Thứ Ba, 4 tháng 4, 2023

Đóng góp thực chất, trách nhiệm của Việt Nam vào công việc của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc

 

Đóng góp thực chất, trách nhiệm của Việt Nam vào công việc của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc

       Ngày 03/4/2023, tại trụ sở Văn phòng Liên hợp quốc (LHQ) tại Geneva (Thụy Sỹ), Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) Liên hợp quốc đã đồng thuận thông qua Nghị quyết kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR) và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Viên (VDPA) do Việt Nam đề xuất và soạn thảo, với sự tham gia đồng bảo trợ Nghị quyết của 98 nước, bao gồm 14 nước nòng cốt (Việt Nam, Áo, Bangladesh, Bỉ, Bolivia, Brazil, Chile, Costa Rica, Fiji, Ấn Độ, Panama, Rumani, Nam Phi và Tây Ban Nha), 34 nước thành viên HĐNQ, các nước phương Tây và nhiều nước đang phát triển từ cả năm nhóm khu vực, trong đó có hầu hết các nước ASEAN. Việc Việt Nam đề xuất Nghị quyết này tại HĐNQ rất kịp thời, đáp ứng sự quan tâm của cộng đồng quốc tế về kỷ niệm và đề cao Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền và Tuyên bố và Chương trình hành động Viên, hai văn kiện quan trọng về quyền con người, thể hiện vai trò Việt Nam là thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm của HĐNQ và cộng đồng quốc tế.

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng phái đoàn Thường trực Việt Nam
bên cạnh Liên hợp quốc, tham gia và phát biểu tại phiên họp ngày 03/4
(Ảnh: Sưu tầm nguồn dantri.com.vn)

Nghị quyết kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Viên là sáng kiến của Việt Nam, nhằm khẳng định lại và tăng cường các nỗ lực cũng như hành động hướng tới đạt được những mục tiêu và giá trị lớn, bao trùm của hai văn kiện quan trọng nêu trên, cũng như các cam kết chung của cộng đồng quốc tế về quyền con người cho tất cả mọi người. Nội dung Nghị quyết tập trung vào tầm quan trọng và nhiều nội dung tích cực của Tuyên ngôn và Tuyên bố nêu trên như nhắc lại các nguyên tắc chính về quyền con người của hai văn kiện; phản ánh quan tâm rộng rãi của các nước trong việc kỷ niệm hai văn kiện; nâng cao vị thế, vai trò, hiệu quả hoạt động của HĐNQ và các cơ chế nhân quyền LHQ; nhấn mạnh vai trò hàng đầu của các quốc gia trong bảo đảm quyền con người; ghi nhận sự tham gia của phụ nữ, vai trò của hợp tác và đoàn kết quốc tế, tôn trọng sự đa dạng, bao trùm,... trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người nói chung và trong tham gia công việc của HĐNQ nói riêng. Đồng thời, Nghị quyết cũng đề nghị Cao ủy Nhân quyền LHQ triển khai chương trình hoạt động kỷ niệm Tuyên ngôn và Tuyên bố nêu trên; trong đó, có sự kiện cấp cao của LHQ về quyền con người vào tháng 12/2023 và có Báo cáo về các hoạt động kỷ niệm lên Khóa họp 56 HĐNQ vào đầu năm tới.

Nghị quyết là một dấu ấn nổi bật của Việt Nam tại Khóa họp đầu tiên trên cương vị thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025, thể hiện đóng góp thực chất, trách nhiệm của Việt Nam vào công việc của HĐNQ. Bởi, Nghị quyết đã truyền tải đi nhiều thông điệp lớn và tích cực, trong đó có về hợp tác và đoàn kết quốc tế, tôn trọng tính đa dạng, hòa hợp, qua đó giúp thúc đẩy đồng thuận, hòa hợp, hàn gắn và không khí hợp tác tại HĐNQ, trong bối cảnh nhiều diễn đàn quốc tế thời gian qua bị chia rẽ sâu sắc, thậm chí chính trị hóa.

Nghị quyết được thông qua bằng đồng thuận, có sự đồng bảo trợ của 98 nước cho thấy Nghị quyết thể hiện sự quan tâm và ưu tiên chung của các nước và cộng đồng quốc tế, thu hút được sự hưởng ứng, tham gia ủng hộ của đông đảo các nước, được sự đánh giá cao của các bên. Nghị quyết sẽ góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức, quyết tâm và hành động của các nước thành viên và cộng đồng quốc tế trong hiện thực hóa các mục tiêu, tôn chỉ về quyền con người đề ra trong Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền và Tuyên bố và Chương trình hành động Viên. Đây cũng là đóng góp thực chất, trách nhiệm của Việt Nam vào công việc của HĐNQ, đúng như tinh thần phương châm tham gia của Việt Nam là: “Tôn trọng và Hiểu biết. Đối thoại và Hợp tác. Tất cả quyền con người cho tất cả mọi người”./.

 

Không có nhận xét nào: