Quyền con người ngày càng được hoàn thiện
Quyền con người ngày càng được hoàn thiện
Ở nước ta, ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân: dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã được triển khai.
Ngày 6-1-1946, cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội khóa I diễn ra theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, bình đẳng, đoàn kết và bỏ phiếu kín để Quốc hội trao cho Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập Chính phủ chính thức, thông qua Hiến pháp 1946.
Tiếp đó, việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được triển khai, vận dụng sáng tạo phù hợp điều kiện thực tiễn của Việt Nam trên tinh thần: Dựa vào dân, lấy dân làm gốc; nhân dân là nguồn gốc và chủ thể của quyền lực nhà nước và tất cả vì lợi ích của nhân dân.
Thông qua Văn kiện tại các kỳ Đại hội của Đảng và trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên XHCN năm 1991 và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta khẳng định xã hội XHCN mà chúng ta xây dựng là xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trong chế độ xã hội đó, quyền con người ngày càng được bổ sung, hoàn thiện cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… Quyền con người, quyền công dân được thực thi khi nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng việc thực hiện các quyền tự do, dân chủ như: Quyền bầu cử, bãi nhiệm; quyền ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước của công dân...
Hiến pháp năm 2013 có 36 điều trong tổng số 120 điều quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã khẳng định sự nhất quán về nội dung quyền con người, quyền công dân được quy định trong các bản Hiến pháp trước đó. Đó cũng là luật hóa quan điểm của Đảng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân phù hợp với thực tiễn Việt Nam, với chuẩn mực quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia.
Ở bất cứ thể chế chính trị nào, quốc gia nào mà quyền con người, quyền công dân ngày càng được bảo đảm; đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày càng được nâng cao thì nơi đó hạnh phúc. Và điều đó phải được nhìn nhận trên thực tế một cách toàn diện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét