PHẢN BÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC CỦA ĐÀO TĂNG DỰC
Vừa qua, trên trang “quyenduocbiet” Đào Tăng Dực có bài viết: “Tính trọng yếu của một định chế tối cao độc lập hầu phán xét về tính hợp hiến hay vi hiến của một sắc luật của lập pháp hay một tác động của hành pháp”, cho rằng hiến pháp của Việt Nam không bảo đảm tính tối thượng, vì không quan trọng bằng điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam và không có cơ chế bảo vệ hiến pháp. Thực tế, Đào Tăng Dực đang cố tình hiểu sai về Hiến pháp Việt Nam, vì vậy đang vi phạm pháp luật Việt Nam.
Thứ nhất, Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đạo luật gốc quy định những quan hệ nền tảng nhất, tạo dựng cơ sở pháp lý cho hoạt động của toàn xã hội. Hiến pháp đứng ở vị trí đỉnh của cấu trúc hình tháp trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Hiến pháp có hiệu lực pháp lý tối cao, mọi văn bản pháp luật khác do Hiến pháp quy định, cụ thể hoá Hiến pháp phải phù hợp và không được trái với Hiến pháp. Tính tối thượng của Hiến pháp có thể hiểu là sự ghi nhận về hiệu lực tối cao của Hiến pháp trong hệ thống pháp luật về mặt lý luận, sự tuân thủ nghiêm chỉnh Hiến pháp trong đời sống chính trị, đời sống nhà nước và xã hội, nghĩa là trong toàn bộ hệ thống chính trị không thể có bất cứ lực lượng nào được phép đứng trên Hiến pháp.
Hiến pháp Việt Nam là văn bản chính trị pháp lý quan trọng nhất của quốc gia, thể hiện chủ quyền, ý chí và nguyện vọng của tất cả các tầng lớp nhân dân. Hiến pháp quy định: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Do đó, Đảng Cộng sản Việt Nam tôn trọng và đề cao Hiến pháp, các tổ chức của Đảng, đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật. Đảng lãnh đạo Nhà nước, trên cơ sở Hiến pháp, hướng tới lý tưởng và mục tiêu mà toàn thể nhân dân đã lựa chọn chứ không phải Hiến pháp “không quan trọng” bằng Điều lệ Đảng như xuyên tạc của Đào Tăng Dực.
Thứ hai, cơ chế bảo vệ Hiến pháp là một tổng thể các yếu tố có quan hệ mật thiết, tương tác lẫn nhau, hình thành một hệ thống và phương thức vận hành của hệ thống đó để tiến hành hoạt động bảo vệ hiến pháp, nhằm bảo đảm sự tôn trọng, giữ gìn hiến pháp, ngăn ngừa và chống lại mọi hành vi vi phạm hiến pháp. Điều 12 của Hiến pháp đã khẳng định tất cả các chủ thể trong xã hội phải tôn trọng và tuân thủ Hiến pháp. Điều 12, cũng xác định nghĩa vụ của tất cả các chủ thể trong việc phòng, chống và xử lý các hành vi vi phạm Hiến pháp. Hiến pháp quy định: Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước và toàn thể nhân dân có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp. Đảng ta khẳng định: Xác định cơ chế bảo vệ hiến pháp, định rõ cơ chế, cách thức bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp và luật; nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến; xây dựng cơ chế phán quyết vi Hiến trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp, nghiên cứu xây dựng, bổ sung các thể chế, cơ chế vận hành cụ thể để bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Bên cạnh đó, Hiến pháp khẳng định: Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp, Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân thực hiện quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.
Bảo vệ Hiến pháp là bảo vệ những giá trị cao quý nhất, bảo vệ mục tiêu, lý tưởng mà nhân dân lựa chọn được thể hiện trong Hiến pháp là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động đang ra sức xuyên tạc Hiến pháp, chống phá Đảng, Nhà nước vì vậy cần đề cao cảnh giác và kiên quyết đấu tranh với những âm mưu, hoạt động này./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét