Thứ Hai, 13 tháng 3, 2023

Góp ý hay “phá bĩnh”

 

Góp ý hay “phá bĩnh”

Những ngày này, trên cả nước đang đẩy mạnh việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Lợi dụng việc này, trang facebook Chân Trời Mới Media, ngày 10/3 đăng bài: “Góp ý Luật Đất đai” của Nguyễn Tấn Thành. Bài viết cho rằng: “nếu nhà nước tiếp tục chủ trương đất đai là sở hữu của toàn dân, là không người dân nào có quyền sở hữu đất đai nên tạo ra xã hội bất công,…”. Và, cuối bài viết Nguyễn Tấn Thành đưa ra kiến nghị: “Nhà nước nên thay đổi Luất Đất đai theo hướng sở hữu hóa quyền tư hữu đất đai cho người dân”. Đây lại là chiêu trò lợi dụng việc dân chủ lấy ý kiến đóng góp để xuyên tạc, “phá bĩnh” chính sách đất đai của Đảng, Nhà nước ta.

Lý luận học thuyết Mác - Lênin cũng như thực tiễn đều khẳng định nguồn gốc nảy sinh áp bức, bóc lột, bất công là từ chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Chính vì vậy, mục tiêu của cách mạng xã hội chủ nghĩa, trong đó có cách mạng Việt Nam là xóa bỏ chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu. Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai chính là thể hiện sự ưu việt của chế độ xã hội ở Việt Nam. Điều 4, Luật Đất đai năm 2013 quy định: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Điều này đã làm rõ ba nội dung mang tính nội hàm của hình thức sở hữu đất đai tại Việt Nam. Thứ nhất, đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Hình thức sở hữu này không chỉ phù hợp với đặc điểm của mô hình nhà nước xã hội chủ nghĩa là nhà nước của dân, do dân, vì dân mà còn phù hợp với thực tế lịch sử dân tộc ta, nhân dân ta đã đoàn kết, đấu tranh để giành lại toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Thứ hai, Nhà nước là chủ thể đại diện cho toàn dân để thực hiện các quyền của chủ sở hữu và thống nhất quản lý đất đai. Thứ ba, người sử dụng đất (các tổ chức, cá nhân) không có quyền sở hữu đất đai mà chỉ có quyền sử dụng đất. Quyền sở hữu đất đai thuộc về toàn dân và do Nhà nước là chủ thể đại diện thực hiện quyền năng đó.

Chính việc thực hiện đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, đã tạo cơ sở, tiền đề cho công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước, thu được những thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên. Chỉ khi thực hiện các dự án phục vụ quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc, cộng đồng thì Nhà nước mới tiến hành thu hồi đất. Vì vậy, bài viết cho rằng: “nếu nhà nước tiếp tục chủ trương đất đai là sở hữu của toàn dân, là không người dân nào có quyền sở hữu đất đai nên tạo ra xã hội bất công,…” là không có cơ sở.

Tuy nhiên, trước những biến đổi của tình hình thực tiễn, Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập, đòi hỏi Đảng, Nhà nước ta chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy nhanh việc soạn thảo, đưa ra lấy ý kiến công khai của các tầng lớp nhân dân về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, để sớm trình Quốc hội thảo luận, thông qua trong những kỳ họp tới.

Trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đưa ra lấy ý kiến lần này có nhiều điểm mới, như: Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Quy định cụ thể hơn về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất; Hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc giá thị trường; Quy định mức thuế cao hơn với người có nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng, bỏ hoang, v.v. Những điểm mới này nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập, không hợp lý trước đây, tiến tới bảo đảm công bằng, hài hòa về lợi ích của Nhà nước và người dân, được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ.

Thực tiễn cho thấy, khi chủ trương, chính sách đúng, hợp lòng dân sẽ được nhân dân ủng hộ. Đơn cử, việc thành phố Hà Nội đã có những chính sách phù hợp, kịp thời trong việc đền bù, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, như: ứng trả tiền đền bù cho người dân, chọn vị trí đất đẹp, thuận lợi để xây nhà tái định cư và hoàn thành việc xây dựng mới thu hồi đất,… nên đã được nhân dân ủng hộ, đồng thuận, sớm bàn giao mặt bằng phục vụ khởi công theo kế hoạch.

Thế nên, việc Nguyễn Tấn Thành góp ý “Nhà nước nên thay đổi Luất Đất đai theo hướng sở hữu hóa quyền tư hữu đất đai cho người dân” là đi ngược lại nguyện vọng của đa số nhân dân, cố tình xuyên tạc, “phá bĩnh” chủ trương, chính sách tiến bộ, cần lên án, đấu tranh, bác bỏ./.

Không có nhận xét nào: