Thứ Ba, 21 tháng 2, 2023

Đi lên chủ nghĩa xã hội không phải là sai lầm

 

Đi lên chủ nghĩa xã hội không phải là sai lầm


Vừa qua, trên trang “Danlambao” có đăng bài “Sai lầm chí mạng của chủ nghĩa cộng sản” của Trần Đăng. Trong bài viết, với cách nhìn lêch lạc, Trần Đăng đã cố tình xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin và đưa ra kết luận “loài người tiến lên chế độ CS là một sai lầm”. Rõ ràng, đây là luận điệu sai trái và phản động, bởi lẽ:

Thứ nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội là sự vận động tất yếu hợp quy luật

Trên cơ sở nghiên cứu, tổng kết toàn bộ lịch sử phát triển của xã hội loài người, chủ nghĩa Mác – Lênin chỉ ra rằng, sự phát triển của xã hội loài người rất phong phú, đa dạng, nhưng đó là sự phát triển có quy luật. Toàn bộ dòng chảy lịch sử của nhân loại là quá trình lịch sử – tự nhiên với sự thay thế, tiếp nối các hình thái kinh tế – xã hội từ thấp lên cao (cộng sản nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa và chủ nghĩa cộng sản). Nguyên nhân khách quan, nội tại dẫn đến sự thay thế, tiếp nối các hình thái kinh tế – xã hội là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất, giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng. Từ đó có thể khẳng định, đi lên chủ nghĩa xã hội là tất yếu lịch sử, đó là con đường hợp quy luật mà con người sẽ đi tới. Căn nguyên kinh tế – xã hội của sự vận động phát triển tất yếu từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội chính là sự phát triển và quá trình xã hội hóa lực lượng sản xuất dẫn đến mâu thuẫn với quan hệ sản xuất dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân tư liệu sản xuất, làm thay đổi tình trạng của cơ sở hạ tầng xã hội tư bản chủ nghĩa. Sự thay đổi của cơ sở hạ tầng xã hội tư bản chủ nghĩa đến mức độ cao tất yếu dẫn đến sự thay đổi kiến trúc thượng tầng của xã hội tư bản chủ nghĩa, tức là thay đổi chế độ tư bản chủ nghĩa bằng chế độ mới, chế độ cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn đầu là chế độ xã hội chủ nghĩa. Sự thay đổi ấy đồng nghĩa với sự giải phóng con người một cách toàn diện, thủ tiêu mọi sự thù địch giai cấp, nhất là thù địch giữa giai cấp vô sản và tư sản.

Chủ nghĩa xã hội có mục tiêu cao cả là giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người, tạo điều kiện để con người phát triển toàn diện; là một chế độ xã hội mà con người được tự do, sống hòa bình, nhân ái, tương trợ lẫn nhau giữa các cộng đồng, không còn áp bức, bóc lột, bất công, một xã hội thực sự vì con người. Rõ ràng, đây là những khát vọng, mong ước tốt đẹp không chỉ của nhân dân Việt Nam mà của cả nhân loại tiến bộ.

Thứ hai, đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân Việt Nam, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử.

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, xã hội Việt Nam đã trải qua những cuộc thử nghiệm lịch sử để lựa chọn con đường đi cho dân tộc. Tuy nhiên, các phong trào yêu nước từ lập trường phong kiến, đến lập trường dân chủ tư sản, tiểu tư sản đều không thành công. Xã hội rơi vào bế tắc, khủng hoảng về đường hướng phát triển. Trước tình cảnh đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã ra đi tìm đường cứu nước. Trong quá trình đó, Người đã nghiên cứu, tìm hiểu về các cuộc cách mạng điển hình, kiểm nghiệm nhiều học thuyết, nhiều con đường đấu tranh của giai cấp công nhân, nhân dân các nước thuộc địa và Người đã rút ra kết luận, chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Mác – Lênin và cách mạng Việt Nam phải đi theo cách mạng vô sản.

Con đường phát triển của dân tộc Việt Nam đến đầu thế kỷ XX đánh dấu một bước chuyển quan trọng, với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1930), đưa dân tộc theo con đường phát triển mới – con đường cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Ngay trong Cương lĩnh thành lập Đảng đã xác định rõ: Chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản. Từ đó đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo dân tộc thực hiện mục tiêu con đường đã lựa chọn, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đã xóa bỏ chế độ phong kiến, thuộc địa, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra thời đại vẻ vang của lịch sử dân tộc – thời đại quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Tiếp đó là thắng lợi của các cuộc kháng chiến oanh liệt chống thực dân, đế quốc, giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước. Hiện nay, sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn: chính trị – xã hội ổn định, kinh tế phát triển, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao. Dịch Covid-19 là liều thuốc thử và kiểm chứng bản chất của chế độ xã hội và tính ưu việt của nó. Vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được khẳng định. Đó là thực tế, là hiện thực sinh động khẳng định đi lên chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn đúng đắn của dân tộc Việt Nam và là cơ sở để bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc cho rằng “tiến lên chế độ cộng sản là sai lầm”.

Đi lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản là quy luật tất yếu của xã hội loài người, là mục tiêu mà sớm muộn các dân tộc trên thế giới sẽ đi tới. Tuy nhiên, mục tiêu ấy không thể ngày một, ngày hai hoàn thành được, mà phải trải qua các giai đoạn phát triển. Đó là kết quả của một quá trình đấu tranh lâu dài. Vì vậy, cần phải quán triệt, học tập, vận dụng và phát triển sáng tạo những nguyên lý và giá trị của chủ nghĩa Mác – Lênin, nhất là lý luận về hình thái kinh tế – xã hội, lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, nêu cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh với những luận điệu và hành vi sai trái, xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta./.

Không có nhận xét nào: