“TAM QUYỀN PHÂN LẬP” LIỆU CÓ VỮNG NHƯ KIỀNG BA CHÂN?
Các thế lực thù địch, các đối tượng phản động, cơ hội chính trị đang ra sức tuyên truyền, tung hô cho mô hình tổ chức bộ máy Nhà nước “tam quyền phân lập” theo các nước tư bản; chúng cho rằng đây là “phương thuốc vạn năng và duy nhất” để Việt Nam phát triển và mới có thể phòng, chống tham nhũng triệt để.
Những luận điệu mơ hồ!
Các thế lực thù địch thường xuyên đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng nhất là trên internet các bài viết với luận điệu hết sức phi lý, nhằm công kích mô hình tổ chức bộ máy chính quyền hiện nay của Việt Nam, mối quan hệ giữa lập pháp – tư pháp và hành pháp của Nhà nước Việt Nam là lạc hậu, không thể kiểm soát được quyền lực nhất là khi đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam điều đó “tạo điều kiện thuận lợi cho tham nhũng”,… Bên cạnh đó, các đối tượng ra sức kêu gọi thực hiện mô hình “tam quyền phân lập” ở Việt Nam để tránh “Nhà nước toàn trị”; xem “tam quyền phân lập” là xu hướng chung của thời đại, là đặc trưng của một chế độ, một quốc gia có nền dân chủ,… Theo các đối tượng “Tam quyền phân lập” là để tạo ra thế “chân vạc”, đối trọng, kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan Nhà nước, không để được chuyên quyền, độc đoán dẫn đến mất dân chủ trong hoạt động chính trị và điều hành xã hội.
Một luận điệu khác cho rằng, nếu Việt Nam không áp dụng mô hình “tam quyền phân lập” như các nước tư bản thì nên “tăng cường kiểm soát quyền lực theo chiều dọc của mô hình “tam quyền phân lập” thay thế cho các hình thức kiểm soát theo chiều ngang”. Các ý kiến, lập luận trên đây đều mơ hồ, phi lý, không có sức thuyết phục không gì ngoài mục đích kích động cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nhất là những người kém hiểu biết phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và xã hội.
“Tam quyền phân lập” không thể vững vàng.
Sự ra đời của học thuyết và mô hình Nhà nước “tam quyền phân lập” gắn liền với giai đoạn phát triển của tư bản chủ nghĩa mà trực tiếp là quá trình đấu tranh giữa giai cấp tư sản để hình thành nên các Nhà nước tư bản thay thế chế độ phong kiến chuyên chế, độc tài với sự độc lập, kiềm chế lẫn nhau của ba nhánh quyền lực – ba cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp – 3 công cụ chuyên chế cho một chế độ Nhà nước mới. Nói cách khác “tam quyền phân lập” nhằm không để tập trung quá nhiều quyền lực Nhà nước vào môt cơ quan nhất định bằng việc phân chia quyền lực và kiểm soát lẫn nhau giữa cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Thế nhưng, hầu như “tam quyền phân lập” chỉ mang giá trị về lý luận còn trên thực tế tính khả thi của nó thì không nhiều thậm chí ngay cả ở các nước dân chủ tư sản. Như đã nói ở trên, “tam quyền phân lập” ra đời khi giai cấp tư sản đang lên, tiến hành các cuộc cách mạng tư sản, đấu tranh với giai cấp phong kiến thì rất cần lý luận về xây dựng thể chế chính trị mới, khẳng định vị trí thống trị xã hội; đồng thời tập hợp lực lượng để chống lại giai cấp phong kiến khi so với hệ tư tưởng cũ thì “tam quyền phân lập” có vẻ tiến bộ hơn, công bằng, dân chủ hơn.
Nhưng khi đã nắm quyền lực Nhà nước thì giai cấp tư sản lại càng cấu kết chặt chẽ với nhau hơn vì lợi ích, giữa các đảng phái chính trị mà đứng đằng sau là các công ty, tập đoàn tư bản lũng đoạn chính trị thì “tam quyền phân lập” chỉ còn trên giấy tờ mà thôi. Ví dụ như mô hình tổ chức Nhà nước của Mỹ có Quốc hội gồm Thượng viện và Hạ viện nắm quyền lập pháp, Tòa án tối cao, hệ thống Tòa án Liên bang và tòa án các bang nắn quyền tư pháp; Tổng thống nắm quyền hành pháp nhưng có quyền lực rất lớn nhất là quyền phủ quyết các vấn đề liên quan đến từ hai nhánh kia ví dụ phủ quyết một đạo luật, một quyết định,… Mặc khác ở Mỹ hay các nước tư bản chủ nghĩa, nguyên thủ quốc gia (Tổng thống hoặc Thủ tướng,…), Quốc hội có quyền bổ nhiệm thẩm phán tòa án tối cao nhưng thực chất đó là người “cùng hội, cùng thuyền”, cùng một đảng phái hay liên minh chính trị cho nên vị thẩm phán đó không thể làm trái với quyết định của nguyên thủ quốc gia vì giữa họ đã đan xen lợi ích cá nhân và lợi ích của tổ chức chung. Do đó, “tam quyền phân lập” ở các nước tư bản hiện nay chỉ là một mô hình “dân chủ giả tạo”, vỏ bên ngoài của một sự tập trung quyền lực hoàn toàn không có sư phân chia, đối trọng tuyệt đối.
Nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân, quyền lực Nhà nước thực chất là quyền lực của nhân dân được ủy quyền điều hành quan bộ máy tổ chức, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát lẫn nhau giữa cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp do đó để tranh thủ, tập hợp lực lượng chính trị thì không cần một mô hình tổ chức mị dân, hình thức như giai cấp tư sản đã sử dụng mà phải là hiệu quả trong quản lý, điều hành xã hội của chính quyền từ trung ương đến cơ sở. Giữa các cơ quan này có sự kiểm soát nhau nhưng không phải là sự đối trọng của các tổ chức chính trị, đảng phái đối lập nhau mà nhất quán về nguyên tắc hoạt động và đều do một chính Đảng lãnh đạo cho nên mục tiêu của sự kiểm soát là nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phục vụ nhân dân.
Bên cạnh đó, các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp ở Việt Nam còn chịu sự giám sát của nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội của người dân. Đó được xem là một mô hình tổ chức bộ máy Nhà nước khoa học, phù hợp và hiệu quả, hướng đến chủ thể phục vụ là nhân dân.
Tóm lại, một mô hình Nhà nước được áp dụng thì phải căn cứ vào tình hình thực tế của từng giai đoạn lịch sử cụ thể, phù hợp với nhu cầu, lợi ích của từng quốc gia, dân tộc chứ không thể áp đặt, rập khuôn theo một mô hình mà bản chất nó đã lạc hậu, lỗi thời và phi thực tế ngay chính trên mảnh đất mà nó sinh ra!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét