Nguyên Anh – Kẻ ngộ nhận
Mới đây, trên trang “Quyenduocbiet”, bút danh Nguyên Anh đã đăng bài“Một cái đảng hèn hạ, bế tắc!” với nội dung xuyên tạc, chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều đó được nhận diện, bởi vì:
1. Đọc nội dung bài viết cho thấy, Nguyên Anh đã đưa ra những nhận định thiếu cơ sở học khi cho rằng: “Nền “Kinh tế thị trường – định hướng XHCN” chỉ là một giải pháp vá víu, cóp nhặt cho qua những giai đoạn khó khăn của đảng”.
Xin thưa với Nguyên Anh rằng: Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp lạc hậu, trình độ lực lượng sản xuất thấp, hậu quả nặng nề do chiến tranh để lại, các thế lực thù địch thường xuyên tìm cách phá hoại, cho nên nhất thiết phải trải qua thời kỳ quá độ với nhiều bước đi, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen nhau. Việt Nam xác định bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là bỏ qua chế độ áp bức, bất công, bóc lột tư bản chủ nghĩa; bỏ qua những thói hư tật xấu, những thiết chế, thể chế chính trị không phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa, chứ không phải bỏ qua cả những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản.
Đảng Cộng sản Việt Nam xác định rõ, trong thời kỳ quá độ, các nhân tố xã hội chủ nghĩa được hình thành, xác lập và phát triển đan xen, cạnh tranh với các nhân tố phi xã hội chủ nghĩa, gồm cả các nhân tố tư bản chủ nghĩa trên một số lĩnh vực. Sự đan xen, cạnh tranh này càng phức tạp và quyết liệt trong điều kiện cơ chế thị trường và mở cửa, hội nhập quốc tế. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đây không phải là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và cũng chưa phải là nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đầy đủ (vì Việt Nam còn đang trong thời kỳ quá độ).
2. Thực tế chứng minh, ngay từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (năm 1991), Đảng ta đã xác định xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (năm 2001), xác định xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta xác định một trong những trọng tâm phương hướng cơ bản đi lên chủ nghĩa xã hội đó là: “Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Trong các văn kiện của Đảng từ Đại hội lần thứ IX đến nay luôn xác định rõ các chủ trương, mục tiêu, phương hướng phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Qua hơn 36 năm tiến hành công cuộc đổi mới, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Nước ta từ một nước có nền kinh tế kém phát triển, có thu nhập thấp, đến nay đã trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; đời sống nhân dân từng bước được nâng lên. Năm 2008, Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp. Liên tiếp trong 4 năm, từ 2016 – 2019, Việt Nam đứng trong top 10 nước tăng trưởng cao nhất thế giới. Từ năm 1986 đến 2020, nền kinh tế Việt Nam phát triển liên tục với tốc độ trung bình khoảng 7% mỗi năm; năm 2021 do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tăng 2,56%; năm 2022 ước tính tăng 8,02%. Chính trị – xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nhất là phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện.
Những thành tựu đó tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Trong Tác phẩm: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới”. Điều này không chỉ tạo tiền đề xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Việt Nam mà còn góp phần bổ sung, phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin trong thời đại mới.
Vì vậy, những nhận định của Nguyên Anh là hoàn toàn thiếu cơ sở lý luận và thực tiễn, thể hiện rõ sự xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam. Mỗi chúng ta cần hết sức cảnh giác để không mắc mưu chúng làm ảnh hưởng đến công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và cuộc sống hòa bình của người dân./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét