Những cáo buộc thiếu khách quan, vô căn cứ về tự do báo chí ở Việt Nam
Những ngày qua, lợi dụng việc tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) đưa ra thông báo về cái gọi là “Báo cáo Chỉ số tự do báo chí thế giới năm 2023”, cáo buộc vô căn cứ về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị hùa vào vu cáo “Việt Nam không có tự do báo chí”. “Tát nước theo mưa”, Đài VOA xuyên tạc “Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia tồi tệ nhất trên thế giới về tự do báo chí”… Đây là những luận điệu sai trái, thù địch xuyên tạc, phủ nhận tự do báo chí ở Việt Nam, hòng làm nhiễu loạn thông tin, bóp méo sự thật, chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Thứ nhất, những báo cáo của RSF về tự do báo chí ở Việt Nam là thiếu khách quan, sai sự thật.
RSF là tổ chức phi chính phủ hoạt động toàn cầu, thành lập vào năm 1985, có trụ sở tại Pari. Theo Wikipedia dẫn một điều tra của 2 nhà báo thuộc đài truyền thanh và truyền hình nhà nước WDR (Đức) thì RSF nhận được nhiều ủng hộ từ nhà tỷ phú Mỹ George Soros, người đã từng ủng hộ công đoàn Solidarno hàng triệu đô la Mỹ và từ Quỹ quốc gia hỗ trợ dân chủ, là tổ chức mà 90% ngân sách xuất phát từ ngân sách quốc gia Mỹ, thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, cùng với đó là sự tài trợ của nhà công nghiệp vũ khí và “ông hoàng” truyền thông đại chúng của Pháp Serge Dassault… Theo thông tin của RSF, ngay từ 2013, nguồn ngân sách hoạt động hằng năm của tổ chức này có đến trên 70% do các chính phủ và các nhà tài phiệt, những kẻ buôn súng tài trợ. Vì vậy, RSF trở thành công cụ phục vụ mục đích chính trị của các thế lực núp sau cái bóng gọi là tự do báo chí, cổ súy cho tự do, dân chủ, nhân quyền theo kiểu phương Tây.
Mặc dù tuyên bố mục đích hoạt động là bảo vệ tự do báo chí trên toàn thế giới, chống kiểm duyệt và tạo áp lực giúp những nhà báo đang bị giam giữ. Tuy nhiên, nhiều năm qua hoạt động của tổ chức này thường không theo tôn chỉ mục đích đã công bố, những báo cáo của RSF về tự do báo chí ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam lại thiếu khách quan, sai thực tế, mang động cơ tiêu cực về chính trị. Do đó, các bản báo cáo của tổ chức này đã bị lên án và phản đối mạnh mẽ ở nhiều quốc gia. Trước những đánh giá vô căn cứ, thiếu khách quan của RSF, Giáo sư Lamrani, nhà văn và nhà báo người Pháp viết “Phóng viên không biên giới không phải là một nguồn đáng tin cậy. Chương trình nghị sự chính trị ẩn giấu của nó đã trở nên quá rõ ràng và ác ý của nó đối với một số quốc gia nằm trong danh sách đen của Mỹ hầu như không phải là vấn đề trùng hợp”; nhà báo Safaa Kasraoui của tờ Moroco World News đánh giá “báo cáo của RSF là sai lệch, không chính xác và không tính đến, theo cách khách quan và vô tư của nhiều chỉ số tích cực về môi trường cởi mở và tự do báo chí”.
Từ thực tế và tiếng nói của chính những nhà báo, nhà khoa học ở phương Tây đã chứng minh rằng, những thông tin về tự do báo chí mà Đài VOA đưa ra về Việt Nam là không khách quan, sai sự thật; chỉ là sự phụ họa theo những luận điệu sai trái, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, với mong muốn “lập công, lĩnh thưởng” từ RSF.
Thứ hai, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong bảo đảm tự do báo chí.
Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tạo điều kiện thúc đẩy và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân về tự do ngôn luận, tự do báo chí. Các quyền con người, trong đó có quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận được quy định trong Điều 25 Hiến pháp năm 2013 và các Bộ luật, Luật như: Bộ luật Hình sự, Luật An ninh quốc gia, Luật Báo chí, Luật An ninh mạng… Quyền tự do báo chí tại Việt Nam luôn được Nhà nước bảo đảm bằng pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế. Do vậy, không có việc bắt giữ bất kỳ phóng viên hay nhà báo nào nếu họ không vi phạm pháp luật Việt Nam.
Thành tựu về tự do báo chí ở Việt Nam không chỉ ở việc ban hành hệ thống pháp luật, mà còn được khẳng định trên thực tế. Hiện nay, cả nước có khoảng 800 cơ quan báo chí, với hơn 17.000 người được cấp thẻ nhà báo. Ngoài ra, có hàng chục cơ quan báo chí nước ngoài với hàng trăm phóng viên đang tác nghiệp tại Việt Nam. Các cơ quan báo chí, phóng viên trong nước, quốc tế đều được Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện tốt nhất để tiếp cận thông tin, tác nghiệp hiệu quả, phản ánh chân thực, khách quan về các sự kiện, vấn đề của cuộc sống. Ngoài ra, Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng và sử dụng internet cao nhất thế giới với gần 70 triệu người dùng, chiếm hơn 70% dân số. Người dân Việt Nam có thể truy cập vào tất cả các trang web, báo chí trên thế giới; có thể đăng tải hình ảnh, suy nghĩ của mình trên mạng xã hội bất cứ khi nào. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước của Việt Nam cũng tiếp nhận thông tin, phản ánh của người dân thông qua các trang mạng xã hội để xử lý, giải quyết kịp thời.
Thực tiễn sinh động đó đã chứng minh rõ ràng tự do báo chí ở Việt Nam đã và đang được bảo đảm theo quy định của pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc RSF và Đài VOA cho rằng tự do báo chí ở Việt Nam là “rất tồi tệ”, đó là những cáo buộc không khách quan, vô căn cứ, hoàn toàn sai với thực tế tình hình hoạt động báo chí ở Việt Nam, cần phải cảnh giác, đấu tranh, phê phán và kiên quyết loại bỏ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét