JUN
Thời gian qua, các thế lực thù địch rêu rao, gán ghép nhiều thông tin xuyên tạc, sai trái hòng chống phá việc ban hành và thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị (HTCT) theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của Đảng ta. Những luận điệu xuyên tạc, sai trái đó phải được nhận diện và bác bỏ bằng những luận cứ lý thuyết và thực tiễn, góp phần khẳng định tính đúng đắn trong chủ trương đổi mới, sắp xếp HTCT theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
Một số luận điệu sai trái, xuyên tạc
Với mũi nhọn chống phá là tập trung vào những đổi mới trong tổ chức và hoạt động của HTCT như việc chia tách, sáp nhập đơn vị hành chính; nhất thể hóa các chức danh, phân cấp, ủy quyền, tinh gọn bộ máy; công tác sắp xếp, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ trong HTCT Việt Nam, các thế lực thù địch từng bước tung ra những luận điệu xuyên tạc, sai trái.
Chúng cho rằng việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của HTCT thực chất là sáp nhập “chính quyền vào Đảng”, dẫn đến việc thao túng quyền lực Nhà nước về phía Đảng, là “độc tài cá nhân”, “độc tôn tham nhũng”. Từ đó, chúng khẳng định việc làm trên sẽ khiến không khí trở nên “ngột ngạt” bao trùm Đảng và “chông chênh” về tương lai (nhất là khi quan điểm “nhất thể hóa” theo hướng Đảng kiêm nhiệm chính quyền đang dần hiện thực). Thêm vào đó, chúng ra sức kêu gọi cán bộ, đảng viên hưu trí, cựu chiến binh lên tiếng phản đối. Cụ thể, trên một số diễn đàn, trang mạng xã hội, các thế lực thù địch tăng cường xuyên tạc chủ trương đổi mới, sắp xếp bộ máy của HTCT các cấp lần này cũng chẳng khác gì việc làm theo kiểu “giật gấu vá vai”, chưa đi vào chiều sâu, nguyên nhân cốt lõi của sự “cồng kềnh, kém hiệu quả” trong bộ máy của HTCT, mà thực chất Đảng chỉ mở hướng dư luận cho việc sáp nhập “chính quyền vào Đảng” nhằm cổ xúy, phục vụ cho lợi ích nhóm, tạo kẽ hở để người có chức, có quyền trục lợi.
Bên cạnh đó, các thế lực phản động lợi dụng những hạn chế, bất cập hòng đánh đồng, đổ lỗi những khuyết điểm, hạn chế có nguyên nhân chính từ những sai lầm hay sự “độc tôn, độc tài” của Đảng ta; quy kết rằng những điều đó có nguồn gốc từ hạn chế, yếu kém của Đảng cầm quyền. Việc làm của chúng đã phần nào ảnh hưởng đến những nỗ lực đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của HTCT nước ta, gây ra nhiễu loạn thông tin.
Đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Thứ nhất, đối với một đảng chính trị cầm quyền, việc đổi mới tổ chức bộ máy của HTCT theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là hoạt động bình thường và cũng là xu thế chung ở nhiều thể chế và quốc gia trên thế giới hiện nay.
Ở Việt Nam, việc chủ trương xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy của HTCT không phải là vấn đề mới, “giật gấu vá vai”, mà được đề ra và thực hiện trong suốt tiến trình lãnh đạo của Đảng và không tách rời khỏi hệ lý luận về vai trò, phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII nhấn mạnh: “Trong những năm qua, Đảng ta đã ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, nghị quyết, kết luận về xây dựng tổ chức bộ máy của HTCT, đạt được nhiều kết quả quan trọng”.
Để có nền chính trị bền vững như hiện nay, Đảng đã chỉ đạo xây dựng và ban hành các chủ trương, đường lối, nghị quyết và Nhà nước ban hành nhiều chính sách, chỉ thị có liên quan đến công tác sắp xếp, cơ cấu lại HTCT hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nghiên cứu các văn kiện của Đảng, không có nhiệm kỳ nào Trung ương không bàn đến các vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại, bất cập của HTCT.
Sau các nghị quyết của Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và ban hành các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể được khẩn trương tổ chức thực hiện đối với các vấn đề liên quan đến hoàn thiện bộ máy, phân cấp, ủy quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; công tác cán bộ cũng được thực hiện nghiêm túc, đồng bộ; đấu tranh phòng-chống tham nhũng, tiêu cực được tiến hành quyết liệt, đồng bộ với nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy. Điều đó thực sự tạo ra sự lan tỏa, ủng hộ trong toàn Đảng và toàn xã hội.
Như vậy, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của HTCT tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là chủ trương đúng đắn, phản ánh rõ vai trò lãnh đạo liên tục, thông suốt và kịp thời của Đảng trong thời kỳ đổi mới; đồng thời, phản ánh và thể hiện được quyết tâm, ý chí của toàn hệ thống chính trị và khát vọng phát triển đất nước của Nhân dân ta. Nó vừa là tất yếu, vừa là yêu cầu cấp bách để HTCT ngày càng hoàn thiện, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng với đường lối đổi mới toàn diện, đồng bộ đất nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Thứ hai, trong thực tế, một số bất cập, hạn chế của HTCT là bài học kinh nghiệm, thậm chí là điều kiện “chín muồi” để tiếp tục đổi mới, hoàn thiện bộ máy của HTCT nước ta.
Sau 37 năm đổi mới, mặc dù đã có sự quan tâm, tổ chức, sắp xếp liên tục đối với tổ chức bộ máy của HTCT, song cho đến nay, chúng ta đang vẫn phải duy trì “một tổ chức bộ máy của HTCT còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa cao”; “việc hoàn thiện mô hình tổ chức tổng thể của HTCT cho phù hợp với tình hình thực tiễn còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy ở một số nơi thiếu kiên quyết, đồng bộ và chưa đạt mục tiêu đề ra; cá biệt có nơi còn nóng vội, chưa có bước đi vững chắc”. Thực tế đó khiến chúng ta cần chú tâm hơn về những nguyên nhân của các hạn chế, bất cập trong công tác xây dựng HTCT hoàn thiện, vững mạnh.
Về đội hình, biên chế và năng lực thực thi công việc của cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy HTCT, hiện nay, số hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước ước khoảng gần 4 triệu người, chưa tính Quân đội và Công an. Chất lượng, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức dù được nâng lên một bước đáng kể so với trước đây nhưng chưa đồng đều, thậm chí còn yếu, nhất là năng lực phát hiện vấn đề, tham mưu và đề xuất các biện pháp giải quyết.
Có thể thấy là nếu tiếp tục duy trì bộ máy như vậy quá lâu, không những cản trở sự phát triển, đi ngược lại đòi hỏi của thực tiễn khách quan và xu hướng cải cách bộ máy của các quốc gia trên thế giới mà cũng không có ngân sách nào đủ để duy trì và nuôi nổi một bộ máy của HTCT “quá khổng lồ”, “cồng kềnh” và “nhiều đầu mối” như thế. Đây là thời điểm thích hợp nhất, tích hợp đủ các điều kiện để thực hiện việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của HTCT. Thách thức đang đặt ra cho cả HTCT nước ta là vô cùng lớn.
Quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
Đại hội XIII của Đảng đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ, trong đó, nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu là “tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và HTCT toàn diện, trong sạch, vững mạnh. Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Xây dựng tổ chức bộ máy của HTCT tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này cần kiên quyết đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch. Muốn vậy, cần thực hiện một số nhóm giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường nhận thức và tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội về thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của HTCT Việt Nam. Theo đó, cần làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội, không để các thế lực thù địch, các phần tử xấu lợi dụng xuyên tạc, chống phá, chia rẽ nội bộ.
Thứ hai, kiên quyết đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch về đổi mới và xây dựng, kiện toàn HTCT nước ta. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan thông tấn, báo chí, các lực lượng chuyên trách làm công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đối với các cơ quan tham mưu về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống các quan điểm sai trái, thù địch cần quán triệt, thực hiện hiệu quả các quan điểm, giải pháp trong Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.
Thứ ba, kịp thời đồng bộ quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng HTCT Việt Nam tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện lý luận mô hình HTCT xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kịp thời sơ kết, tổng kết các mô hình thí điểm, làm căn cứ hoàn thiện đường lối đổi mới, xây dựng đồng bộ HTCT nước ta thời gian tới; chú trọng hoàn thiện về thể chế, bảo đảm đồng bộ, liên thông giữa quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về tổ chức bộ máy, biên chế của HTCT, tạo hành lang pháp lý đổi mới toàn diện đối với HTCT.
Bên cạnh đó, gắn đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của HTCT với thực hiện hiệu quả các quan điểm Đại hội XIII và Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và HTCT; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Thứ tư, phát huy những mặt tích cực, khắc phục những bất cập, hạn chế đang tồn tại của HTCT nước ta để những bất cập, hạn chế đó không thể trở thành điểm để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá. Quán triệt, triển khai và thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo quan điểm của Đại hội XIII về đổi mới, xây dựng HTCT từ tổ chức bộ máy, các mối quan hệ, các cơ chế, đến các nguyên tắc vận hành… nhằm xây dựng bộ máy HTCT Việt Nam hoạt động hiệu lực, hiệu quả./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét