Thứ Ba, 28 tháng 2, 2023

Gương mẫu cũng chính là văn hóa

 

Gương mẫu cũng chính là văn hóa

 

Gương mẫu cũng chính là văn hóa

Đề cương văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943 đến nay tròn 80 năm nhưng vẫn vẹn nguyên giá trị. Trong bối cảnh mới, theo ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa, giáo dục), mỗi cán bộ đảng viên phải thấy rõ mình đang đứng ở đâu, ở vị trí nào để làm gương cho cấp dưới và quần chúng.

Đề cương văn hóa Việt Nam trong 80 năm qua?

Trong 80 năm thực hiện Đề cương Văn hóa Việt Nam, nền văn hóa nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng với những dấu ấn sâu sắc, đậm đà bản sắc dân tộc, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước, cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Trong thành tựu chung phát triển của đất nước, có những đóng góp to lớn của lĩnh vực văn hóa.

Ba nguyên tắc cơ bản của Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 là: Dân tộc, khoa học và đại chúng, đến nay vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự. Bởi làm gì thì vẫn phải đảm bảo các nguyên tắc là dân tộc, khoa học, đại chúng. Nếu văn hóa không “bám” lấy dân tộc, không “bám” lấy công chúng thì văn hóa không có chỗ đứng. Cho nên Đề cương Văn hóa cách đây 80 năm vẫn còn nguyên giá trị là như vậy. 

Trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần có văn hóa. Như trong các cơ quan nhà nước hiện nay phải có văn hóa công sở; trong xã hội có văn hóa ứng xử, văn hóa giao thông; trong môi trường giáo dục cũng phải có văn hóa học đường; đối với doanh nghiệp (DN) phải có văn hóa DN. Đây là nòng cốt của sự phát triển DN, sự bền vững của cả DN và doanh nhân.

Như vậy, trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng phải có văn hóa. Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 cũng đã khẳng định văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Văn hóa suy cho cùng là hướng tới con người, xây dựng con người mới, con người có văn hóa. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đã từng khẳng định phải ứng xử nhân văn, văn hóa, thấu tình đạt lý. Tình người chính là cốt cách trong văn hóa ứng xử. Ai có công thì được khen thưởng, ai có tội phải bị xử lý. Nhưng xử thế nào để cho nhân văn, chứ không phải xử lý để “triệt hạ” đồng đội, đồng chí của mình.

Vừa qua đã có một vài cán bộ cấp cao chủ động xin thôi các chức vụ trong Đảng cũng như chính quyền; đó có phải là văn hóa từ chức?

Trước kia chúng ta chưa đề cập nhiều đến vấn đề này. Nhưng gần đây chúng ta thấy rõ, cán bộ tự giác từ chức đúng lúc, đúng thời điểm cũng là cách hành xử văn hóa. Do đó, đây là yếu tố cần được đề cao. Bởi anh đã có khuyết điểm, hoặc để cho cấp dưới của mình vi phạm thì chính bản thân anh cũng không còn đủ uy tín, tín nhiệm. Khi không đủ uy tín mà vẫn “giữ ghế” thì rõ ràng là thiếu văn hóa.

Đảng đã ban hành Quy định 08 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, trước tiên là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương. Nghĩa là trước tiên phải gương mẫu từ trong Đảng, gương mẫu từ các cán bộ đảng viên. Chức càng cao thì càng phải gương mẫu. Nếu cấp trên mà không gương mẫu thì làm sao nói được cấp dưới. Người ở vị trí đứng đầu một ngành, một tỉnh, thành phải gương mẫu cho cán bộ cấp dưới, nhân dân ở địa phương đó noi theo. Nếu người đứng đầu mà tham gia vào đường dây tham nhũng, tiêu cực thì làm sao bảo ban được cấp dưới...

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Câu nói đó đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị. Điều đó thể hiện vai trò đầu tàu gương mẫu của cán bộ đảng viên. Do đó mỗi cán bộ đảng viên phải thấy rằng mình đang đứng ở đâu, ở vị trí nào để làm gương cho cấp dưới, cho quần chúng. Đây là điều mà mỗi đảng viên cần thể hiện trong ý thức của người cán bộ đảng viên. Bởi sự gương mẫu cũng chính là văn hóa./.

Không có nhận xét nào: