Thứ Tư, 14 tháng 6, 2023

KHÔNG THỂ PHÁ VỠ QUẢN LÝ XÃ HỘI CỦA NHÀ NƯỚC BẰNG PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

 

KHÔNG THỂ PHÁ VỠ QUẢN LÝ XÃ HỘI CỦA NHÀ NƯỚC BẰNG PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM


Lợi dụng việc Đảng, Nhà nước Việt Nam xử lý nghiêm minh những cá nhân vi phạm luật pháp, trên trang Facebook: Đài Á Châu tự do, RFA đã đăng tải bài viết: “Đất nước sau song sắt”. Thực chất của bài viết vẫn là sự cố tình công kích, bình luận sai lệch hòng làm thay đổi bản chất, giá trị luật pháp và sự điều hành, quản lý xã hội của Nhà nước Việt Nam. Do đó, cần đấu tranh và khẳng định vấn đề như sau:

Thứ nhất, mọi quốc gia trên thế giới đều quản lý xã hội và xử lý các cá nhân phạm tội bằng pháp luật. Nhà nước xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, buộc tất cả mọi người trong xã hội đó có nghĩa vụ chấp hành, tuân thủ và nếu ai vi phạm thì phải chịu các biện pháp xử lý. Việc xử phạt cá nhân với các điều khoản tương ứng hành vi, tính chất phạm tội là việc làm đương nhiên của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong một quốc gia. Bất kỳ công dân nào, vì động cơ cá nhân, lợi dụng các quyền tự do, dân chủ để tung tin xuyên tạc, gây hoang mang trong nhân dân, làm mất uy tín cho cán bộ công chức, cơ quan bảo vệ pháp luật hay lợi dụng các quyền đó để xâm phạm đến lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân thì đều bị xử lý công khai theo luật định.

Pháp luật của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đại diện cho ý chí, lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, mang lại lợi ích chung cho toàn dân tộc. Không ai có thể đứng ngoài pháp luật, dù là ai, ở vị trí nào, gia thế ra sao thì khi vi phạm cũng đều bị xử lý! Quá trình xét xử, luận tội, toà án xem xét công và tội rõ ràng, công minh. Việc điều tra, truy tố, xét xử các bị can, bị cáo tuân thủ theo quy định của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự. Đặc biệt, các vụ án xét xử gần đây theo các tội danh quy định tại Điều 109, Điều 117, Điều 331 Bộ luật Hình sự cũng đảm bảo theo nguyên tắc đó.

Thứ hai, việc xử lý tội phạm theo các Điều 117, Điều 331 trong Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) là rõ ràng, đúng người, đúng luật. Theo RFA, Điều 117 và Điều 331: “là mù mờ và thường dùng để bịt miệng những người dám lên tiếng chỉ trích chính quyền”, đồng thời viện dẫn nhiều đối tượng phạm tội, bị truy tố theo các tội danh quy định tại Điều 117, Điều 331, Bộ luật Hình sự để đánh lạc hướng dư luận, vu cáo Nhà nước Việt Nam sử dụng các điều luật này để bóp nghẹt quyền tự do dân chủ, các quyền căn bản của công dân đã được Hiến định.

Thực tiễn tại Việt Nam, không như những gì mà RFA phản ánh trong bài viết, ngày 11-10-2022, Việt Nam đã trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, là một trong những minh chứng cho thành quả đạt được trong bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và được cộng đồng quốc tế, đông đảo các tầng lớp nhân dân công nhận, là kết quả không thể phủ nhận. Bên cạnh đó, với sự kiên quyết xử lý tội phạm không có vùng cấm, Nhà nước Việt Nam đã xét xử các đối tượng Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư, Nguyễn Tường Thụy…về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117; bắt giữ Đặng Thị Hàn Ni (46 tuổi, nhà báo) để điều tra về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, theo Điều 331, Bộ luật Hình sự. Điều này, càng khẳng định ở Việt Nam không có tù chính trị, chỉ có những người vi phạm pháp luật bị bắt giữ.

Việc lợi dụng những vụ án để đòi bỏ điều luật này, điều luật kia dưới vỏ bọc dân chủ, nhân quyền chỉ là thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động nhằm gây rối, tạo sự bất ổn xã hội. Mọi người dân Việt Nam cần tin tưởng, chấp hành tốt pháp luật nhà nước và tích cực đấu tranh loại trừ những luận điệu cổ súy, kích động cho hành vi không tuân thủ, sai trái với Hiến pháp, luật pháp, chống đối Đảng, Nhà nước Việt Nam như RFA đã đăng tải, góp phần bảo vệ sự ổn định chính trị – xã hội, tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật trong công cuộc bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở nước ta  hiện nay.

Không có nhận xét nào: