Xuân Thanh đã khiến những cơ quan và cá nhân có liên quan bị vướng vào kỷ luật đảng, lao lý.

Hay như trong vụ PMU 18, điều trớ trêu là Bùi Tiến Dũng ở cương vị Trưởng ban quản lý PMU 18 đã bòn rút tiền của Nhà nước qua các công trình, dự án để từ đó vung tiền ăn chơi, đánh bạc, cá độ bóng đá... Việc này chắc chắn có nhiều người biết, có những người không đồng tình, nhưng chẳng ai nói ra. Để rồi Đảng bộ PMU 18 trở thành tấm khiên trong tay Bùi Tiến Dũng hòng che chắn cho những sai phạm của mình...

Cốc nước tinh khiết và giọt mực đen
Ảnh minh họa. Nguồn: tuyengiao.vn. 

Rõ ràng trong các vụ án nổi cộm nêu trên, Dương Chí Dũng, Trịnh Xuân Thanh, Bùi Tiến Dũng đều không phải trước đây mẫu mực, tử tế, bỗng dưng vì một phút thiếu chín chắn mà dẫn tới sai phạm. Những sai phạm của những đối tượng nói trên đều có quá trình, diễn ra trong khoảng thời gian dài, đều bộc lộ những dấu hiệu vi phạm, đều có những xì xào của dư luận. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cơ quan, tổ chức đảng ở cơ sở đều như bị bịt mắt, bịt tai, khiến cho sai phạm ngày càng lấn sâu...

Và rồi những giọt mực đã loang ra làm hỏng cả ly nước. Vinalines đã bị Dương Chí Dũng và đồng phạm đã bòn rút tài sản, gây thua lỗ nghiêm trọng, rồi lại vướng vào vụ đại án tham nhũng gây ảnh hưởng lớn tới thương hiệu, nên đã rất chật vật để tồn tại, trả nợ, phải thay tên giao dịch quốc tế. Tương tự như vậy, là một tổng công ty giàu truyền thống, thế nhưng do chịu những tác hại từ Trịnh Xuân Thanh và vụ án Trịnh Xuân Thanh nên PVC không chỉ bị thiệt hại, thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng, mà còn ảnh hưởng tới hình ảnh, thương hiệu và danh dự của cả tập thể.

Rõ ràng, sai phạm của các cá nhân không bao giờ chỉ mang tính cá thể và chỉ ảnh hưởng tới bản thân họ. Các cá nhân sai phạm, dù ở cương vị nào thì cũng gây ảnh hưởng tới tập thể, mà trong đó cá nhân có chức vụ càng cao, có tầm ảnh hưởng càng lớn thì những sai phạm của cá nhân đó càng gây hậu quả nghiêm trọng đối với tập thể. Cá biệt trong vụ đại án Vinashin, bị can Giang Kim Đạt chỉ là cán bộ cấp phòng ở một công ty thành viên của Vinashin nhưng chỉ trong hai năm, Giang Kim Đạt đã tham nhũng số tiền lên tới hàng triệu USD. 

Loại bỏ “sự im lặng đáng sợ” trước cái xấu

Một điều dễ nhận thấy là trong thời gian qua, các vụ đại án tham nhũng thường được phát hiện thông qua dư luận và báo chí, từ đó được xử lý do chỉ đạo từ Trung ương. Vai trò của các tổ chức đảng ở các bộ, ngành, địa phương, đơn vị ở cơ sở trong việc kiểm tra, giám sát để phát hiện sai phạm còn hạn chế. Trong khi đó, nhiệm vụ phòng, chống suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, phòng chống “tự diễn biến", "tự chuyển hóa” cần phải làm tốt từ cấp cơ sở, đối với từng cán bộ, đảng viên. Một tổ chức đảng giàu sức sống, vững mạnh là một tổ chức đảng có khả năng thường xuyên loại bỏ được những hạn chế của mình, mà trong đó, phải có khả năng phát hiện những đảng viên có dấu hiệu vi phạm để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý kỷ luật theo đúng mức độ vi phạm.

