Thứ Tư, 21 tháng 6, 2023

70 NĂM NHÀ BÁO HỒ CHÍ MINH VIẾT BÀI BÁO “ÍCH NƯỚC, LỢI NHÀ”

 

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của báo chí cách mạng. Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chính là một Nhà báo cách mạng vĩ đại, đã sử dụng ngòi bút sắc bén của mình để lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước, trong đó có việc phát hiện, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng những người tốt, việc tốt. Với quan điểm: những gương người tốt, việc tốt muôn hình muôn vẻ là vật liệu quý để xây dựng con người và “Lấy gương người tốt trong quần chúng nhân dân và cán bộ, đảng viên để giáo dục lẫn nhau còn là một phương pháp lấy quần chúng giáo dục quần chúng rất sinh động và có sức thuyết phục rất lớn”; Nhà báo Hồ Chí Minh đã thường xuyên sử dụng phương tiện báo chí là một trong những biện pháp hữu hiệu để thực hiện tinh thần: “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp. Cả dân tộc ta là một vườn hoa đẹp”.

Xin nêu một ví dụ cụ thể dưới đây. Tròn 70 năm trước, ngày 16-6-1953, Nhà báo Hồ Chí Minh viết bài báo “Ích nước, lợi nhà”, ký bút danh là C.B. Bài báo đăng trên báo Nhân dân số 118 (từ ngày 16 đến 20-6-1953) với nội dung khen ngợi, biểu dương cán bộ và nhân dân xã Xuân Huy của tỉnh Phú Thọ, một xã kiểu mẫu về tăng gia sản xuất. Bài báo nêu rõ những kết quả tốt mà Xuân Huy đạt được, như toàn xã thu hoạch được 30 phần trăm so với mùa trước, nhiều nhà, chỉ riêng số bội thu về năng suất, đã đủ đóng thuế nông nghiệp, trong đó có gia đình chiến sĩ nông nghiệp Nguyễn Vũ Miên đã tăng năng suất 83 phần trăm.

Từ những thành tích nổi bật trên của xã Xuân Huy, Nhà báo Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều vấn đề về nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và việc tuyên truyền, nhân rộng mô hình này ra cả nước. Nhà báo Hồ Chí Minh chỉ rõ nguyên nhân thành công của Xuân Huy là do: “Vì cán bộ và đồng bào làm đúng chính sách tăng gia sản xuất và tiết kiệm của Chính phủ”, cụ thể: “Đồng bào trong xã đã quyết tâm vượt mọi khó khăn, cải tiến cách trồng trọt”. Nhà báo Hồ Chí Minh còn đánh giá cao ý nghĩa thành tích của xã Xuân Huy: “Xã Xuân Huy làm được, thì chắc các xã khác cũng làm được. Các xã đều làm được như xã Xuân Huy, thì đồng bào và bộ đội tha hồ no ấm”.

Nhà báo Hồ Chí Minh cũng yêu cầu nhân rộng mô hình kiểu mẫu của Xuân Huy: “Mong rằng các cơ quan và đoàn thể phụ trách huyện và tỉnh, trước hết là nông hội, ra sức phổ biến kinh nghiệm của xã Xuân Huy khắp huyện và tỉnh, để tranh lấy thắng lợi rộng hơn và to hơn nữa”. 

Và Nhà báo Hồ Chí Minh đã kết thúc bài báo rất ngắn gọn, dễ hiểu mà sâu sắc:

“Thi đua tăng gia,
Ích nước lợi nhà, 
Xuân Huy gương mẫu thật là vẻ vang”.

Chỉ qua một bài báo ngắn, Nhà báo Hồ Chí Minh đã thể hiện được nhiều tư tưởng của Người về thi đua yêu nước. Đó là quan điểm thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua; phải có quyết tâm cao trong thi đua; thi đua chính là làm tốt những công việc thường ngày, là thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, giải quyết hài hòa mối quan hệ hữu cơ, bền chặt giữa cần và kiệm; nỗ lực cải tiến, hăng hái làm việc với kết quả cao nhất, chất lượng tốt nhất để góp phần thiết thực đóng góp hiệu quả nhất vào sự nghiệp cách mạng chung của đất nước. Đồng thời, những gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, ích nước, lợi nhà thì phải cần được biểu dương, nhân rộng.

Đối với sự nghiệp hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn hiện nay, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới, những nội dung của bài báo và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đây càng có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, cần phải được tiếp tục quán triệt, học tập, vận dụng hiệu quả trong thực tiễn./.

Không có nhận xét nào: