Đừng tự đánh mất trí khôn của mình
Lười học tập, nghiên cứu nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước là vấn đề tồn tại trong đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay. Ngay từ năm 1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ”.
Theo đó, Người cảnh báo đội ngũ cán bộ, đảng viên cần nhận thức một cách đầy đủ việc chủ động, tích cực học tập, nghiên cứu nghị quyết của Đảng. Trong khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị số 01-CT/TW ngày 9-3-2021 của Bộ Chính trị về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thì đây là vấn đề cần được cấp ủy, tổ chức đảng các cấp và mỗi cán bộ, đảng viên hết sức lưu tâm.
Học thật, nhưng kiến thức giả
Theo quy định của Đảng, hằng năm tùy vào tình hình cụ thể, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đều xây dựng kế hoạch tổ chức cho cán bộ, đảng viên học tập, nghiên cứu các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Phương pháp, hình thức tổ chức học tập, nghiên cứu cũng được tiến hành phù hợp với điều kiện thực tế, trong đó cần đặt chất lượng học tập, nghiên cứu lên hàng đầu. Đặc biệt, những năm gần đây, 100% cán bộ, đảng viên sau mỗi kỳ học tập, nghiên cứu các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đều phải tiến hành viết bài thu hoạch hoặc làm bài kiểm tra. Kết quả kiểm tra nhận thức sau mỗi đợt học tập, nghiên cứu chỉ thị, nghị quyết của Đảng trở thành tiêu chí trong xem xét, đánh giá trình độ, năng lực của từng cán bộ, đảng viên. Về hình thức tổ chức học tập cũng có sự đổi mới đáng kể, nhất là trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển nhanh. Không ít lớp học tập, nghiên cứu chỉ thị, nghị quyết của Đảng đã được tổ chức bằng hình thức trực tuyến với sự tham gia của hàng chục nghìn cán bộ, đảng viên từ Trung ương đến cơ sở.
Soi chiếu vào thực tế, tuy việc tổ chức học tập, nghiên cứu chỉ thị, nghị quyết của Đảng được tiến hành rất công phu với những quy định chặt chẽ và rất cụ thể, nhưng điều rất đáng bàn là chất lượng lại chưa đạt như mong muốn. Không ít cán bộ, đảng viên tham gia học tập, nghiên cứu chỉ thị, nghị quyết của Đảng đã có sẵn tư tưởng mang theo một số cuốn truyện, hay một số tờ báo để “nghiên cứu”, nên sau mỗi buổi học hoàn toàn không hay biết báo cáo viên đề cập vấn đề gì, thậm chí tiêu đề cũng không nhớ mà chưa nói tới nội dung. Đặc biệt, ở hầu hết các lớp học tập, nghiên cứu chỉ thị, nghị quyết của Đảng, phần lớn cán bộ, đảng viên chỉ nghe, rất ít người ghi chép. Quả thật, nếu ai đó có biệt tài nghe rồi nhớ thì thật đáng nể phục, nhưng sự thật là nhiều người... quên. Vậy nên, dù việc học tập, nghiên cứu chỉ thị, nghị quyết của Đảng có được tổ chức công phu đến mức nào, nếu tư tưởng học tập như trên thì vẫn chỉ là việc học thì thật, nhưng kiến thức là giả.
Khi nêu vấn đề này, không ít người cho rằng, nói thế chưa thật chính xác, vì qua kiểm tra, đánh giá sau mỗi đợt học tập, nghiên cứu chỉ thị, nghị quyết của cán bộ, đảng viên do cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tiến hành cho thấy kết quả khá cao; tỷ lệ cán bộ, đảng viên có bài thu hoạch hoặc bài kiểm tra đạt điểm khá, giỏi chiếm phần lớn. Đúng là vậy, nhưng điểm số trong từng bài thu hoạch chưa hẳn đã phản ánh thực chất chất lượng học tập, nghiên cứu chỉ thị, nghị quyết của mỗi cán bộ, đảng viên khi mà phần lớn các bài viết thu hoạch đều được sao chép gần như nguyên xi so với nghị quyết. Trước thực trạng này, không ít cán bộ, đảng viên “lý luận” rằng: Đã là nghị quyết của Đảng thì viết thu hoạch không thể khác được. Điều này không sai, nhưng quan trọng hơn là sau khi nghiên cứu, học tập nghị quyết thì yêu cầu đặt ra đối với từng cán bộ, đảng viên không chỉ là chuyện thuộc nghị quyết, mà cần phải hiểu nghị quyết và vận dụng hiệu quả vào đời sống thực tế trên cương vị công tác của mình. Căn cốt của việc học tập nghị quyết là để thực hành nghị quyết. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế... Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế”(1). Người chia lý luận làm hai loại: “Lý luận suông, vô ích” và “lý luận thiết thực, có ích”. Lý luận mà không áp dụng vào thực tế là “lý luận suông”. “Lý luận thiết thực” là những vấn đề do thực tế nảy sinh đòi hỏi phải giải quyết trên cơ sở lý luận, chẳng hạn “muốn biết ta tiến lên chủ nghĩa xã hội như thế nào thì trước hết... phải biết chủ nghĩa xã hội là gì”(2). Dẫn lại lời chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh để thấy rằng, việc nghiên cứu, học tập chỉ thị, nghị quyết của Đảng là rất quan trọng và cần thiết đối với mỗi cán bộ, đảng viên; nhưng điều quan trọng hơn, cần thiết hơn là việc vận dụng những tri thức đó vào thực tiễn, cải tạo thực tiễn với mục đích nâng cao chất lượng công tác để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Chỉ khi nào và lúc nào mọi cán bộ, đảng viên có nhận thức đầy đủ như vậy thì việc học tập, nghiên cứu chỉ thị, nghị quyết của Đảng mới khắc phục được tình trạng: Học thật nhưng kiến thức giả.
Không gian Trung tâm Hội nghị Quốc gia, nơi tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh minh họa: TTXVN. |
Học nghị quyết cần thường xuyên, liên tục
Đặt vấn đề như vậy để thấy rằng, việc học tập, nghiên cứu chỉ thị, nghị quyết của Đảng ở mỗi cán bộ, đảng viên cần được tiến hành thường xuyên, liên tục. Thực tế, hiện sự chủ động trong nghiên cứu, học tập chỉ thị, nghị quyết của Đảng ở nhiều cán bộ, đảng viên hoàn toàn phụ thuộc vào các lớp học tập trung do cấp ủy, tổ chức đảng ở từng cấp triệu tập. Chất lượng, việc tổ chức học tập tập trung như phần trên bài viết này đã phân tích. Do không thường xuyên học tập, nghiên cứu nên có không ít cán bộ, đảng viên hiểu và vận dụng chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa đúng với thực tiễn, thậm chí cá biệt có trường hợp vận dụng trái ngược với nghị quyết. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng công việc của cá nhân, đơn vị mà còn gây ra rất nhiều hệ lụy cho người dân, gây rối bận cho tổ chức. Tình trạng đơn thư vượt cấp kéo dài có một phần nguyên nhân chính từ việc đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức ở cơ sở không nắm vững chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để giải quyết trước những đòi hỏi chính đáng của người dân. Nói về vai trò của lý luận, Bác Hồ từng ví đó như “trí khôn của con người”.
Sẽ chẳng ai có thể đọc một lần nghị quyết là hiểu ngay, nhớ ngay. Vì vậy, nếu chỉ phụ thuộc vào việc học tập, nghiên cứu nghị quyết của Đảng theo hình thức tập trung, điều chắc chắn là sẽ không mang lại hiệu quả. Bởi vậy, sự chủ động, tích cực, tự giác trong học tập, nghiên cứu nghị quyết của từng cán bộ, đảng viên chính là vấn đề có ý nghĩa quyết định. Lý luận về giáo dục và quá trình nhận thức đã được các nhà khoa học phân tích kỹ, xin không nhắc lại nhưng ai cũng hiểu rằng: Tự học, tự nghiên cứu đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình tiếp nhận tri thức và sử dụng tri thức. Khi và chỉ khi nào từng cán bộ, đảng viên hiểu được thực chất của vấn đề, nắm vững vấn đề thì khi đó mới biết cách để vận dụng hiệu quả vào thực tiễn. Hiểu phương phưởng, đại khái, không nắm được bản chất sẽ không bao giờ hy vọng có được kết quả tốt trong hoạt động thực tiễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghiên cứu lý luận chính trị không chỉ dừng ở phạm vi trường lớp mà phải nêu cao tinh thần tự học, học ở mọi nơi, mọi lúc: “Học ở trường, ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân”.
Nêu lại một vài hiện tượng, vấn đề từ thực tiễn và vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng của việc học tập, nghiên cứu chỉ thị, nghị quyết của Đảng để mỗi cán bộ, đảng viên suy ngẫm, tự kiểm điểm lại những việc mà mình đã làm, đang làm và sẽ làm. Chúng ta đều biết, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ ra một trong số biểu hiện để nhận diện sự suy thoái về tư tưởng chính trị trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, đó là: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Nghị quyết cũng thẳng thắn thừa nhận: “Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên về Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng dạy và học tập nghị quyết của Đảng chưa được coi trọng đúng mức”.
Như vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức một cách đầy đủ rằng: Lười học tập, nghiên cứu chỉ thị, nghị quyết của Đảng cũng chính là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đặc biệt là tự đánh mất “trí khôn” của mình. Bởi vậy, nếu không sớm nhận diện, sớm có giải pháp khắc phục thì sự suy thoái này sẽ gây nguy hại khôn lường, không chỉ ảnh hưởng đến một cá nhân, một tập thể, một địa phương, đơn vị mà còn ảnh hưởng đến uy tín, năng lực, sức chiến đấu của Đảng. Bởi, "Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải mạnh. Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do đảng viên đều tốt". Theo đó, trong khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang tiến hành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng về tổ chức học tập, nghiên cứu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, hy vọng mỗi cấp ủy, tổ chức đảng sẽ có nhiều cách thức đổi mới trong tổ chức học tập, nghiên cứu, nhưng điều quan trọng và có ý nghĩa quyết định đến chất lượng học tập, nghiên cứu chỉ thị, nghị quyết của Đảng hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự giác của từng cán bộ, đảng viên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét