Không thấy “bài học”, “kinh nghiệm” nào!?
Nhân đọc “Bài học nào, kinh nghiệm gì khi nghiên cứu con người Hồ Chí Minh?” của Quốc Phương trên “Rfavietnam”, thì thấy chẳng có “bài học”, “kinh nghiệm” nào từ lối tư duy trước sau bất nhất của những kẻ tiêu chuẩn kép cố tình kẻ tung, người hứng cho ra vẻ “khách quan”, bằng nguồn tư liệu nửa vời, không xác thực.
Tham nhũng đã và đang là “quốc nạn”, là “giặc nội xâm”
Tác giả Quốc Phương đã nhắc tới vụ án Trần Dụ Châu như một minh chứng điển hình trong xử án tham nhũng với quan điểm xử đúng, xử nghiêm thứ “giặc nội xâm” này để làm gương cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tiếc thay, khi đề cập đến chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay, tác giả Quốc Phương lại cố tình trích dẫn một cách có chủ đích lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để xuyên tạc công tác phòng, chống tham nhũng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, theo lối tư duy “theo tôi”, “theo quan điểm của tôi”.
Thực tế là, Đảng ta luôn khẳng định tham nhũng là “quốc nạn”, là “giặc nội xâm”, phải lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt vấn đề phòng, chống tham nhũng. Vì vậy, đã kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng với quyết tâm chính trị ngày càng cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn, với phương châm, “không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Phòng, chống tham nhũng là sự nghiệp của toàn dân đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Việc xử lý kỷ luật và xét xử các vụ án được nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào công tác phòng chống tham nhũng của Đảng.
Pháp trị và những con số “biết nói”
Nhà nước pháp quyền hay còn gọi là Pháp quyền, Pháp trị là một phát hiện vĩ đại của nhân loại, một phạm trù mang tính lịch sử, nó xuất hiện cùng với sự xuất hiện của nhà nước, không phải là sản phẩm đính kèm của nhà nước tư sản, không phải thuộc tính vốn có của nhà nước tư sản. Nhận thức rõ vấn đề, Đảng ta chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân; có ý nghĩa là pháp luật cai trị, nghĩa là không ai có thể đứng trên pháp luật, kể cả Nhà nước.
Trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng và sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý. Qua công tác thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỉ đồng, gần 76.000 ha đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Kết quả phòng, chống tham nhũng trên là những con số biết nó, góp phần thể hiện rõ pháp trị của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Không thể có bài học, kinh nghiệm nào?
Trong khi đặt ra yêu cầu “cần có tiếp cận lịch sử khách quan, trung thực khi nghiên cứu nhân vật lịch sử”, thì toàn bộ bài viết của tác giả Quốc Phương tổng thuật nội dung chia sẻ của nhà “nghiên cứu lịch sử” Lê Văn Sinh với RFA lại không thấy bóng dáng của cách tiếp cận “khách quan, trung thực”, những dữ liệu lịch sử đưa ra thì tiền – hậu bất nhất, Hồ Chí Minh lúc là “cố Chủ tịch Việt Nam Cộng hòa”, lúc sau lại trở thành “Chủ tịch Việt Nam”, sau lại là “Chủ tịch VNDCCH”. Với lối tư duy ấy thì các bạn cũng đừng đòi hỏi tác giả quá nhiều về những “bài học, kinh nghiệm” nào được rút ra ở đây cả. Có chăng chỉ là những “bài học, kinh nghiệm” quý báu là “cố gắng đừng lặp lại như họ”./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét