Thứ Hai, 13 tháng 3, 2023

Phát huy sức mạnh toàn dân bảo vệ biển, đảo

 

Phát huy sức mạnh toàn dân bảo vệ biển, đảo

 


 

Trong bối cảnh môi trường an ninh thế giới đầy biến động, khó lường như hiện nay, càng tự hào và trân trọng di sản quá khứ, chúng ta càng phải khai thác, khơi dậy nguồn sức mạnh của bao thế hệ người Việt Nam trong sự nghiệp giữ vững chủ quyền vùng biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó".

Một là, tăng cường tuyên truyền cả trong nước và ngoài nước về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng đất nước. Tích cực kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với lập trường chính nghĩa của Việt Nam trong giải quyết tranh chấp trên biển Đông.

Hai là, cần hoàn thiện các hành lang pháp lý, các thể chế quản lý và hoạt động để khai thác tiềm năng và lợi thế về biển, phát triển bền vững kinh tế biển, kết hợp chặt chẽ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo với các hoạt động đấu tranh trên tất cả các lĩnh vực.

Ba là, kiên quyết đấu tranh chống âm mưu của bên ngoài lấn chiếm biển đảo, biến vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam thành vùng tranh chấp; đồng thời phát huy sức mạnh toàn dân, tạo thế và lực để giải quyết các bất đồng trên biển một cách hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế. Mặt khác, chúng ta có thể mở rộng chính sách, liên kết phát triển kinh tế ở các khu vực biển thuộc quyền chủ quyền của ta với những nước phát triển trong khu vực và trên thế giới, nhằm tạo ra những đối tác đan xen lợi ích trong phát triển kinh tế biển.

Bốn là, chúng ta một mặt cần chú trọng đầu tư phát triển chương trình bám biển, đánh bắt xa bờ, bảo vệ và hỗ trợ ngư dân trong các hoạt động đánh bắt cá; một mặt củng cố lực lượng dân quân biển, các hải đoàn tự vệ, các lực lượng chấp pháp để kiểm soát, ngăn chặn kịp thời những hoạt động vi phạm chủ quyền biển đảo nước ta. Chúng ta phải tạo thế bảo vệ vững chắc các điểm, đảo đóng quân, nhà giàn DK1; hoàn thiện phương án đối phó với các tình huống có thể xảy ra, đủ sức canh giữ, bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo.

Năm là, chúng ta cần tăng cường giao lưu quốc tế, phối hợp tuần tra, diễn tập, cứu hộ - cứu nạn trên biển nhằm góp phần giữ vững môi trường ổn định, triệt tiêu nguy cơ xung đột trên biển.

Sáu là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học - công nghệ về quản lý và phát triển kinh tế biển để có thể khai thác, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường biển.

Có thể khẳng định việc xây dựng, quản lý, phát triển và bảo vệ quyền lợi biển là vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối với việc gìn giữ toàn vẹn chủ quyền quốc gia, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta trong thời kỳ mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế. 

Không có nhận xét nào: