Sự ngộ nhận của Triệu Tử Long
Trên trang “Vietnamthoibao” bút danh Triệu Tử Long đăng bài “Điều 4 Hiến pháp và sự cần kíp của Tòa Bảo hiến!”, Y ngộ nhận cho rằng “Vì ủng hộ Điều 4, Hiến pháp 2013 nên cần kíp có Tòa Bảo hiến để bảo vệ sự liêm chính của Đảng Cộng sản Việt Nam”. Thực chất đây chỉ là chiêu trò cũ của Y và đồng bọn, nhằm mưu đồ chống phá Đảng, Nhà nước, Hiến pháp Việt Nam. Bởi vì:
Thứ nhất, nói đến cơ chế bảo hiến, hay tòa bảo hiến. Trên thế giới có nhiều mô hình bảo hiến, đơn cử như: Mô hình bảo hiến phi tập trung, là mô hình tòa án tối cao và tòa án các cấp đều có chức năng và thẩm quyền giám sát tính hợp hiến. Mô hình bảo hiến kiểu Pháp, ở mô hình này, chỉ được giám sát tính hợp hiến của văn bản được phê chuẩn bởi nghị viện nhưng chưa được ban hành bởi tổng thống. Mô hình bảo hiến kiểu Mỹ, là mô hình bảo hiến phi tập trung; mô hình này, thẩm quyền giám sát hiến pháp được giao cho các toà án có thẩm quyền chung thực hiện. Mô hình bảo hiến hỗn hợp kiểu Âu – Mỹ, là mô hình kết hợp cả hai mô hình bảo hiến kiểu Châu Âu và mô hình bảo hiến kiểu Mỹ.
Ở Việt Nam, Đảng, Nhà nước luôn coi trọng, khẳng định sự cần thiết của cơ chế bảo hiến, để bảo đảm tính tối thượng của Hiến pháp trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội, bảo vệ đường lối của Đảng, góp phần bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Theo Hiến pháp năm 2013, thì mô hình bảo hiến ở nước ta là mô hình bảo hiến phi tập trung, nhưng không giống mô hình bảo hiến phi tập trung của Hoa Kỳ hay của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước và toàn thể nhân dân có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp. Với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, có chức năng giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước, Quốc hội là trung tâm của thiết chế bảo hiến ở Việt Nam.
Thứ hai, trong Điều 4 Hiến pháp năm 2013 xác định: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, đã chỉ rõ: “Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách,… Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập đến nay, Đảng ta thường xuyên tổng kết, bổ sung, phát triển Cương lĩnh, Điều lệ Đảng; ban hành các nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định về công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên; Quy định về những điều đảng viên không được làm; Quy định về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giáo dục, rèn luyện đảng viên chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Đảng. Các tổ chức của đảng, đảng viên vi phạm Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, thực hiện không đúng chỉ thị, nghị quyết, các nguyên tắc, quy chế, quy định, kết luận của Đảng, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước đều bị xem xét, xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước.
Ngày 03/11/2021, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; ngày 06/7/2022, ban hành Quy định số 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Trong Quy định 69, xác định rõ: “Đảng viên vi phạm pháp luật phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, bị truy nã, bị toà án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì khai trừ ra khỏi Đảng”; ngày 08/9/2022, ban hành Thông báo Kết luận số 20-TB/TW Bộ Chính trị “Về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật”; và mới đây, ngày 02/02/2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, quy định cụ thể: Lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu thực hiện theo chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định. Những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.
Những hiến định trong Hiến pháp năm 2013 và nội dung quy định cụ thể trong các văn bản luật, Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, các quy định của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện hành, là cơ sở pháp lý quan trọng, bảo đảm đầy đủ cho việc tổ chức, hoạt động, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xem xét, xử lý các tổ chức của Đảng, đảng viên vi phạm theo đúng kỷ luật của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước; góp phần xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.
Vì vậy, Triệu Tử Long cho rằng “… nên cần kíp có Tòa Bảo hiến để bảo vệ sự liêm chính của Đảng Cộng sản Việt Nam” là sự ngộ nhận, bộc lộ rõ mưu đồ xuyên tạc, hướng lái dư luận, chống phá Đảng, Nhà nước và Hiến pháp Việt Nam, cần được nhận diện và đấu tranh bác bỏ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét