Liêm chính là giá trị hàng đầu của cán bộ, công chức
Liêm chính là giá trị hàng đầu của cán bộ, công chức
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề "đạo đức công vụ".
Từ năm 1950, Người đã ký Sắc lệnh 76/SL của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về "Quy chế công chức Việt Nam". Đây được xem là lần đầu tiên, các giá trị đạo đức truyền thống được thể chế hóa thành chuẩn mực pháp lý của công chức Việt Nam.
Theo Sắc lệnh 76/SL, "đạo đức công vụ" là những giá trị đạo đức, nguyên tắc, chuẩn mực pháp lý quy định hành vi, thái độ, ứng xử của công chức khi thi hành công vụ. Trong đạo đức công vụ, liêm chính là giá trị hàng đầu, cốt lõi. Vì sao như vậy? Vì công chức là nghề dễ có cơ hội trục lợi cá nhân, tham nhũng nên liêm chính công vụ là vấn đề đã được đặt ra từ khi có bộ máy nhà nước, ở quốc gia nào cũng vậy.
Thực hành liêm chính ở thời nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng đều là việc khó. Đặc biệt, trong kinh tế thị trường và xã hội tiêu dùng, đồng tiền được xem trọng hơn trong một số quan hệ thì cũng là lúc ham muốn vật chất và lối sống hưởng thụ thường trỗi dậy rõ hơn. Khi thu nhập, lương và các chế độ đãi ngộ chưa cao, dù không phải là yếu tố quyết định nhưng đây cũng sẽ là một trong những nguyên nhân khiến việc giữ gìn liêm chính càng khó khăn hơn đối với đội ngũ cán bộ, công chức. Thực tiễn cho thấy khi lương và các chế độ đãi ngộ cao hơn so với công sức lao động bỏ ra thì cũng không hẳn sẽ triệt tiêu được hoàn toàn sự tham lam, vơ vét, mong muốn làm giàu - dù biết là bất chính - ở một số người.
Thực tiễn cũng cho thấy nền công vụ liêm chính mới bảo đảm tính hiệu quả của hoạt động công vụ, góp phần chống tham nhũng, thúc đẩy sự phát triển của đất nước và củng cố niềm tin cho người dân.
Điều 2, mục II, chương 1, Sắc lệnh 76/SL nêu rõ: "Công chức Việt Nam phải phục vụ nhân dân, trung thành với Chính phủ, tôn trọng kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm và tránh làm những việc có hại đến thanh danh công chức hay đến sự hoạt động của bộ máy nhà nước. Công chức Việt Nam phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư".
Trong thời kỳ đổi mới ở nước ta, mục tiêu xây dựng nền công vụ liêm chính được ghi rõ trong nhiều bộ luật. Luật Cán bộ, công chức năm 2008; Luật Viên chức năm 2010; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 hay Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018... đều nhắc đến mục tiêu xây dựng nền công vụ liêm chính.
Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ ngày 9-5-2016 "Về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2016" cũng khẳng định quyết tâm xây dựng Chính phủ trong sạch, liêm chính, kiến tạo, phát triển; một Chính phủ là công bộc của nhân dân, bảo đảm sự công bằng, minh bạch và kiên quyết phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Đến ngày 27-12-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1847/QĐ-TTg "Về việc phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ". Nhiều địa phương, cơ quan cũng ban hành bộ quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức của đơn vị mình...
Nêu ra như vậy để thấy Đảng, Nhà nước ta luôn xem vấn đề liêm chính là giá trị hàng đầu của đội ngũ cán bộ, công chức. Với mỗi cá nhân - nhất là với đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức - thì thực hành thế nào để hiện thực hóa những giá trị này?
Đó chính là sự tận tâm, tận lực, hết lòng hết sức trong quá trình thi hành công vụ, vì lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Đó chính là ý thức bảo vệ, tiết kiệm tài sản công; không lợi dụng quyền lực công hoặc vị trí công tác để tư lợi, tham nhũng. Đó còn là tinh thần dám đấu tranh với những gì sai trái, vụ lợi...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét