Thứ Tư, 7 tháng 6, 2023

NÂNG CAO SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA TỔ CHỨC CƠ SỞ ĐẢNG VÀ ĐẢNG VIÊN TRONG VIỆC BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

 

NÂNG CAO SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA TỔ CHỨC CƠ SỞ ĐẢNG VÀ ĐẢNG VIÊN TRONG VIỆC BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

 

Trong giai đoạn hiện nay, các thế lực thù địch chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng ta ngày càng tinh vi, phức tạp. Từ thực tế đó đặt ra yêu cầu là cần nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai, thù địch để định hướng công tác tư tưởng, bảo vệ tính khoa học, cách mạng, và đúng đắn của nền tảng tư tưởng của Đảng ta.

Nội dung sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng, bảo vệ nhân dân, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo vệ công cuộc đổi mới. Việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, là nhiệm vụ hàng đầu, thường xuyên trên cơ sở quán triệt sâu sắc, vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn Việt Nam.

Nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, cần gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, trong đó xây là cơ bản, chống phải quyết liệt, hiệu quả, phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật nhằm bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố và tăng cường niềm tin vào chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; giữ vững đoàn kết, thống nhất trong Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị, “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh toàn dân tộc; đẩy mạnh công cuộc đổi mới, bảo vệ tổ quốc, sớm đưa đất nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Nhận diện âm mưu, thủ đoạn, phương thức tấn công của các thế lực thù địch

Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần nhận diện rõ những âm mưu, thủ đoạn, phương thức, hình thức, các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị tấn công vào nền tảng tư tưởng, cương lĩnh đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ta, thể hiện trên những vấn đề sau:

Thứ nhất, các thế lực tấn công trực diện vào nền tảng tư tưởng của Đảng để phủ định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ định con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội. Các thế lực thù địch đẩy mạnh tuyên truyền, cổ xuý du nhập các trào lưu tư tưởng cực đoan: chủ nghĩa dân tuý, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa dân tộc cực đoan từ bên ngoài kết hợp với kích động chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa bè phái từ bên trong nhằm thúc đẩy “tự diễn biến” “tự chuyển hoá” trong hệ thống chính trị và xã hội.

Thứ hai, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng và thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa; cổ xuý “phi chính trị hoá” lực lượng vũ trang; phủ nhận kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đối lập kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa; quy kết chế độ hiện nay mắc “lỗi hệ thống”...

Thứ ba, xuyên tạc tình hình đất nước, rêu rao cái gọi là “khủng hoảng toàn diện”, “tình thế hiểm nghèo”; cường điệu, vu khống khoét sâu các vấn đề xã hội, tôn giáo, dân tộc, nhân quyền, đất đai… nhằm phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thứ tư, ngụy tạo, tô vẽ, thổi phồng những yếu kém, khuyết điểm của một số tổ chức, cá nhân cán bộ, đảng viên quy kết thành bản chất của Đảng cầm quyền, kích động đối lập Đảng, nhà nước với nhân dân.

Thứ năm, xâm nhập vào nội bộ của ta, tiếp cận, lôi kéo, mua chuộc nhằm phân hoá nội bộ, dựng “ngọn cờ” để tập hợp lực lượng. Đẩy mạnh tìm kiếm những phần tử thoái hoá biến chất trong hàng ngũ cán bộ Đảng viên để tán phát các quan điểm sai trái, phản động.

Thứ sáu, phá hoại đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá trong hội nhập quốc tế của Đảng ta với các chiêu bài như “bài”, “thoát” nước này, liên minh với nước kia, cổ xuý chủ nghĩa ly khai. Chúng triệt để lợi dụng các vấn đề chủ quyền biển đảo để tung tin thất thiệt làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Đảng và Nhà nước ta.

Nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ rất quan trọng, đóng góp vào quá trình xây dựng, phát triển của Đảng ta. Trong suốt quá trình phát triển đất nước, đặc biệt 5 năm qua, nhất là sau khi có Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị khóa XII về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, công việc này được triển khai bài bản, hệ thống, nhất quán và đặc biệt là rất quyết liệt từ Trung ương đến địa phương.

Thực tiễn cách mạng của Đảng ta chỉ rõ, ở bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, công tác tư tưởng, lý luận luôn đứng ở vị trí hàng đầu trong các mặt công tác của Đảng. Không thể có quyết định lãnh đạo đúng đắn để có thể hoạt động lãnh đạo hiệu quả nếu không có cơ sở lý luận đúng.

Trong bối cảnh mới của tình hình thế giới và khu vực, trên cơ sở nhận rõ âm mưu chiến lược, chiến thuật, thủ đoạn, chiêu trò, biện pháp, phương thức, phương tiện của các thế lực thù địch chống phá ta trên lĩnh vực tư tưởng - lý luận, Đảng ta đã xác định: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch là nhiệm vụ trọng yếu, có ý nghĩa sống còn trong bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Vai trò của các tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên

Trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, tiến đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, tổ chức cơ sở đảng có vị trí, vai trò ngày càng quan trọng.

Tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, tiến hành các hoạt động xây dựng nội bộ Đảng từ cơ sở; lãnh đạo các tổ chức của hệ thống chính trị, các tổ chức kinh tế, xã hội, lãnh đạo cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở; lãnh đạo các lĩnh vực của đời sống xã hội, đảm bảo cho các hoạt động ở cơ sở theo định hướng chính trị của Đảng. Với vị trí và vai trò đó, tổ chức cơ sở đảng và đảng viên trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới cần phải được thể hiện ở các nội dung sau:

Thứ nhất, triển khai thực hiện chủ trương của cấp ủy cấp trên về nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân.

Thứ hai, tổ chức quán triệt đến các tổ chức đảng trực thuộc và cán bộ, đảng viên chủ trương, kế hoạch, biện pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thủ địch.

Thứ ba, lãnh đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở, bảo đảm tổ chức đảng và hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh, thực hiện công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới tại cơ sở.

Thứ tư, thông qua vai trò của cán bộ, đảng viên, nhất là vai trò, trách nhiệm nêu gương của cấp ủy, người đứng đầu, tạo động lực và sự lan tỏa cho công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch tại cơ sở.

Thứ năm, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên để nhân rộng, phát triển những cách làm hay, những mô hình tiêu biểu, đồng thời kịp thời điều chỉnh, uốn nắn những cá nhân, tổ chức, đoàn thể thực hiện chưa tốt nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái ở cơ quan, đơn vị mình.

Qua việc kiểm tra, giám sát đó, kịp thời phát hiện những hạn chế, khuyết điểm của các cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ; tuyên dương, nhân rộng những cách làm hay, những mô hình sáng tạo, hiệu quả.

Nền tảng tư tưởng của Đảng là một bộ phận quan trọng, đồng thời cũng là nhân tố căn bản, cốt lõi, tạo cơ sở, tiền đề quyết định mọi hoạt động xây dựng, sinh hoạt và lãnh đạo của một Đảng. Do đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch là yêu cầu tất yếu để xây dựng và phát triển Đảng Cộng sản Việt Nam trong sạch, vững mạnh.

Không có nhận xét nào: