Cuộc cách mạng công nghệ thông tin phát triển bùng nổ; xu hướng cá nhân hoá thông tin ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội; các thế lực thù địch không ngừng chống phá quyết liệt, bằng mọi hình thức, thủ đoạn. Thực tiễn đó đặt ra yêu cầu, đòi hỏi đối với công tác dư luận xã hội (DLXH) ) phải dự báo sớm, chính xác, làm chủ tình hình, định hướng DLXH để tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội.
ĐỔI MỚI NỘI DUNG, PHƯƠNG THỨC CÔNG TÁC DƯ LUẬN XÃ HỘI
Kết luận số 100/KL-TW Ban Bí thư khóa XI đặt ra yêu cầu “Công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội phải bám sát thực tiễn xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện theo yêu cầu, đề nghị của các cơ quan Đảng, Nhà nước hoặc về những vấn đề Nhân dân quan tâm để phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cấp uỷ, chính quyền các cấp. Đối với các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng có ảnh hưởng sâu rộng, trước khi xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện và sau một thời gian tổ chức thực hiện phải tiến hành điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội”. Gần đây nhất, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh “Chú trọng nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, bảo đảm thống nhất tư tưởng trong Đảng, đồng thuận cao trong xã hội”. Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII[1]đã đặt ra yêu cầu “Nâng cao chất lượng công tác dư luận xã hội và đánh giá sự hài lòng của người dân; chủ động dự báo tình hình, xử lý kịp thời thông tin, định hướng dư luận xã hội”.
Trong bối cảnh hiện nay, Đảng ta, đất nước ta, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức với công tác tuyên giáo nói chung và công tác nghiên cứu dư luận xã hội nói riêng. Công nghệ truyền thông mới như Internet, mạng xã hội, smartphone... đã đem đến cho hệ sinh thái thông tin những thay đổi chưa từng có. Một trong những vấn đề công tác tuyên giáo đang phải đối mặt là tình trạng ô nhiễm thông tin, một đặc trưng cho xã hội hiện đại. Lợi dụng ưu thế vượt trội của Internet, mạng xã hội, các thế lực thù địch đã tạo ra các chiến dịch lan truyền thông tin xuyên tạc, gieo rắc sự hoài nghi, hoang mang, nhằm khoét sâu mâu thuẫn, gây mất niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.
Thực trạng này có tác động không nhỏ tới tình hình tư tưởng và các ý kiến đánh giá của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về tầm quan trọng của các vấn đề xã hội, đặc biệt là về sự cấp bách để giải quyết chúng. Trước tình hình đó, phương thức nắm bắt dư luận xã hội truyền thống đang dần dần mất đi tính hiệu quả, thiếu kịp thời; việc dự báo và đề xuất các giải pháp định hướng dư luận xã hội, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch không còn tính chính xác cao.
Từ thực tiễn nêu trên đặt ra yêu cầu, đòi hỏi phải đổi mới nội dung, phương thức công tác dư luận xã hội với các yêu cầu cụ thể sau đây: 1) Công tác DLXH phải góp phần tham mưu cho cấp ủy Đảng các cấp ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng; là kênh thông tin tham khảo quan trọng về tình hình tư tưởng, tâm trạng xã hội và niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; 2) Công tác DLXH phải bám sát “hơi thở” của thực tiễn cuộc sống, xuất phát từ thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm, bài học từ thực tiễn để bổ sung, phát triển lý luận, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; 3) Công tác DLXH phải đặc biệt coi trọng yêu cầu về mặt khoa học, nhất là tính chính xác, khách quan, toàn diện.
Để đáp ứng yêu cầu đó, các đầu mối nghiên cứu, nắm bắt DLXH ở các ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương cần phải làm tốt hai nhiệm vụ chủ yếu sau:
Thứ nhất, chủ động nghiên cứu, nắm bắt tâm trạng, tư tưởng và dư luận của cán bộ, đảng viên và Nhân dân: Kịp thời phát hiện những vấn đề bức xúc trong đời sống, phối hợp giải quyết đúng và có hiệu quả, đáp ứng được lòng tin, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân đồng thời đề xuất những kiến nghị, giải pháp đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là việc làm vô cùng quan trọng, cần phải được tiến hành thường xuyên, khách quan, khoa học ở mọi cấp, mọi ngành. Nội dung các cuộc thăm dò dư luận xã hội phải phục vụ quá trình hình thành, hoàn thiện và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách quan trọng của cấp ủy đảng, chính quyền ngành, địa phương; định kỳ điều tra dư luận xã hội về hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị của địa phương
Thứ hai, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dự báo, xử lý kịp thời thông tin, định hướng dư luận xã hội: Đề xuất các biện pháp định hướng, hình thành dư luận xã hội tích cực, tạo sự thống nhất về nhận thức, ý chí và hành động trong xã hội, thúc đẩy quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước và của ngành, địa phương; tham gia đấu tranh chống thông tin và quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét