VIỆT NAM KHÔNG THỂ CÓ “CHỦ NGHĨA HỒ CHÍ MINH”
Với chiến dịch “hạ bệ thần tượng”, “bôi nhọ thanh danh” Chủ tịch Hồ Chí Minh, gần đây chúng tung ra luận điệu tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh với học thuyết Mác - Lênin. Chúng ngụy biện rằng, bây giờ học thuyết Mác - Lênin đã lỗi thời, chỉ dựa vào tư tưởng Hồ Chí Minh và đề cao “chủ nghĩa Hồ Chí Minh”. “Chủ nghĩa Hồ Chí Minh” nghĩa là ám chỉ chủ nghĩa dân tộc. Đây là một luận điệu hết sức nguy hiểm, vì như vậy sẽ làm lu mờ chủ nghĩa Mác - Lênin và đi đến phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời xuyên tạc bản chất cách mạng khoa học và những giá trị cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về quan điểm dân tộc.
Chúng ta đều biết rằng, “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại.... Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH được thông qua tại Đại hội VII cũng khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Bổ sung, phát triển năm 2011), được thông qua tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (tháng 1/2011) một lần nữa khẳng định điều này. Đó là kết luận rút ra từ kết quả tổng kết sâu sắc thực tiễn lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam và cách mạng Việt Nam từ khi thành lập đến nay.
Trên nền tảng chủ nghĩa yêu nước và giá trị truyền thống Việt Nam, từ tinh hoa triết học và giá trị văn hóa Đông - Tây, Hồ Chí Minh đã tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin không phải theo lối giáo điều, dập khuôn mà là sự chắt lọc và hòa quyện những tinh hoa của chủ nghĩa Mác - Lênin với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Đó là nhân tố cơ bản quyết định đến sự hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh.
Chủ nghĩa Mác - Lênin là học thuyết duy nhất nêu lên mục tiêu, con đường, lực lượng và phương pháp thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người; là sự thống nhất hữu cơ giữa thế giới quan và phương pháp luận; là một học thuyết mở, không cứng nhắc, không bất biến và không ngừng đổi mới trong dòng trí tuệ của nhân loại. Đó là một học thuyết cách mạng và khoa học, từ khi ra đời đến nay chủ nghĩa Mác - Lênin đã trở thành nền tảng và kim chỉ nam cho giai cấp vô sản và những người cộng sản trên thế giới. Trong đó có Việt Nam.
Vấn đề dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là vấn đề dân tộc nói chung, mà là vấn đề dân tộc thuộc địa ở một nước cụ thể là nước Việt Nam đang bị thực dân Pháp áp bức, bóc lột. Vì vậy, thực chất vấn đề dân tộc mà Người đề cập đến là vấn đề đấu tranh giải phóng của các dân tộc thuộc địa nhằm thủ tiêu sự thống trị của nước ngoài, giành độc lập dân tộc, xoá bỏ áp bức, bóc lột thực dân, thực hiện quyền dân tộc tự quyết, thành lập nhà nước dân tộc độc lập.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc vừa mang tính khoa học đúng đắn, vừa có tính cách mạng sâu sắc thể hiện sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa dân tộc và giai cấp, chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế trong sáng, độc lập cho dân tộc mình đồng thời độc lập cho tất cả các dân tộc. Tư tưởng này là sự kế thừa, bổ sung phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề dân tộc vào điều kiện cụ thể ở Việt Nam và đã được thực tiễn cách mạng Việt Nam chứng minh là hoàn toàn đúng đắn.
Vì vậy, bất luận trong hoàn cảnh nào cũng không thể tách rời chủ nghĩa Mác - Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kế thừa phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, phù hợp với đặc điểm thực tế của cách mạng Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”. Điều đó đã được thực tiễn cách mạng Việt Nam chứng minh là hoàn toàn đúng đắn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét