Thứ Ba, 27 tháng 6, 2023

NHỮNG CÔ GÁI TRƯỜNG SƠN TRONG BỤI NHÒA TRỜI LỬA

 

NHỮNG CÔ GÁI TRƯỜNG SƠN TRONG BỤI NHÒA TRỜI LỬA

 Mỗi khi giai điệu bài hát 'Lá đỏ' cất lên, trước mắt người nghe như hiện ra bức tranh tuyệt đẹp về Trường Sơn thời chiến. Trường Sơn nhuốm trong sắc đỏ của rừng cây ào ào lá rụng, với bụi cuốn tung trời sau bước tiến quân dồn dập và khói lửa của đạn bom.

Trong bức tranh dữ dội, được tạo hóa phóng bút bằng những gam màu mạnh ấy, nổi bật lên em – người con gái bé nhỏ mà kiên cường nơi kề đầu tuyến lửa. Sự xuất hiện của em khiến bài hát bắt đầu bằng đoạn nhạc hào hùng bỗng đột ngột thiết tha, xao xuyến. Em, có thể là nữ giao liên hay cô thanh niên xung phong, giản dị với “vai áo bạc, quàng súng trường”, đã làm mềm đi sự khốc liệt vốn có của chiến tranh trong lòng người ra trận.
Em đứng đó, ở bên đường hành quân, bình dị, thân thương như quê hương. Em bé nhỏ nhưng không hề yếu đuối. Sự có mặt của em như một lời khẳng định về cuộc chiến đấu của toàn dân. Lẽ ra em, một người con gái trẻ trung, mảnh mai, phải được sống trong cảnh yên bình chứ không phải với súng trên vai. Nhưng vì Tổ quốc thiêng liêng, em phải đứng lên, góp sức mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc…
Em có mặt, lòng người ra trận mềm đi, nhưng không vì thế mà họ trở nên yếu đuối. Sự dịu dàng, thân thuộc của em đã tiếp thêm sức mạnh cho chiến sĩ, để “đoàn quân vẫn đi vội vã” một cách hào hùng. Đến đây, những nốt nhạc lại trở nên dồn dập, khí thế, rồi ngân nga bằng điệp khúc tươi vui: “Chào em, em gái tiền phương, ơi em gái tiền phương. Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn!”. Lời hẹn gặp là lời hứa quyết tâm chiến thắng và cũng là niềm tin chiến thắng. Bước chân hùng dũng của người ra tiền tuyến mạnh mẽ hơn, dồn dập hơn là nhờ được tiếp sức từ sự dịu dàng mà kiên nghị, sự mềm mại mà ý chí, sự bình dị mà vĩ đại của người con gái Trường Sơn.
Bài thơ Lá Đỏ được Nguyễn Đình Thi sáng tác vào cuối năm 1974 khi ông vượt Trường Sơn vào miền Nam và được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc sau đó không lâu. So với nguyên tác, ca từ của bài hát Lá Đỏ không khác là mấy. Dường như vừa cầm lấy bài thơ, từng nốt nhạc khi hào hùng, khi thiết tha đã vang ngay lên trong nhạc sĩ Hoàng Hiệp. Có lẽ bởi bài thơ của Nguyễn Đình Thi vốn không chỉ giàu chất họa mà còn đầy tính nhạc, khiến nhạc sĩ dễ dàng đồng cảm và thăng hoa…
Ca khúc hay một phần nhờ lời thơ đẹp và giàu sức gợi, còn bài thơ cũng bởi có nhạc mà trở nên gần gũi, dễ tiếp cận hơn với mọi người. Để rồi, mỗi khi Lá Đỏ cất lên, hình ảnh những cô gái Trường Sơn giữa rừng cây ào ào lá đỏ và đoàn quân bước đi vội vã giữa bụi nhòa trời lửa lại thắp lên trong mỗi người niềm tin yêu, lòng tự hào về quê hương đất nước… Đến giờ, mỗi khi nhắc đến về hình ảnh người phụ nữ ở Trường Sơn trong những tháng năm lửa đạn, vẫn không một tác phẩm nghệ thuật nào vượt qua được ca khúc Lá Đỏ.
LÁ ĐỎ
Gặp em trên cao lộng gió
Rừng lạ ào ào lá đỏ
Em đứng bên đường, như quê hương
Vai áo bạc, quàng súng trường
Đoàn quân vẫn đi vội vã
Bụi Trường Sơn nhoà trời lửa
Chào em, em gái tiền phương
Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn./.

Không có nhận xét nào: