Càng về cuối thế kỷ 20 và những năm đầu của thế kỷ 21, các thủ đoạn đó càng trở nên bành trướng về quy mô, đa dạng về hình thức, nguy hiểm về tính chất và thâm độc về mức độ.

Vì vậy, bảo vệ và phát triển Chủ nghĩa Mác trong tình hình hiện nay là bảo vệ những giá trị gốc rễ của Chủ nghĩa Mác-Lênin với tư cách là bộ phận cấu thành nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bài 1: Nhận diện những biến tướng nguy hại về Chủ nghĩa Mác

Âm mưu xuyên tạc, hạ bệ Chủ nghĩa Mác

Chính những kẻ từng khoác áo mác-xít sống được và thành danh nhờ Chủ nghĩa Mác-Lênin, sau năm 1991 và giờ đây lại quay sang coi C.Mác (Karl Marx), V.I.Lênin (Vladimir I.Lenin) như những “nhà tiên tri không thành đạt” (!), như những “ông thầy bói của lịch sử” (!).

Nhưng chính những học giả của giai cấp tư sản, thông minh và bản lĩnh hơn những kẻ giả danh mác-xít nói trên, khi chính họ nhận ra sự “báo ứng” nan giải, sẽ trở nên vô phương cứu chữa đối với sự “cùng quẫn” của thể chế tư sản, lúc họ thiếu C.Mác. Bởi vì ở thời khắc cam go và hết sức phức tạp của lịch sử, ngay trong lòng xã hội tư bản chủ nghĩa, hiện nay đang khủng hoảng bởi thiếu một xung lực đúng đắn từ lĩnh vực tưởng ngỡ như nó nằm ngoài phạm vi hoạt động thực tiễn.

Đó là lĩnh vực lý luận về kinh tế và xã hội, khi những cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu những năm 1997, 1998 và 2008; khi vấn nạn môi trường sinh thái toàn cầu lan rộng mà các quốc gia tư sản vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân không thể chối cưỡng. Điều đó giải thích vì sao chủ nghĩa tư bản (CNTB) và các phong trào chống lại “CNTB toàn cầu” đang bộc lộ sự lúng túng, yếu kém, thậm chí bất lực của chúng, vì họ thiếu một nền tảng lý luận xã hội căn bản, khoa học và phù hợp.

Bảo vệ, phát triển Chủ nghĩa Mác trong tình hình hiện nay
Ảnh minh họa/ tuyengiao.vn 

Nhận thức về nhu cầu bất khả kháng đó, không phải ai khác và cũng không phải ở đâu khác, chính Jacques Derrida-một triết gia danh tiếng phương Tây đã phải thốt lên: Chúng ta phải trở về với Mác. Nhân loại không có tương lai mà lại không có Mác.

Điều đó đã lan tỏa sang cả nước Mỹ, khi ông Bao-lô-xu-ây-xi, một giáo sư đại học tại bang Florida, lên tiếng cảnh tỉnh: Nếu chủ nghĩa xã hội (CNXH) dùng trí lực của nhân loại-giống như Mác đã nói-thế thì, rất rõ ràng, ngoài CNXH không có sự cứu thế nào khác; và ngài M.Kha-rin-tơn, một nhà văn hóa học người Mỹ, dõng dạc tuyên bố: CNXH sẽ là người kế thừa các cuộc cách mạng tư sản vĩ đại, là phong trào hiện thực “tự do, bình đẳng, bác ái”, những điều không thể thực hiện được trong khuôn khổ của CNTB.

Hiện nay, điều đáng nói hơn, ngay cả một bộ phận người cộng sản, trong hành trình hiện thực hóa lý tưởng cộng sản do chính Chủ nghĩa Mác-Lênin khởi xướng, vào những thời khắc khó khăn nhất, lại cũng tỏ ra do dự, hoài nghi, lúng túng; thậm chí, cả bằng sự thẩm xét hời hợt, nông cạn một cách hình thức qua các thái độ hoặc là ngoảnh mặt thờ ơ hoặc là kỳ thị, chối bỏ, rồi quay ra công kích Chủ nghĩa Mác.

Sẽ trở thành ảo tưởng đáng thương hại, khi ai đó có thể tưởng tượng ra và kỳ vọng về một cuộc “cuộc duyệt binh” trong sự phát triển của những người làm lý luận mác-xít, với thứ mong muốn “đồng phục” về chính trị, về tư tưởng và trí lực. Trong sự phát triển và tiến hóa của tự nhiên cũng như vậy. Những kỳ vọng về sự thuần chủng tuyệt đối của một loài sinh vật nào đó là sự ảo tưởng, trái quy luật tự nhiên.

Nói như vậy để khẳng định rằng, cần phải có một cách nhìn thực sự bình tĩnh, khách quan, cần một phương pháp khoa học, một tinh thần cách mạng, với thái độ thành tâm, nghiêm túc và cầu thị, chúng ta mới có thể khắc phục những khó khăn, thách thức mà cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, dưới ngọn cờ của Chủ nghĩa Mác-Lênin đang phải đương đầu, trước hết về mặt tư tưởng lý luận.

Những biến tướng làm méo mó Chủ nghĩa Mác

Có mấy biến thể Chủ nghĩa Mác-Lênin mà bấy lâu nay một bộ phận người cộng sản đã ngộ nhận, ở mức độ này hay khác, lầm lẫn dù tự giác hay không tự giác, trực tiếp làm lệch lạc nhận thức về Chủ nghĩa Mác-Lênin, vô hình bôi nhọ và phủ định nó.

Một là, biến thể Chủ nghĩa Mác-Lênin được tạo ra tồn tại dưới dạng sản phẩm của sự diễn dịch chủ quan và giáo điều. Đây là dạng mà ngay lúc còn sinh thời, chính Mác phải thốt lên: “Tôi không phải là Mác và người theo Chủ nghĩa Mác”, khi ông đọc lại chính tư tưởng của mình, qua sự giới thiệu của những người cùng thời.

Giờ đây, người ta lại chia cắt, biệt lập Mác thời trẻ và đem đối lập với Mác sau này; đem đối lập Mác với Lênin. Với Lênin, người ta cũng làm vậy. Nhất là sau khi Lênin mất, những di sản tư tưởng vĩ đại của ông bị người ta giải thích một cách thiên kiến, cứng nhắc, chủ quan và thô lậu. Và để tạo ra một thứ, theo họ được gọi là Chủ nghĩa Mác-Lênin, người ta đánh một dấu cộng đơn thuần, giữa Mác và Lênin, một cách hình thức, rồi coi như hoàn tất mọi việc.

Hai là, biến thể Chủ nghĩa Mác-Lênin được tồn tại một cách phổ biến theo kiểu bị cắt xén, chắp vá một cách thực dụng. Bằng cách phủ nhận sự tồn tại của thế giới khách quan, với các quy luật khách quan cũng như mối liên hệ hữu cơ giữa các sự vật, hiện tượng, người ta tuyệt đối hóa vai trò ngẫu nhiên, vai trò cảm giác và kinh nghiệm chủ quan.

Và điều tệ hại, nguy hiểm nhất là người ta không thừa nhận tính chất khách quan của chân lý mà cho rằng chân lý do chủ quan cá nhân quyết định, không phải chỉ có một chân lý mà có nhiều chân lý, chỉ có cái gì có lợi cho họ mới là chân lý (!). Chủ nghĩa Mác-Lênin được nhào nặn và tạo ra dưới bàn tay của họ, theo cách đó. Và thế là Chủ nghĩa Mác-Lênin bị biến thành chủ nghĩa công cụ, chủ nghĩa hành vi, là thứ triết học của sức mạnh, dưới sự chi phối của chủ nghĩa thực dụng và chủ nghĩa cơ hội.

Ba là, dạng biến thể Chủ nghĩa Mác-Lênin được dựng lên một cách giả trá theo chủ nghĩa xét lại và chủ nghĩa cơ hội. Trên bình diện này, chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa xét lại, với bản chất cố hữu của nó, đã sử dụng một cách khôn ngoan chủ nghĩa thực dụng làm cơ sở phương pháp luận cho nó. Họ nhân danh Chủ nghĩa Mác-Lênin để thực hiện mưu toan tước bỏ nội dung giai cấp và tính cách mạng cốt làm méo mó, sai lệch ý tưởng của Mác, kỳ thực nhằm chống phá, phủ định Chủ nghĩa Mác-Lênin.

Tất cả các luận đề của Mác, Ăngghen (Friedrich Engels), Lênin đều bị diễn đạt lại một cách không rõ ràng, hết sức trừu tượng đến mức phi lô-gích và lịch sử... bằng những mánh khóe bịp bợm, điều hòa đến mức không thể nào hiểu được một cách rõ ràng và dứt khoát. Nói như Lênin, bao giờ nó cũng tìm con đường trung dung, nó quanh co, uốn khúc như con rắn nước giữa hai quan điểm đối chọi nhau, nó tìm cách “thỏa thuận” với cả quan điểm này lẫn quan điểm kia, vì nó quy những bất đồng ý kiến của mình lại thành những điều sửa đổi nhỏ nhặt, những sự hoài nghi, những nguyện vọng thành tâm và vô hại...

Từ đó Chủ nghĩa Mác-Lênin, qua bàn tay “nhào nặn” của những kẻ cơ hội và xét lại, chỉ còn là nhãn hiệu, chỉ còn là “xác” bằng sự tưởng tượng ngây thơ nhưng có sức nặng đủ để tự phản lại và giết chết chính nó, khi nằm trong tay họ, vô hình bóp nghẹt công tác lý luận, như lịch sử đã từng cảnh cáo.

Nhận diện những biến thể chủ yếu của Chủ nghĩa Mác-Lênin, dù chưa đầy đủ nhưng cốt để nói rằng, chúng ta cần tỉnh táo và cấp bách trở về với Chủ nghĩa Mác-Lênin, như nó vốn có và trả lại cho nó những giá trị đúng như nó đã có và đang được hiện thực hóa một cách không gì cưỡng nổi. Cố nhiên, đây là một công việc cực kỳ khó khăn nhưng không thể nào khác được, nếu muốn tiếp tục phát triển công tác lý luận ngang tầm sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc.

Nhân loại đang trở về với Mác

Mác, Ăngghen, Lênin không phải là những “nhà tiên tri”, những ông “thầy bói của lịch sử” như mấy ai bôi nhọ hay huyễn hoặc. Các ông là những nhà cách mạng, nhà khoa học chân chính, thiên tài. Chủ nghĩa mà các ông sáng lập và đấu tranh không mệt mỏi để thực hiện nó, là hành động một cách dũng cảm và cách mạng biến cái lô-gích phát triển tất yếu của nhân loại, trên cơ sở giải phẫu các xã hội mà loài người đã và đang tồn tại, để các quốc gia, dân tộc đi tới tương lai.

Nói cách khác, lý luận của các ông chỉ giúp loài người lựa chọn điều cần và phải đi con đường dẫn tới chân lý, với những lực lượng tiên quyết, những điều kiện có tính chất cần và đủ, khi đứng ở ngã ba lịch sử của sự lựa chọn và phải quyết định, gồm: Một ngả dẫn đến vũng lầy của sự lầm lẫn, còn ngả kia là đi tới chân trời sáng sủa, tất yếu.

Diễn đạt cụ thể, các nhà sáng lập Chủ nghĩa Mác-Lênin không chỉ đơn thuần giải phẫu các hình thái kinh tế-xã hội, mà bắt đầu từ cấu trúc nền tảng để làm nổi bật lên những vấn đề của chúng và cuối cùng, dự báo sự sụp đổ tất yếu và sự thay thế giữa chúng với nhau hoặc tuần tự hoặc nhảy vọt một cách biện chứng, theo quy luật.

Cố nhiên, chúng ta không thể phủ nhận một điều là, những thập kỷ 70, 80, nhất là những năm 90 của thế kỷ 20, trong quá trình hiện thực hóa lý luận mác-xít, những người cộng sản vấp phải khó khăn to lớn. Đặc biệt, trong thời điểm lịch sử ở vào tình thế có tính bước ngoặt, khi xu thế toàn cầu hóa trở thành phổ biến với xung lực tất yếu và mạnh mẽ là kinh tế tri thức, công việc đó càng trở nên khó khăn gấp bội; và cho thấy, sẽ chỉ “sống sót” những lực lượng chính trị nào có thể đáp lại những thách thức mới của thời đại, tiếp tục đủ sức gánh vác trọng trách đó của lịch sử.

Nhân loại đang trở về với Mác. Nhưng trở về với Mác, với Lênin như thế nào? Tất nhiên sự trở về không phải là sự thuộc lòng học thuyết của các ông, rập khuôn nó và coi nó như “chiếc chìa khóa vạn năng” nào đó, bất chấp những sự thay đổi của lịch sử. Như thế, vô hình đã bóp nghẹt sức sống của Chủ nghĩa Mác-Lênin, điều mà các ông lúc sinh thời đã cảnh báo và lịch sử từng nghiêm khắc phê phán.

Mác không bao giờ và chưa bao giờ tiên thiên, không khi nào rơi vào định mệnh! Nói một cách hình ảnh, ông chỉ vén mây mù để tất cả nhìn thấy trời xanh tất yếu của sự tự do và con đường đi tới nó một cách tự nhiên, còn đi như thế nào lại tùy thuộc vào điều kiện của mỗi quốc gia, dân tộc và tình thế lịch sử cho phép.

Lênin cũng thế. Ông rất căm ghét thói rập khuôn mù quáng. Cả hai ông đòi hỏi sự phê phán nghiêm ngặt học thuyết của các ông chứ không phải khư khư bám giữ những điều có thể là đúng với hôm qua, nhưng hôm nay đã bị cuộc sống vượt qua. Đó chính là nguồn gốc sức sống, con đường phát triển của chính lý luận Mác-Lênin - học thuyết cách mạng phê phán và tự phê phán cách mạng!          

Vượt qua tất cả các học thuyết hiện nay, Chủ nghĩa Mác-Lênin đã mở ra một chân trời khám phá và sáng tạo không ngừng. Vì toàn bộ thế giới quan của học thuyết Mác, nói như Ăngghen, không chỉ là một học thuyết mà còn là phương pháp. Nó đưa ra không phải những giáo điều có sẵn mà là những xuất phát điểm để tiếp tục nghiên cứu toàn diện lịch sử.