Gạc Ma, làm sao quên!
Quá khứ đã sang trang, "sự kiện 14-3" cũng lùi vào dĩ vãng, song lịch sử thì không thể không nhắc nhớ
Tượng đài chiến sĩ Gạc Ma - biểu tượng của tinh thần chiến đấu bất tử của các chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc
Ba mươi bốn năm trước, ngày 14-3-1988, cán bộ, chiến sĩ đảo Gạc Ma anh dũng chiến đấu để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Trong trận hải chiến này, 64 chiến sĩ đã ngã xuống, để lại niềm tiếc thương vô hạn, nhắc nhớ chúng ta không bao giờ quên.
Người được giỗ sống
Ông Trần Thiên Phụng (trú tại Đông Hà, Quảng Trị), một trong 9 chiến sĩ sống sót trở về sau trận hải chiến Gạc Ma, không thể nào quên sự kiện ngày 14-3-1988. Ký ức về ngày 14-3 bi thương và kiêu hùng ấy không bao giờ phai nhạt trong trái tim ông. Ông bảo cuộc đời còn lại của ông bây giờ là ký ức về đồng đội, về Gạc Ma. Càng bi thương thì càng không được phép lãng quên.
Thi thể 64 đồng đội ông ngã xuống và hòa vào biển mặn Gạc Ma 34 năm qua chưa được vớt lên là nỗi đau không dứt. Vì lẽ đó mà hằng năm, cứ đến dịp 14-3, ông và các đồng đội còn sống sót tề tựu về Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) - nơi linh hồn của 64 liệt sĩ Gạc Ma yên nghỉ vĩnh hằng - để tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh.
Ngày 17-3-1987, ông Phụng lên đường tòng quân, nhập ngũ Trung đoàn Công binh 83 Hải quân (nay là Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân). Gần một năm sau, ông cùng đồng đội xuống tàu HQ604 hành quân ra đảo Gạc Ma, thực hiện nhiệm vụ xây đảo. Sau 3 ngày đêm, chiều tối 13-3-1988, tàu HQ604 đến vùng biển cụm đảo Sinh Tồn. "Rạng sáng 14-3-1988, chúng tôi được lệnh tiếp cận đảo Gạc Ma, dựng cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền và thực hiện xây đảo thì bất ngờ có 3 tàu của Trung Quốc chạy tới vây ráp. Liền sau đó, lính Trung Quốc nổ súng bắn vào tàu HQ604 và bắn vào đảo Gạc Ma. Các chiến sĩ trên đảo Gạc Ma hy sinh, chìm vào biển nước" - ông Phụng nhớ lại.
Ông Phụng cho biết thêm khi chiếm đảo Gạc Ma, lính Trung Quốc bắn phá làm chìm tàu HQ604. Lính Trung Quốc đứng trên tàu nhìn thấy các chiến sĩ của ta bơi sát mép tàu bèn dùng câu liêm xiên hoặc móc vào thịt dìm đến chết. Ông Phụng bị thương phần tay, máu đầm đìa. Ông cố bám vào khúc gỗ, thả trôi tự do trên biển, nhiều giờ sau đó thì bị bắt, đưa về bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Mãi đến ngày 2-9-1991, ông cùng 8 đồng đội bị bắt giữ được trả tự do.
"Khi hay tin Trung Quốc bắn tàu HQ604, 64 đồng đội hy sinh, ba mẹ tôi lập bàn thờ cúng tôi, lấy ngày 14-3 là ngày giỗ. Hơn một năm sau, biết tôi còn sống, gia đình mới hạ bàn thờ. Tôi đi bộ đội năm 24 tuổi, có vợ và con trai 1 tuổi. Sự kiện Gạc Ma đã 34 năm rồi nhưng mỗi lần nhắc lại, tôi chỉ muốn khóc" - ông Phụng chia sẻ.
Xin được "ăn cơm nhà má bữa cuối"
Câu chuyện bữa cơm cuối cùng của liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh (quê ở Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) 34 năm về trước vẫn in đậm trong tâm khảm của người vợ Đỗ Thị Hà.
Bà Hà bảo bà chẳng thể quên được hình ảnh liệt sĩ Doanh, những kỷ niệm lúc hai người vừa lấy nhau. Bà kể lại trong nước mắt: "Trước ngày lên đường ra Trường Sa, anh Doanh đến nhà mẹ của tôi, xin được "ăn cơm nhà má bữa cuối". Mẹ tôi mắng: "Anh chỉ nói gở!", rồi quay chỗ khác lau giọt nước mắt. Sáng hôm sau, anh chia tay cả nhà lên đường. Đúng một tuần sau, nhận được tin anh hy sinh, tôi như chết lặng, còn mẹ tôi thì gào khóc. Không ngờ bữa cơm ấy là lần cuối bà nấu cho anh. Hồi ngư dân vớt được một số xương cốt của các liệt sĩ ở bãi cạn gần đảo Gạc Ma, gia đình có liên hệ lấy mẫu xét nghiệm ADN, hy vọng có hài cốt của chồng mình nhưng không phải. Tháng 7-2017, Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma xây dựng ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, tôi thấy có tên anh Doanh ở đó".
Có rất nhiều câu chuyện lần đầu tiên kể xúc động đẫm nước mắt về "Sự kiện Gạc Ma" sau 34 năm. Chuyện binh nhất Trần Thiên Phụng bị lính Trung Quốc bắt, chuyện "bữa cơm cuối cùng" của liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh chỉ là góc nhỏ của nỗi đau thương bi hùng nhưng đầy kiêu hãnh về những người lính Gạc Ma ngày ấy.
Lịch sử đã sang trang, "sự kiện 14-3" cũng lùi vào dĩ vãng, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng đã có nhiều đổi khác, song lịch sử thì không thể không nhắc nhớ.
Bất tử trong lòng nhân dân
Trung tá, cựu binh hải quân Nguyễn Viết Chức, nguyên thuyền trưởng tàu săn ngầm 07 (Lữ đoàn 171), từng nói: "Máu xương hôm qua đổ xuống là bài học để hôm nay chúng ta giữ biển, đảo bằng sức mạnh dân tộc. Trận chiến Gạc Ma đã được ghi trong chính sử Hải quân. Trận chiến ấy là nỗi đau mang hồn Tổ quốc. 64 liệt sĩ đã ngã xuống, mãi mãi bất tử trong lòng nhân dân".
Đã 34 năm trôi qua, nhắc lại "Sự kiện Gạc Ma" không phải Việt Nam muốn khơi dậy mối hằn thù dân tộc làm ảnh hưởng đến đường lối đối ngoại chiến lược của nước ta với các quốc gia láng giềng, mà là để thế hệ trẻ luôn phải biết tưởng nhớ và tri ân người đi trước đã ngã xuống vì Tổ quốc, để họ sống có trách nhiệm và yêu Tổ quốc mình hơn...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét