HRW lại can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam
Tre Việt - Ngày 07/6, trang facebook Việt Nam Thời Báo đăng bài: “Việt Nam - hãy phóng thích nhà vận động chống tham nhũng”, dẫn phát biểu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), rằng: “nhà cầm quyền Việt Nam cần hủy bỏ mọi cáo buộc và ngay lập tức phóng thích nhà vận động chống tham nhũng Đặng Đăng Phước”. HRW còn xuyên tạc: “Chính quyền Việt Nam vận dụng các điều luật có nội dung điều chỉnh quá rộng và mang tính đàn áp để truy tố những người lên tiếng kêu gọi cải cách”. Đồng thời, trích phát biểu của ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á Châu của HRW, yêu cầu: “Nhà cầm quyền Việt Nam nên hủy bỏ ngay lập tức mọi cáo buộc đối với Đặng Đăng Phước và các nhà hoạt động khác - những người đóng vai trò thiết yếu trong việc tầm soát những sai phạm và tham nhũng mà chính quyền Việt Nam tuyên bố muốn phòng, chống”.
Như đã biết, ngày 06/6/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với Đặng Đăng Phước (sinh năm 1963, trú Tổ dân phố 7A, phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột) về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Theo cáo trạng, từ năm 2012, Đặng Đăng Phước (nguyên giáo viên dạy môn Âm nhạc tại Trường Cao đẳng sư phạm Đắk Lắk) bắt đầu sử dụng mạng internet để tham gia vào các hoạt động chống đối do một số đối tượng trong và ngoài nước phát động. Phước đã đăng tải, chia sẻ hơn 200 bài viết có nội dung công kích lãnh đạo cấp cao và chính quyền, xuyên tạc tình hình chính trị - xã hội trong nước; công khai thể hiện tư tưởng, quan điểm bất mãn, bôi nhọ, nói xấu lực lượng Công an; lợi dụng các vấn đề đang được xã hội và cộng đồng mạng quan tâm để xuyên tạc tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước. Phước thường xuyên tham gia các hội, nhóm, diễn đàn trên mạng xã hội để ủng hộ hoạt động của các nhóm chống đối, như: “No U”, “Phổ biến Hiến pháp”, v.v. Ngoài ra, Phước còn thường xuyên tìm cách lôi kéo những đối tượng bất mãn, chống đối trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tham gia các phiên tòa xét xử một số đối tượng vi phạm pháp luật; căng băng rôn, cản trở hoạt động của các cơ quan chức năng, kích động, gây phức tạp về an ninh trật tự; tụ tập hát những bài hát có nội dung kích động, phá hoại về tư tưởng, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân. Những hành động của Phước đã vi phạm các quy định của ngành Giáo dục, trái với đạo đức nhà giáo, vi phạm pháp luật. Các hành vi đó đã diễn ra trong một thời gian dài. Mặc dù đã được các cơ quan, lực lượng chức năng nhiều lần mời làm việc để tuyên truyền, vận động, giải thích, nhắc nhở nhưng Phước không chấp hành. Căn cứ vào những hành vi vi phạm pháp luật của Phước, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt y 08 năm tù về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117, Bộ luật Hình sự (năm 2015).
HRW đã cố tình quên rằng: ở bất kỳ quốc gia nào, tiền đề và điều kiện bảo đảm cho việc thực hiện tốt quyền con người phải gắn liền với pháp luật, có tính chất bảo vệ và quản lý.Và, ở các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, quyền con người, quyền công dân là những quyền cơ bản đều được ghi nhận và thể hiện trong hiến pháp và pháp luật. Đặng Đình Phước nhân danh “đấu tranh dân chủ” để xâm phạm an ninh quốc gia, dân tộc, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; đây là hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự xã hội nên Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk tuyên phạt bị cáo với khung hình phạt như trên là điều bình thường, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật Việt Nam.
Vì vậy, việc HRW kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho Đặng Đăng Phước và các nhà hoạt động khác vi phạm pháp luật là hành động lợi dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, cổ súy cho hành động chống đối Đảng, Nhà nước Việt Nam, cố tình can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam. Hành động đó cần phải nên án và đấu tranh bác bỏ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét