Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2023

Phụ nữ xưa và nay - tiếp nối và khác biệt

 

Phụ nữ xưa và nay - tiếp nối và khác biệt

 Phụ nữ xưa và nay, đó là một so sánh hoặc đối sánh diễn ra thường xuyên, liên tục trong cuộc sống hiện tại. Mục đích cuối cùng của việc so sánh/đối sánh ấy là gì? Không phải để tìm kiếm một hình mẫu chuẩn mực, cũng không phải để bài xích hay ca tụng một hình mẫu nào, có lẽ, điều quan trọng nhất là để nhìn nhận sự thay đổi, thích ứng của người phụ nữ trong những bối cảnh khác nhau, trong quy luật phát triển tất yếu của thời đại.



Cứ nhìn vào bất kỳ một ngôi nhà nào, cận cảnh vào cuộc sống, suy nghĩ, quan điểm của mẹ/con gái, mẹ chồng/nàng dâu, chúng ta cũng đều sẽ dễ dàng tìm kiếm được câu trả lời: Phụ nữ xưa và nay khác nhau như thế nào?

Ngay như gia đình tôi đây, 4 người phụ nữ cùng chung sống, chia làm hai phe. Mẹ tôi nghiễm nhiên ở phe “phụ nữ xưa”, còn lại 3 đứa con gái thì ở phe “ngày nay”, “hiện đại”, trẻ trung, năng động... Ví như vấn đề hôn nhân, nếu mẹ tôi vẫn thường giảng giải, tác động tâm lý: “Con gái cứ tầm 25 tuổi lập gia đình là đẹp nhất, qua cái tuổi ấy là thành gái già, gái ế, bố mẹ vừa phải bận tâm lo lắng mà bà con làng xóm người ta cũng dị nghị”. Nhưng tất cả chúng tôi đều quả quyết: “Thời buổi này, lấy chồng ở tuổi 25 là quá sớm, quá hoài phí thanh xuân. Thanh xuân nên dành để học hỏi, trải nghiệm nhiều điều hay ho trong cuộc sống, vi vu nơi này nơi kia cho thỏa chí chứ dính vào chồng con là hết thanh xuân ngay”. Cứ hễ lần nào nói đến chủ đề này là gia đình tôi lại “có biến”. Mẹ tôi đỏ mặt tía tai lườm hết đứa này, nguýt đến đứa kia; còn chúng tôi ra sức phản đối, tranh luận. Ai cũng đưa ra lý lẽ, lập luận của riêng mình.

Cũng trong một chuỗi những khác biệt ấy, mẹ tôi - người phụ nữ dành cả cuộc đời mình để lo lắng, vun vén cho gia đình thủ thỉ tâm sự với đứa con gái lớn: “Mày cứ suốt ngày tất bật công việc. Đàn bà hơn nhau tấm chồng. Công to việc lớn gì cũng là do chồng chứ đàn bà con gái dễ có mấy tay đâu con”. Con gái lại nhăn mặt cãi lại: “Mẹ cứ nói thế nào. Phụ nữ bây giờ “giỏi việc nước đảm việc nhà”, cũng hăng hái xông pha, nhiệt huyết và tài giỏi có kém cạnh đàn ông tí nào đâu. Nhiều người còn là lãnh đạo, cấp trên của chồng chứ mẹ tưởng”. Nhìn đứa con gái leo vội lên chiếc xe máy, rồ ga phóng đi, mẹ chỉ biết thở dài... Có nhiều khi tôi nghĩ, nếu mà được, tôi sẽ dẫn mẹ đến những nơi mà người phụ nữ đã và đang giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy quản lý Nhà nước, quản trị doanh nghiệp, cống hiến hết mình cho các hoạt động xã hội, hoạt động nhân đạo... Và có rất nhiều người phụ nữ dám nghĩ, dám làm, tự tin khẳng định mình và theo đuổi đam mê, ước mơ.

Ví như những phụ nữ mà tôi đã có duyên gặp gỡ ở “Chợ nhỏ an lành” - phiên chợ đặc biệt được tổ chức vào sáng chủ nhật đầu tiên của tháng tại địa chỉ 777 Thôi Hữu, phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa). Phiên chợ không chỉ là nơi tụ họp, buôn bán nhiều sản phẩm tâm huyết thân thiện với môi trường, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Hơn hết, phía sau mỗi gian hàng là một câu chuyện khởi nghiệp đầy thú vị của những người trẻ tài giỏi, nhiệt huyết, sống và cống hiến hết mình cho niềm đam mê, trong đó nhiều người là phụ nữ.

Ghé thăm Chợ nhỏ an lành, khách hàng sẽ gặp gỡ cô gái dân tộc Thổ tài năng Nguyễn Lê Ngọc Linh (32 tuổi) - Giám đốc HTX Vườn rừng Bản Thổ, xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân để hiểu hơn giá trị của việc trồng rừng, giữ rừng, hiểu vì sao cô gái ấy quyết định bỏ phố về quê, nuôi dưỡng và phát triển niềm đam mê của mình cùng vườn rừng... Cô gái nhỏ với gương mặt xinh xắn, nụ cười tỏa nắng ấy là tác giả, đồng tác giả của nhiều dự án, ý tưởng khởi nghiệp hay, sáng tạo, giành nhiều giải thưởng như: Giải Nhất cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên tỉnh Thanh Hóa lần thứ IX năm 2021 với ý tưởng “Xây dựng vườn rừng, kết hợp công nghệ lên men dược liệu cùng mật ong trong chế biến”, giải xuất sắc tiêu biểu trong chương trình phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo năm 2022 của Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa...

Hiện nay, HTX Vườn rừng Bản Thổ có 11 thành viên, chủ yếu là phụ nữ. Trong 9 tháng năm 2022, doanh thu của HTX đạt hơn 1 tỷ đồng. Nguyễn Lê Ngọc Linh chia sẻ: “Hành trình khởi nghiệp vốn đã nhiều khó khăn, thử thách, với phụ nữ lại càng thêm khó khăn, rào cản hơn. Đối với những người phụ nữ miền núi như mình, ăn cơm còn phải ngồi mâm dưới, sống còn phải nhìn sắc mặt chồng. Trên chặng đường đã đi qua, có những khi phải đối mặt với quá nhiều áp lực khiến mình hoài nghi: Liệu mình có đang sai lầm? Nhưng sau tất cả, mình tự điều chỉnh, nỗ lực, cố gắng khẳng định mình: “Bản thân mình không tuyên ngôn mà chứng minh bằng hành động, cứ làm và làm hết sức mình. Bất kỳ hoàn cảnh ra sao, chỉ cần người phụ nữ quyết tâm thì khó khăn sẽ biến thành động lực, đất cằn sẽ nở hoa”. Hương vị, chất lượng của các sản phẩm của Vườn rừng Bản Thổ chính là sản phẩm khởi nguồn từ tất cả tình yêu, niềm đam mê, bản lĩnh của cô gái trẻ... “Khi xây dựng mô hình này, mình không chỉ muốn tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên, không chỉ có mục tiêu giữ gìn, bảo tồn những cánh rừng, tái sinh nguồn gen cây trồng, vật nuôi bản địa. Hơn hết, mình muốn trao cho những người phụ nữ quê hương mình một cơ hội được học hỏi, được phát triển và khẳng định giá trị bản thân”, Ngọc Linh cho biết.

Không chỉ có Nguyễn Lê Ngọc Linh, mỗi “bóng hồng” của “Chợ nhỏ an lành” đều mang đến câu chuyện riêng của mình. Đó là các chị Hương Senka - Nguyễn Thị Mai Hương (Ngọc Lặc); Nguyễn Bích Liên - chủ cơ sở sản xuất Nguyên Phong Food - thương hiệu Ôze Ngon, thị trấn Rừng Thông (Đông Sơn); Bùi Thị Bích Ngọc - Công ty TNHH Công nghệ sinh học FUWA Biotech (TP Thanh Hóa); Nguyễn Thị Dịu, chủ cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống Hoàng Dịu (phường Hải Ninh, thị xã Nghi Sơn)... Đến Chợ nhỏ an lành, nhiều người lặn lội từ miền núi, từ các địa phương khác đến Thanh Hóa với tay xách nách mang con nhỏ, lỉnh kỉnh hàng hóa, đồ đoàn, trăn trở, tính toán nhưng vẫn “rất nhiệt”. Mỗi người tựa như một bông hoa giản dị, khiêm nhường nhưng bản lĩnh, mạnh mẽ và lựa chọn cách “tỏa hương” của riêng mình. Ở đó, có người phụ nữ làm mẹ đơn thân từ khi còn rất trẻ. Có người mang trong mình bệnh tật. Và còn nhiều người phụ nữ nữa, họ cũng đã phải chôn chặt trong lòng mình nhiều tâm sự, nỗi buồn, khó khăn riêng để dấn thân vào con đường khởi nghiệp, để vững vàng đứng lên làm chủ gia đình, làm chủ cuộc sống. Nhưng, họ làm ra sản phẩm và bán sản phẩm ấy, chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp đầy thích thú, say mê. Với nhiều người khi đến Chợ nhỏ an lành, đều có suy nghĩ: Mỗi gương mặt, mỗi người phụ nữ ở đó và câu chuyện hiện thực hóa ước mơ của họ xứng đáng là những người truyền cảm hứng về vai trò, đóng góp của phụ nữ trong xã hội hiện đại.

Những câu chuyện góp nhặt trong muôn hình vạn trạng cuộc sống, chung quy lại, để nói lên một điều rằng: Sự khác nhau lớn nhất giữa phụ nữ xưa và nay cũng chỉ xoay quanh 3 vấn đề: Quan điểm, nhận thức, hệ tư tưởng - giá trị, đó mới là gốc rễ vấn đề. Việc mặc quần ngắn hay quần dài, tóc đen hay tóc nhuộm màu thời trang, răng đen hay răng trắng..., tất cả chỉ là biểu hiện, không phải là bản chất vấn đề.

Giờ đây, xã hội đã đổi thay rất nhiều, quan điểm, hệ giá trị, cách nhìn nhận về vai trò của người phụ nữ trong gia đình, xã hội cũng khác đi. Trên nguyên tắc tôn trọng, kế thừa những giá trị truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam mọi thời đại: “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang” nhưng người phụ nữ hôm nay biết đề cao vai trò, khẳng định vị thế của mình trên mọi mặt đời sống xã hội. Những người phụ nữ ấy không chỉ là mẹ, là vợ - người “giữ lửa”, vun vén tổ ấm gia đình mà còn là chính trị gia, doanh nhân, hoa hậu, nhà thiết kế thời trang, văn nhân, nhà hoạt động xã hội... Có nghĩa là, ngày hôm nay, phụ nữ có thể tỏa sáng trên mọi lĩnh vực. Và quan trọng nhất, họ đang nhận được nhiều sự quan tâm, ủng hộ, hỗ trợ và nhìn nhận công bằng của xã hội. Chính điều đó là nguồn động viên, cổ vũ to lớn, điều kiện thuận lợi nhất để phụ nữ không ngừng nỗ lực phấn đấu, khẳng định vai trò, vị thế của mình trong xây dựng, phát triển quê hương, đất nước, cống hiến cho xã hội...

Không có nhận xét nào: