Đập tan luận điệu xuyên tạc quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam của Nguyên Anh
Nhiều năm qua, hoạt động lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền chống phá Đảng, Nhà nước ta đang được các thế lực thù địch cả trong và ngoài nước không ngừng đẩy mạnh bằng nhiều thủ đoạn thâm hiểm. Mới đây, Nguyên Anh đã đăng tải bài viết “Đấu tranh để thay đổi thể chế chính trị Việt Nam” trên trang “Quyenduocbiet”, nhằm xuyên tạc quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam.
Với mưu đồ chính trị đen tối, Nguyên Anh đã xuyên tạc, bịa đặt, vu khống Đảng “giả mù, giả điếc”, “làm ra những điều luật ngăn cấm người dân được nói”, “tước đi cái quyền được nói của công dân”, “vi phạm quyền tự do cơ bản của người dân Việt Nam”. Những luận điệu thâm hiểm này trong bài viết của Nguyên Anh không có mục đích nào khác là nhằm xuyên tạc quyền tự do ngôn luận của công dân, bôi xấu, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, phủ nhận những thành quả tốt đẹp của công cuộc xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, hướng lái Việt Nam đi theo con đường tư bản chủ nghĩa.
Cần khẳng định, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận của công dân. Quyền tự do ngôn luận được xem là quyền hiến định ngay trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, để phù hợp với thực tiễn, trong bối cảnh “thế giới phẳng”, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đã điều chỉnh, bổ sung, xây dựng nhiều đạo luật mới, đề cao, tôn trọng các quyền cơ bản, chính đáng của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận. Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Cụ thể hóa điều này của Hiến pháp 2013, Việt Nam đã xây dựng, ban hành và thực thi nhiều luật bảo đảm và tôn trọng quyền tự do ngôn luận của công dân như: Luật Tiếp cận thông tin (năm 2013), Luật Báo chí (năm 2016), Luật An ninh mạng (năm 2018) … Đặc biệt, trước sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông, Việt Nam đã kịp thời bảo đảm và tôn trọng quyền tự do ngôn luận của công dân trên các phương tiện truyền thông đại chúng, và truyền thông xã hội. Người dân Việt Nam có thể dễ dàng truy cập vào tất cả các trang web, báo chí trên thế giới; có thể bày tỏ mọi suy nghĩ, trăn trở, mong muốn chính đáng, hợp pháp, bảo đảm thuần phong mỹ tục, giá trị nhân văn, đạo đức,… của mình trên mạng xã hội hằng giờ, hằng ngày, thông qua việc viết bài, đăng ảnh, video clip. Mỗi người dân Việt Nam đều có thể tiếp cận tin tức của các cơ quan thông tấn, báo chí lớn trên thế giới hay các trang cá nhân của mọi “công dân toàn cầu” mà không gặp phải bất cứ sự hạn chế, ngăn chặn, cấm đoán nào… Đó là những dẫn chứng xác thực bác bỏ hoàn toàn những luận điệu xuyên tạc, vu khống trắng trợn của Nguyên Anh về quyền tự do ngôn luận của công dân ở Việt Nam.
Cần nhận thức rõ, quyền tự do ngôn luận là một quyền cơ bản của công dân, được pháp luật Việt Nam thừa nhận và bảo đảm thực hiện, nhưng đây không phải là một quyền tuyệt đối. Khoản 2, Điều 14 Hiến pháp 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Với quy định này, các quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam không thể bị hạn chế một cách tùy tiện, nhưng có thể bị hạn chế trong những trường hợp cụ thể. Trên thực tế, ở Việt Nam hay bất cứ một quốc gia nào trên thế giới cho thấy, quyền tự do ngôn luận phải tuân thủ theo quy định của pháp luật; không chấp nhận việc lợi dụng quyền tự do phát ngôn để chống phá lợi ích chung của quốc gia, dân tộc, xâm phạm quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân khác. Quyền tự do ngôn luận không phải là sự tuyệt đối hóa tự do cá nhân, càng không thể lợi dụng tự do ngôn luận để viết, nói, tuyên truyền quan điểm, tư tưởng chủ quan của cá nhân với ý đồ xấu, bất chấp luật pháp. Vì vậy, không chỉ Việt Nam, mà mọi quốc gia ngăn cấm, xử lý nghiêm khắc những hành vi “lợi dụng tự do dân chủ xâm hại lợi ích cá nhân và nhà nước” là việc làm cần thiết và tất yếu. Đó hoàn toàn không phải là việc làm “tước đi cái quyền được nói của công dân”, “vi phạm quyền tự do cơ bản của người dân Việt Nam” như lời Nguyên Anh đã trơ trẽn rêu rao.
Như vậy, quyền tự do ngôn luận của công dân ở Việt Nam luôn được tôn trọng và bảo đảm trên thực tế. Những tổ chức, cá nhân cố tình lợi dụng dân chủ, tự do ngôn luận để xâm hại đến lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân cần phải bị lên án và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Đây là lẽ đương nhiên, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế mà Nguyên Anh và các thế lực thù địch cần “động não” suy nghĩ trước khi đưa ra những bình phẩm sai lệch về vấn đề này./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét