Mùa xuân - khơi dậy niềm tin
Mùa Xuân đang gõ cửa, đánh thức mỗi người, mỗi nhà, từng cộng đồng lòng tự hào, tinh thần tự lực, tự cường, nhân lên sức mạnh nội sinh, vượt qua mọi khó khăn, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước ta phát triển phồn vinh, hạnh phúc.
Kinh tế phục hồi, GDP bình quân năm 2022 tăng 8,02% cao nhất giai đoạn 2011 - 2022 (ảnh minh họa) |
Nhìn lại năm 2022, dịch bệnh Covid-19 tạm lắng thì những bất ổn về chính trị lại nổ ra, tình hình kinh tế thế giới khủng hoảng, suy thoái đã ảnh hưởng lớn tới kinh tế Việt Nam. Vượt qua nhiều sóng gió, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì sự ổn định và phát triển, đánh dấu bằng sự tăng trưởng GDP ở mức 8%; hệ thống chính trị được xây dựng, củng cố vững mạnh; quốc phòng, an ninh được giữ vững, tăng cường; đối ngoại, hội nhập quốc tế không ngừng mở rộng, vai trò, vị thế trên trường quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Trong năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đảm đương tốt vai trò lãnh đạo toàn dân tộc, đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà trọng tâm là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thông qua cuộc chiến với “quốc nạn”, với “giặc nội xâm”, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định bản lĩnh và trí tuệ, ngày càng thật sự vững vàng về tư tưởng chính trị, thống nhất cao về ý chí, hành động, trong sạch về đạo đức, lối sống, chặt chẽ về tổ chức và gắn bó mật thiết với nhân dân. Điều này cho thấy sự phối hợp rất nhịp nhàng, ăn khớp của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp đã bị phát hiện và xử lý kịp thời, như: Vụ án “Chuyến bay giải cứu” xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát; vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế AIC… Tính đến tháng 11/2022, các cơ quan chức năng đã khởi tố, điều tra 15 cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có 04 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng là Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng, Bí thư, nguyên Bí thư Tỉnh ủy.
Chúng ta đều nhận thấy, muốn chống tham nhũng, tiêu cực triệt để và thành công hơn nữa thì những mô hình, định hướng phải được tiếp tục triển khai sâu rộng, toàn diện, lan tỏa mạnh mẽ đến mọi cấp, mọi ngành và đến toàn dân. Ngày 2/6/2022, Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 67-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Từ đó, tạo sự liền mạch, chặt chẽ, thống nhất theo hệ thống từ Trung ương đến địa phương theo đúng tinh thần: “Tiền hô, hậu ủng; nhất hô, bá ứng; trên dưới đồng lòng; dọc ngang thông suốt!”. Tiếp đến, ngày 01/8/2022, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW về nội dung công tác phòng, chống tiêu cực. Hướng dẫn đã nêu rõ 19 hành vi tiêu cực cần tập trung chỉ đạo phòng, chống, bao hàm gần như đầy đủ những thói hư, tật xấu, là nhận thức, thái độ, hành vi không lành mạnh vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc mà không ít cán bộ, đảng viên mắc phải trong suốt thời gian qua. Qua đó, giúp các cán bộ, đảng viên biết được những việc gì không nên làm để giữ mình, sửa mình. Liên tục các vụ tiêu cực bị xử lý nghiêm khắc trong năm qua cho thấy việc phòng, chống sự tha hóa, biến chất trong cán bộ, đảng viên đang được Đảng chú trọng hơn, đặc biệt là từ khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phòng, chống tiêu cực.
Trong tác phẩm nổi tiếng “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng tổng kết: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Ðây là bài học thuộc lòng, nhưng phải thành thật nhận thấy đã có những lúc chúng ta làm chưa chuẩn, chưa đúng, gây nên những tổn thất về uy tín chính trị, sự đổ vỡ niềm tin của nhân dân. Vì vậy, đối với những cán bộ có khuyết điểm mà không biết “tự sửa mình”, không có đủ lòng tự trọng để lắng nghe phê bình, tự nguyện rời bỏ vị trí thì tổ chức Ðảng phải kiên quyết loại bỏ. Ngày 08/9/2022, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã ký Thông báo số 20-TB/TW kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật. Thông báo nhấn mạnh đến việc tạo điều kiện cho cán bộ bị kỷ luật có cơ hội sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện… Khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định.
Việc cho thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) đối với 03 Ủy viên Trung ương khi họ mắc sai phạm cho thấy, những quy định mới của Đảng đã thật sự phát huy hiệu lực, nhanh chóng đi vào thực tiễn và có bước tiến mạnh mẽ, vừa nghiêm minh, đồng thời rất nhân văn, có lý, có tình. Thông qua việc này, Đảng công bố và chứng minh với đội ngũ của mình, với nhân dân rằng: Nói phải đi đôi với làm.
Khi niềm tin càng bao phủ, lan rộng, thì chính nó sẽ dẫn dắt đất nước, dân tộc Việt Nam hành động đúng đắn giữa các cá nhân với nhau, giữa các cộng đồng, giữa hiện tại với truyền thống, góp phần điều hòa giữa cái mới và cũ, tạo nên sự ổn định. Một xã hội coi trọng giá trị của niềm tin là xã hội có khả năng năng phát triển bền vững.
Mùa Xuân đang gõ cửa, đánh thức mỗi người, mỗi nhà, từng cộng đồng lòng tự hào, tinh thần tự lực, tự cường, nhân lên sức mạnh nội sinh, vượt qua mọi khó khăn, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước ta phát triển phồn vinh, hạnh phúc./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét