“Người Tân Định” – Kẻ “Biến hồng thành đen”
Vẫn biết rằng, chưa bao giờ các thế lực thù địch phản động, nhất là những kẻ luôn mang trong lòng sự hận thù với Tổ quốc luôn tìm cách để xuyên tạc sự thật, xuyên tạc những thành tựu mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đạt được trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội hiện nay. Hễ trong nước có những thành tựu hay sự thay đổi mang tính đột phá nào đó là chúng lại tìm mọi cách để “Biến hồng thành đen”.
Mới đây, trên trang “Vietnamthongbao”, kẻ lấy bút danh Người Tân Định đăng bài “Mưu mô khuấy đục nước bắt cá của Nguyễn Phú Trọng”. Chỉ đọc 3 dòng đầu bài viết, chúng ta đã thấy sự xuyên tạc, kích động của y, khi y cho rằng: Nếu Trọng muốn hết tham nhũng, cần củng cố các thể chế và tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình và nhất là phải xóa bỏ độc quyền của Đảng, phải cho dân tham gia quyền lực, phải tôn trọng nhân quyền. Nhưng thực tế đã bác bỏ hoàn toàn sự xuyên tạc của y.
Thứ nhất, theo y, “phải xóa bỏ độc quyền của Đảng”.
Để trả lời cho “ý tưởng” này của y, có rất nhiều minh chứng sống động để khẳng định vai trò to lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với dân tộc Việt Nam, khẳng định ở Việt Nam duy nhất chỉ có Đảng Cộng sản độc tôn lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tôi xin dẫn lại sự kiện này để y hiểu rõ hơn, tại sao Đảng ta không bao giờ thực hiện theo “ý tưởng” của Hắn?
Ngày 12/9/2015, tại Trụ sở Trung ương Đảng, trước chuyến thăm chính thức Nhật Bản, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trả lời phỏng vấn của một số hãng thông tấn, báo chí lớn của Nhật Bản như: hãng thông tấn Kyodo News, báo Nikkei, hãng NHK, báo Yomiuri Simbun, hãng truyền hình TV Asahi…. Trong đó có phóng viên đã hỏi: Việt Nam đã thiết lập thể chế chính trị một đảng duy nhất trong nhiều năm lịch sử. Hiện nay, hệ thống chính trị như vậy là rất hiếm trên thế giới. Ngài có tin tưởng rằng hệ thống chính trị độc đáo này sẽ được duy trì lâu dài trong tương lai?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “….Tôi cho rằng, bản chất cốt lõi nhất của dân chủ là bảo đảm để quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; thể chế chính trị nào đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của đại đa số nhân dân, của dân tộc thì thể chế đó sẽ có sức sống lâu dài, mãnh liệt, không phụ thuộc vào việc có một đảng hay đa đảng. Và vấn đề quan trọng quyết định không phải là ở số lượng mà là ở chất lượng của đảng, tức là đảng đó là đảng của ai, được tổ chức, hoạt động như thế nào và vì lợi ích của ai, mối quan hệ với nhân dân như thế nào, phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân ra sao, có được đại đa số nhân dân ủng hộ hay không?
Trong 85 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn phấn đấu theo một tôn chỉ duy nhất, không thay đổi, là phục vụ lợi ích của nhân dân, vì lợi ích của đất nước và dân tộc…. Sự tín nhiệm và ủng hộ của nhân dân là cơ sở quan trọng, quyết định nhất đối với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhân dân Việt Nam có quyền tự quyết định lấy vận mệnh của mình và chúng tôi tin tưởng rằng đó là sự lựa chọn đúng đắn vì tương lai tươi sáng của dân tộc Việt Nam”.
Thứ hai, theo y, phải tôn trọng nhân quyền.
Điều này, cộng đồng quốc tế đều biết, ngay sau khi Nhà nước Việt Nam được thành lập, Việt Nam đã sớm tham gia, ký kết các điều ước quốc tế về bảo đảm các quyền cơ bản của con người và quyền công dân. Bản hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam, được Quốc hội thông qua ngày 9/11/1946 đã hiến định tại Điều thứ 10: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận; tự do xuất bản; tự do tổ chức và hội họp; tự do tín ngưỡng; tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Những quyền cơ bản này đã được hiến định xuyên suốt trong các bản hiến pháp của Việt Nam và tiếp tục được hiến định tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”.
Điều 2, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”. Mới nhất, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII nhấn mạnh, phải kiên trì thực hiện phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân”. Điều đó đã thể hiện nhất quán quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về đề cao quyền làm chủ của Nhân dân.
Như vậy, thực chất bài viết của Người Tân Định nhằm mục đích rêu rao tư tưởng “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập”, hòng truyền bá và kích động tư tưởng dân chủ vô chính phủ, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng nước ta. Vì vậy, chúng ta phải đề cao tinh thần cảnh giác và kiên quyết đấu tranh chống những quan điểm và tư tưởng thù địch sai trái như “Người Tân Định”./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét