Thứ Tư, 12 tháng 4, 2023

Cần hiểu đúng về sự kiện ra mắt Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”

 

Cần hiểu đúng về sự kiện ra mắt Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”


Ngày 9/3/2023, Bộ Thông tin và Truyền Thông, Ban Tôn giáo Chính phủ đã ra mắt Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” nhằm giúp độc giả trong và ngoài nước hiểu rõ và đầy đủ về chính sách tôn giáo, đời sống tôn giáo ở nước ta. Trên các trang mạng xã hội, các thế lực thù địch, phản động đã tán phát nhiều tài liệu xuyên tạc về sự kiện này. Bài viết “Thấy gì qua việc Việt Nam công bố sách trắng tôn giáo” của Huy Nguyễn đăng trên “Voatiengviet” là một trong số đó.

Huy Nguyễn dẫn lời một số đối tượng (Thích Vĩnh Phước, Thích Không Tánh, Đinh Hữu Thoại, Lê Quang Hiển…) trong các tổ chức mà y gọi là “các nhóm tôn giáo độc lập” (không được Nhà nước công nhận hoặc đội lốt tôn giáo để chống phá Việt Nam), coi đó là cơ sở chính xác nhất để xem có “tự do tôn giáo” ở Việt Nam hay không? Còn việc Nhà nước ta ra mắt Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” chỉ “là “bức bình phong” nhằm che đậy các vi phạm kéo dài tại Việt Nam, nguyên nhân đã khiến Washington đưa Hà Nội vào danh sách theo dõi đặc biệt”. Các luận điệu trên là hoàn toàn sai trái, phản động, xuyên tạc mục đích ra mắt Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” cũng như tình hình tôn giáo ở Việt Nam.

Việc ra mắt Sách trắng về tôn giáo là bình thường ở các quốc gia, nhằm thông tin những nội dung cơ bản về tình hình tôn giáo cũng như quan điểm, chính sách về tôn giáo của lãnh đạo, chính quyền của quốc gia đó.

Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” dày 132 trang gồm 03 chương: Giới thiệu thông tin cơ bản về tôn giáo ở Việt Nam; quan điểm của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo trong thời kỳ đổi mới; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo quy định trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; những quy định về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trong văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; thành tựu, thách thức và ưu tiên của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Phần phụ lục giới thiệu một số hình ảnh về tôn giáo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam; số liệu về tôn giáo; danh mục tổ chức tôn giáo, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo; Điều 24, Hiến pháp 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Những thông tin trên rất hữu ích trên nhiều phương diện, đặc biệt làm cho thế giới có cái nhìn khách quan, đầy đủ, chính xác về tình hình tôn giáo ở Việt Nam, khẳng định quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người và cũng kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh các đối tượng lợi dụng tôn giáo để chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thể hiện cả trong các văn bản pháp lý và trên thực tế.

Hơn nữa, chúng ta ra mắt Sách trắng về tôn giáo cũng khẳng định về năng lực quản lý Nhà nước, ban hành luật và các văn bản pháp quy trên lĩnh vực tôn giáo, phù hợp với các văn bản quốc tế về quyền con người, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của đồng bào có đạo cũng như người nước ngoài theo tôn giáo khi học tập, làm việc, sinh sống ở Việt Nam.

Việc ra mắt Sách trắng về tôn giáo góp phần vạch trần, đấu tranh với các thông tin, luận điệu sai trái, phản động của các thế lực thù địch, phản động. Những nội dung trong Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” cũng như thông tin các phương tiện thông tin đại chúng, trang báo chính thống đăng tải phản ánh đúng thực tiễn tình hình đất nước nói chung, về tôn giáo nói riêng, được lựa chọn, kiểm duyệt chặt chẽ đúng quy định của pháp luật, là “sự thật”, là tiếng nói của dân tộc, văn hóa, con người Việt Nam. Đó là địa chỉ tin cậy để mọi người khai thác, định hướng tư tưởng, hành động, quán triệt và thực hiện đúng quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là việc chia sẻ, bình luận các tài liệu trên mạng xã hội. Còn thông tin từ các báo cáo một số nước, tổ chức quốc tế, đặc biệt về tự do, dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo ở Việt Nam thì không chỉ người dân Việt Nam mà dư luận thế giới đều biết. Các báo cáo này lợi dụng “tự do” để đưa ra những nhận định sai lệch, thiếu căn cứ, can thiệp vào công việc nội bộ nước ta. Họ không đủ tư cách phán xét về “tự do tôn giáo”, “theo dõi đặc biệt” về tôn giáo hay dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Hơn nữa, nguồn thông tin cung cấp không phản ánh đúng thực tế, toàn diện, chủ yếu thu thập từ những cá nhân, tổ chức có tư tưởng và hành động chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa hay từ những phần tử bất mãn, thoái hóa, biến chất, định kiến, không thể là đại diện cho tiếng nói của người Việt Nam. Chúng cấu kết chặt chẽ với những đối tượng chống đối trong các tôn giáo, những kẻ đội lốt tôn giáo để chống phá cách mạng. Đây là những kẻ mà Huy Nguyễn cho là đại diện những “tổ chức tôn giáo độc lập”, vu khống Đảng, Nhà nước ta phân biệt, đối xử, luôn “đàn áp”. Dư luận đều biết rõ về những vụ việc, tổ chức và cá nhân này. Họ thường có những hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, câu kết chặt chẽ với các thế lực phản động ở nước ngoài tán phát các tài liệu phản động, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để tập hợp lực lượng chống đối, gây rối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội nói chung, sinh hoạt, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào có đạo nói riêng. Xét ở khía cạnh này cho thấy, họ không làm gì cho đất nước, làm cho người dân được bình an, hạnh phúc mà chỉ làm những việc trái với luân thường đạo lý, truyền thống văn hóa dân tộc, gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phá hoại sức khỏe, sự nghiệp, tiền tài của biết bao gia đình. Ở Việt Nam cũng như bất cứ quốc gia nào trên thế giới, công dân phải tuân thủ hiến pháp, pháp luật. Chức sắc, tín đồ các tôn giáo là công dân Việt Nam nếu có những hành động cản trở công cuộc đổi mới, đi ngược lại lợi ích của đất nước, người dân đều bị xử lý theo pháp luật. Các cá nhân, tổ chức trên bị xử lý vì vi phạm pháp luật, không phải vì họ theo tôn giáo này hay tôn giáo khác hoặc không theo tôn giáo nào.

Như vậy, những nội dung trong bài viết “Thấy gì qua việc Việt Nam công bố sách trắng tôn giáo” của Huy Nguyễn hết sức phản động, xuyên tạc mục đích ra mắt Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”, từ đó hướng lái dư luận nhận thức không đúng về tình hình tôn giáo, quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước về tôn giáo ở nước ta, chúng ta phải vạch trần, lên án và đấu tranh bác bỏ.

Không có nhận xét nào: