BẢO VỆ CUỐN SÁCH CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG LÀ KHẲNG ĐỊNH NIỀM TIN, GIÁ TRỊ VÀ Ý NGHĨA CUỘC SỐNG
Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một tác phẩm “đặc biệt”, ra đời trong bối cảnh đặc biệt, bàn về những vấn đề “đặc biệt”, bởi cuốn sáchra mắt bạn đọc đúng vào dịp kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 – 03/02/2023) và 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực (2013-2023) do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban.
Chủ đề xuyên suốt của cuốn sách là bàn về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, xoay quanh các nội dung về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vì nó liên quan trực tiếp đến sinh mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ, lợi ích quốc gia – dân tộc, tương lai, tiền đồ của dân tộc Việt Nam. Nội dung của cuốn sách không chỉ thể hiện ở “mục tiêu kép”: vừa kiến giải, đề xuất hệ giải pháp quan trọng nhằm loại bỏ nguy cơ tham nhũng, quan liêu – một trong bốn nguy cơ đe dọa sự an nguy của Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) và thành quả cách mạng mà nhân dân ta đã giành được hơn 90 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng; vừa là những kiến giải, đề xuất quan trọng để khắc phục ba nguy cơ còn lại là “chệch hướng XHCN”, “tụt hậu xa hơn về kinh tế” và “diễn biến hòa bình” do chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch tiến hành nhằm chống phá Việt Nam, mà còn thể hiện sâu sắc cái “Tầm”, cái “Tâm” và cái “Tài” của người đảng viên cộng sản Nguyễn Phú Trọng, cả một đời đau đáu với sự nghiệp cách mạng của Đảng, vận mệnh của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.
Thế nhưng, đó đây trong xã hội ta, trên các trang mạng xã hội, vẫn có những tiếng nói lạc lõng với thái độ miệt thị, coi thường giá trị, ý nghĩa cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư; cho rằng “nội dung cuốn sách không có gì mới”, “chẳng đáng để tung hô”, “chỉ là bồn cũ soạn lại”, “không có giá trị lý luận và thực tiễn”, “không phải là công trình khoa học”…. Cuốn sách “chỉ là công cụ đánh bóng tên tuổi một số nhân vật ăn theo”, “không đúng tầm cơ quan tham mưu chiến lược”, v.v.. Trắng trợn hơn, có ý kiến còn cho rằng, “cuốn sách không thể hiện đúng tầm tư tưởng, quan điểm của Tổng Bí thư” vì những người đứng ra tập hợp, tuyển chọn, xuất bản cuốn sách đã “đã thu nạp các ý kiến khác nhau của các nhà khoa học, rồi chế biến thành bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư” nên không cần phải hội thảo, tọa đàm, học tập cho tốn thời gian, công sức, v.v.. Thật nực cười những kẻ khinh chữ lại hay phán xét bừa về chữ nghĩa, thật không biết ngượng mồm, họ chẳng có liêm sỉ khi tự đề cao mình!
Nhờ kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng ta ngày càng vững mạnh hơn; nhân dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, ra sức ủng hộ Đảng, bảo vệ Đảng; nhiều người đã biết sợ tham nhũng, không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không muốn tham nhũng. Đây là một bước tiến rất lớn, bước đầu thể hiện rõ mục đích, kết quả đã đạt được là hoàn toàn đi đúng định hướng, cần phải tiếp tục phát huy trong thời gian tới. Người có lương tâm, danh dự và nhân phẩm phải thừa nhận sự thật này; không thể phát ngôn bừa bãi, nói cho sướng miệng.
Giá trị và ý nghĩa “đặc biệt” của cuốn sách thể hiện ở hệ quan điểm được cô đọng, đúc kết tinh túy thành các luận điểm nổi tiếng, là phương châm chỉ đạo của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hiện nay, đó là: “Chặt cành sâu mọt để cứu cây”, “Kỷ luật một vài người để cứu muôn người”, chấm dứt tình trạng “Cua cậy càng, cá cậy vây”, “Lò nóng lên rồi, củi tươi cũng phải cháy”; “Chống tham nhũng không thể bỏ dở giữa chừng”; “Ai nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”; “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”; “Suy thoái tư tưởng chính trị là gốc của tham nhũng”,… “Khẩn trương làm trong sạch đội ngũ cán bộ của Đảng, khắc phục các hiện tượng sa sút, thoái hoá về phẩm chất, lối sống của cán bộ, đảng viên”. Cùng với đó, đồng chí Tổng Bí thư cũng chỉ ra các căn bệnh: “Sợ trách nhiệm”; “Của công, của riêng”; “Móc ngoặc”, “Làm xiếc”, bệnh “thông đồng với giặc nội xâm”; bệnh “chủ nghĩa cá nhân”, v.v..
Sự thật ấy chính là minh chứng đầy thuyết phục để bác bỏ mọi sự xuyên tạc, ác ý của những kẻ thù./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét