Thứ Tư, 12 tháng 4, 2023

TRỌNG DANH DỰ

 

TRỌNG DANH DỰ


Danh dự là sự coi trọng, đánh giá của dư luận xã hội đối với mỗi người dựa trên giá trị tinh thần, đạo đức của người đó; là sự tự ý thức về giá trị của bản thân, sự tôn trọng và gìn giữ giá trị ấy, đặc biệt trong những bối cảnh khó khăn, trước các tình huống thử thách.
Con người chân chính rất coi trọng “lời thề danh dự”; rất xấu hổ khi “đánh mất danh dự” và cũng rất bất bình khi bị “bôi nhọ danh dự”. Không kể chức quyền to nhỏ, không kể giàu nghèo, sang hèn, không kể nghề nghiệp, giới tính,... đều có thể và cần phải tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn danh dự của bản thân mình. Cán bộ, đảng viên càng phải biết giữ gìn, trọng danh dự thì Nhân dân mới nể trọng, quý mến.
Vật chất, tiền bạc mất đi có thể làm lại, tìm kiếm được; danh dự nếu mất đi thì khó lòng lấy lại được. Vì vậy, người trọng danh dự khi chuẩn bị làm một việc gì, nhất là những việc quan trọng, thử thách, nhạy cảm thường suy nghĩ một cách thận trọng, kỹ lưỡng. Họ luôn đặt lợi ích của đất nước, của cộng đồng trên lợi ích của cá nhân. Nếu làm việc gì dù có lợi cho cá nhân nhưng ảnh hưởng đến danh dự của bản thân, làm tổn hại đến lợi ích của người khác hoặc của tổ chức thì họ quyết không làm. Danh dự của người cán bộ, đảng viên vô cùng cao quý và thiêng liêng. Người trọng danh dự thường lấy lời tuyên thệ của mình khi được đứng vào hàng ngũ đảng viên cộng sản để ngăn ngừa những phút mềm lòng trước mọi cám dỗ của cuộc sống.
Nhiều thế hệ người Việt Nam trong quá khứ từng chuyền tay nhau đọc Thép đã tôi thế đấy, từng tâm đắc, với câu nói bất hủ của nhân vật Pavel: “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình...”. Nhiều thế hệ từng thuộc làu “Danh dự của riêng thân/ Là của chung đồng chí/ Phải giữ gìn tỉ mỉ/ Như tròng mắt con ngươi/ Đến cạn máu tàn hơi/ Không xa rời kỷ luật...”. Chính vì lẽ sống ấy, nhân phẩm, danh dự ấy mà hàng triệu đồng bào, đồng chí đã chiến đấu, hy sinh trong các cuộc kháng chiến giữ nước, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước.
Nhưng uy tín, danh dự không phải tự nhiên mà có, cũng không phải bất biến. Nó sẽ bị giảm sút, thậm chí mất đi nếu không biết giữ gìn, bảo vệ, bồi đắp. Đi vào kinh tế thị trường, không ít người đã sa ngã, đánh mất danh dự. Đáng tiếc là trong số ấy, có người từng vào sinh ra tử, không sợ gian khổ hy sinh... Họ từng được phong Anh hùng, Chiến sĩ thi đua, họ không bị khuất phục trước súng đạn của quân thù nhưng lại “chết” với những “viên đạn bọc đường". Có cả những người quyền cao, chức trọng, “học cao hiểu rộng”, bằng cấp đầy mình, nhưng “nói một đàng, làm một nẻo”.
Trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước không biết giữ gìn danh dự, thiếu tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống, nặng về chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, không vượt qua cám dỗ của quyền lực, địa vị, tiền tài… sa ngã, suy thoái, bị xử lý kỷ luật, có người phải chịu lao lý, tù tội. Họ đã tự mình đánh mất danh dự của bản thân; làm tổn hại uy tín, thanh danh của Đảng, làm xói mòn lòng tin của Nhân dân với Đảng, với chế độ. Ta càng thấm thía câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
Không phải ngẫu nhiên mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc nhở cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo "phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự". Đồng chí cũng nhiều lần nhấn mạnh: Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất, sẽ còn mãi với thời gian; phải giữ cho được tư cách, đạo đức, danh dự của người đảng viên, người cán bộ cách mạng.
ST
Có thể là hình ảnh về 1 người
Tất cả cảm xúc:
11

Không có nhận xét nào: