Thứ Tư, 7 tháng 6, 2023

Phản bác luận điệu xuyên tạc về dân chủ ở Việt Nam của Quang Nguyên

 

Phản bác luận điệu xuyên tạc về dân chủ ở Việt Nam của Quang Nguyên


Lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền và bằng nhiều thủ đoạn thâm hiểm, các thế lực thù địch đang đẩy mạnh các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta. Chúng xuyên tạc rằng: chế độ chính trị một đảng cầm quyền ở Việt Nam là độc tài, chuyên quyền, mất dân chủ, cản trở sự phát triển của đất nước. Mới đây, Quang Nguyên đã đăng tải bài viết “Độc đảng cai trị không thể tạo nên một hệ thống chính trị trong sạch”, nhằm xuyên tạc nền dân chủ ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Quang Nguyên đã bóp méo, suy diễn một cách vô căn cứ khi cho rằng: “Đảng cầm quyền có độc quyền về quyền lực và có thể đàn áp phe đối lập”; “độc đảng thường dẫn đến chủ nghĩa độc đoán và đàn áp bất đồng chính kiến, dẫn đến vi phạm nhân quyền và các nguyên tắc dân chủ”. Từ đó, Quang Nguyên đã hàm hồ quy kết rằng, ở quốc gia chỉ có một đảng duy nhất lãnh đạo như Việt Nam thì không thể có dân chủ. Do vậy, theo Quang Nguyên, từ bỏ độc quyền lãnh đạo là vấn đề căn bản vì đó là then chốt của chế độ dân chủ; muốn dân chủ phải thực hiện chế độ đa nguyên, đa đảng.

Càn khẳng định rằng, những luận điệu trên của Quang Nguyên là phản khoa học, bởi nó cố tình đánh đồng giữa vấn đề đa nguyên, đa đảng với dân chủ và phát triển. Mục đích thâm hiểm của Quang Nguyên không có gì khác là nhằm cổ xúy cho việc ra đời và công khai hóa, hợp pháp hóa các tổ chức chính trị đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam, tiến tới xóa bỏ vai trò cầm quyền và lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam; xóa bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Cả lý luận và thực tiễn đều khẳng định, dân chủ được bảo đảm và phát huy sâu rộng trong chế độ một Đảng duy nhất cầm quyền ở Việt Nam. Quang Nguyên hoàn toàn sai lầm khi nhận thức rằng, một đảng lãnh đạo thì đồng nghĩa với mất dân chủ, “hạn chế sự đa dạng về quan điểm và tư tưởng”. Để xem xét, đánh giá một quốc gia có dân chủ hay không phải có quan điểm toàn diện, phải căn cứ vào nhiều yếu tố, cả khách quan lẫn chủ quan. Các yếu tố ấy có thể phụ thuộc bản chất của chế độ xã hội đó, bản chất của các đảng cũng như lợi ích xã hội có được bảo đảm hay không. Do đó, dân chủ và trình độ phát triển của các nước không tỷ lệ thuận với sự gia tăng về số lượng của các đảng tham gia lãnh đạo. Thực tiễn nhiều quốc gia chỉ có một đảng cầm quyền nhưng vẫn bảo đảm dân chủ, đời sống nhân dân vẫn ấm no, hạnh phúc, kinh tế – xã hội ổn định. Trong khi đó, một số quốc gia có nhiều đảng nhưng vẫn mất dân chủ, tình hình trật tự bị rối loạn. Đó chính là biểu hiện sinh động khẳng định, đa đảng không phải là cứu cánh và quyết định bản chất dân chủ của một quốc gia; đa đảng cũng không phải là phương cách duy nhất tạo ra “nhiều cơ hội để các ý kiến và ý tưởng đa dạng được lắng nghe và cân nhắc” như lời Quang Nguyên đã rêu rao.

Trải qua hơn 93 năm ra đời và lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định được vị thế, vai trò không thể thay thế đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Với mô hình nhất nguyên chính trị, Đảng đã lãnh đạo toàn dân tộc đạt được nhiều thành tựu to lớn: kinh tế không ngừng phát triển; đời sống chính trị – xã hội ổn định; chế độ dân chủ ngày càng được đề cao, được bảo đảm và thực hành rộng rãi, thực chất; quyền và lợi ích hợp pháp của đông đảo nhân dân được tôn trọng và bảo vệ; nhân dân Việt Nam đã trở thành người chủ thực sự của đất nước. Đặc biệt, sau hơn 36 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, thể chế, thiết chế và thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa có những bước tiến quan trọng; xây dựng và ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; ý thức dân chủ của công dân và của xã hội, trình độ và năng lực làm chủ của nhân dân từng bước được nâng lên.

Thực tiễn trên thế giới, trong hệ thống chính trị đa đảng, tại một giai đoạn chính trị nhất định cũng chỉ có một đảng thực chất cầm quyền. Ngay cả trường hợp liên minh đảng cầm quyền để thành lập chính phủ, đảng nào chiếm số ghế nhiều hơn trong nghị viện sẽ có quyền quyết định các chính sách phát triển (chẳng hạn như ở Đức). Ở một số quốc gia khác (điển hình như ở Mỹ), mặc dù có nhiều đảng nhưng chỉ có hai đảng luân phiên cầm quyền là Đảng Cộng hoà và Đảng Dân chủ. Những đảng này đại diện cho giai cấp tư sản thì tất yếu phải hướng đến phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản chứ không thể là một “chính quyền của tất cả mọi người” như các nhà lý luận của họ đã và đang thêu dệt.

Những thành tựu to lớn về mọi mặt, nhất là về vấn đề dân chủ ở Việt Nam trong những năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng là minh chứng rõ ràng, khẳng định bản chất của một nền dân chủ không phụ thuộc vào chế độ đa đảng hay một đảng. Đối với Việt Nam dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, nền dân chủ không những không bị mất đi, không bị hạn chế mà còn được bảo đảm, được phát huy sâu rộng trong thực tế./.

Không có nhận xét nào: