Đảng mạnh nhờ có chi bộ tốt

Đưa chúng tôi tham quan vườn cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao, như: Cam, hồng giòn, dâu tây thuộc khu du lịch cộng đồng tại bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, đồng chí Đặng Phi Hùng, Chủ tịch UBND xã Vân Hồ tự hào cho biết: "Thời gian qua, tuy chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng kinh tế của xã vẫn chuyển dịch theo hướng tích cực, nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,17%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 36,5 triệu đồng/người/năm. Có được kết quả ấy là nhờ Đảng bộ xã Vân Hồ phát huy vai trò lãnh đạo, triển khai hiệu quả các nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn".

Nâng sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng
Cán bộ xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La trò chuyện với nhân dân bản A Lang. 

Nhiều năm về trước, sở dĩ xã Vân Hồ được ví như “nàng công chúa ngủ quên” là bởi tiềm năng, thế mạnh thì có nhưng không đủ sức bật dậy. Nguyên nhân một phần là do năng lực lãnh đạo của một số cấp ủy, chi bộ còn hạn chế, chưa thể hiện rõ vai trò tiên phong.

Nhiều nghị quyết phát triển kinh tế chưa đi vào cuộc sống. Đồng chí Đặng Phi Hùng quả quyết: "Từ khi có nghị quyết của Tỉnh ủy về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng gắn với củng cố hệ thống chính trị cơ sở, Đảng bộ xã Vân Hồ xác định đây là việc cấp thiết và bắt đầu công cuộc “phẫu thuật”, kiểm điểm, đánh giá những hạn chế, khuyết điểm đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên".

Với 19 chi bộ trực thuộc, 349 đảng viên, 14 chi bộ bản, tiểu khu trực thuộc, để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, duy trì nghiêm chế độ các nguyên tắc, phát huy dân chủ, Đảng bộ xã Vân Hồ duy trì nghiêm họp ban chấp hành định kỳ và đột xuất, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, nảy sinh ở cơ sở. Đồng thời, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín. Đảng bộ xã đã phân công ủy viên ban chấp hành theo dõi các chi bộ trực thuộc, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai, thực hiện toàn diện, nhờ đó hiệu quả triển khai các nghị quyết được nâng cao.

Xác định là nhiệm vụ trọng tâm, yêu cầu cấp thiết trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tháng 4-2022 vừa qua, Đảng bộ tỉnh Sơn La tổ chức hội nghị đánh giá hiệu quả của Nghị quyết số 02-NQ/TU. Các ý kiến thống nhất đánh giá: Sau một năm thực hiện, chất lượng sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy có chuyển biến tích cực.

Công tác kiện toàn, sắp xếp đội ngũ cán bộ, kết nạp đảng viên được quan tâm. Đảng bộ tỉnh đã kết nạp hơn 2.560 đảng viên, trong đó kết nạp 93 đảng viên trong doanh nghiệp; 1.121/2.509 đồng chí bí thư chi bộ đồng thời là trưởng bản. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội được phát huy. Đời sống nhân dân, bộ mặt nông thôn mới được nâng lên trông thấy.

Tháo gỡ rào cản, vướng mắc

Bên cạnh kết quả đạt được, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Sơn La cũng thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay, trước những tác động khách quan, tổ chức cơ sở đảng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi cấp có thẩm quyền phải sớm vào cuộc, tập trung tháo gỡ.

Thực tiễn cho thấy, hiện nay, một số cấp ủy, chi bộ thực hiện nhiệm vụ xây dựng đảng còn hạn chế, nhất là công tác phát triển đảng viên chưa vững chắc, nguy cơ tái bản "trắng" đảng viên vẫn còn. Chất lượng sinh hoạt chi bộ một số nơi chưa cao dẫn đến việc đưa các chủ trương, chính sách của Đảng vào cuộc sống ở nhiều địa phương còn gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân chủ yếu là do xuất phát điểm của Sơn La là một tỉnh vùng cao Tây Bắc, điều kiện kinh tế-xã hội gặp nhiều khó khăn, nguồn lực hạn chế, khó huy động, phát huy hiệu quả. Địa bàn rộng, nhiều thành phần dân tộc sinh sống, đời sống còn khó khăn nhiều mặt; trình độ văn hóa của một số cấp ủy chưa đồng đều, chưa phát huy hết vai trò nêu gương trong lãnh đạo, chỉ đạo.

Thực hiện chủ trương bí thư chi bộ đồng thời là trưởng bản ở Sơn La, một số bí thư chi bộ đã trải qua quá trình công tác lâu năm, có kinh nghiệm lãnh đạo nhưng do tuổi tác, nguồn phụ cấp chưa tương xứng nên họ không muốn kiêm nhiệm thêm chức danh. Thực hiện việc tinh giản bộ máy biên chế, sau sáp nhập, một bộ phận cán bộ, đảng viên gần dân bị cắt giảm. Trong khi đó, nguồn kinh phí “bồi dưỡng” cho đội ngũ hoạt động không chuyên trách ở các bản, tiểu khu quá thấp nên họ không mặn mà...

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 02-NQ/TU, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La khẳng định: “Ngoài việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất, trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới, cần đổi mới phương thức lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng. Thực hiện nghiêm trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng các mô hình mới, cách làm hay; biểu dương, khen thưởng kịp thời các tổ chức đảng, đảng viên tiêu biểu”. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, khảo sát thực tiễn, bảo đảm chế độ, chính sách cho các cán bộ, đảng viên, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng ở cơ sở.