Trong phương pháp cách mạng, chúng ta thường lấy tập thể để rèn cá nhân. Nhưng trong tác động đa chiều của cuộc sống hiện nay, một cá nhân có thể ảnh hưởng, gây tác hại, chuyển hóa về chất cả một tập thể, một tổ chức. Đó là vì, khi một cá nhân xấu vẫn có cơ hội để thăng tiến thì sẽ tiếp tục xây dựng, củng cố vây cánh của mình; và những người khác sẽ lấy đó làm hình mẫu để tồn tại và vươn lên. Thời kỳ đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã gọi sự im lặng trước cái xấu là “sự im lặng đáng sợ”. Đó là sự im lặng vô trách nhiệm. Và càng đáng sợ hơn khi có những người sẵn sàng bắt tay với cái xấu vì lợi ích của mình. Như thế, cái xấu sẽ tiếp tục lan truyền và việc chuyển hóa cả tập thể là không tránh khỏi. Vì thế, “sự im lặng đáng sợ” ấy của các tập thể cần phải được phá bỏ.   

Việc nhìn nhận rõ đâu là cá nhân “đen” trong một tập thể, để từ đó bài trừ, ngăn chặn, xử lý có vai trò quan trọng như ngăn chặn giọt mực, không để làm vấy bẩn cốc nước. Muốn làm được như thế thì tập thể, tổ chức đảng ở cơ sở cần phải tăng tính chiến đấu, sử dụng tốt các vũ khí thanh lọc, đó là phê bình và tự phê bình, thẳng thắn góp ý, phân tích những mặt mạnh, mặt yếu của từng đảng viên trong chi bộ, trong đảng bộ để sửa chữa, rút kinh nghiệm. Không ngần ngại đấu tranh, làm rõ những vấn đề liên quan tới nhân cách, tư tưởng, đạo đức, lối sống, trách nhiệm của các đảng viên trong tổ chức đảng. Và khi một cán bộ, đảng viên nào đó trong tổ chức đảng đã bị xác định rõ hành vi vi phạm nghiêm trọng thì phải dùng biện pháp tổ chức, kỷ luật kiên quyết xử lý, không để cá nhân đó tiếp tục gây ra tác hại. Qua đó cũng thấy, trách nhiệm để ngăn chặn những giọt mực loang ra là trách nhiệm chung của cả cấp cơ sở và cấp trên, của cả cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy và mỗi đảng viên, quần chúng. Việc để các cán bộ có tín nhiệm thấp, có dư luận tiêu cực về phẩm chất, đạo đức, nhưng vẫn được đề bạt, bổ nhiệm là lỗi của tổ chức Đảng ở cơ sở. Vì thế, trong việc quy hoạch, bồi dưỡng, cất nhắc cán bộ, thì dù có "tác động", "định hướng" từ đâu đó nhưng cũng cần phải nghiêm chỉnh chấp hành nguyên tắc, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Khi mà một cán bộ có tín nhiệm thấp, có nhiều "điều ra, tiếng vào" thì cần phải hết sức thận trọng, xem xét kỹ lưỡng trước khi quy hoạch, bổ nhiệm.   

Cuộc đấu tranh chống tiêu cực tham nhũng thời gian qua đã đạt nhiều kết quả nổi bật, nhưng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, đây là cuộc đấu tranh còn lâu dài, quyết liệt, gian nan. Cuộc đấu tranh ấy càng đi vào chiều sâu thì càng cần phải nâng cao ý thức, trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên. Chống tiêu cực, tham nhũng chẳng nhìn đâu xa xôi mà cần phải chống ngay những mặt còn hạn chế trong bản thân mỗi chúng ta, dám kiên quyết đấu tranh với biểu hiện suy thoái, sai phạm, với cái xấu ngay trong chính tập thể của chúng ta, đơn vị của chúng ta, ngõ xóm nơi chúng ta ở. Để làm sao những "giọt mực đen" sẽ bị loại trừ, không thể vấy bẩn uy danh của Đảng, làm ảnh hưởng tới sức mạnh tập thể của các cơ quan, đơn vị và Nhà nước xã hội chủ nghĩa.

@CLT