Phản bác ý kiến cho rằng Việt Nam chưa đảm bảo được tự do tôn giáo
Ngày 15/5/2023, Bộ Ngoại giao Hoa kỳ đưa ra cái gọi là Báo cáo Tự do tôn giáo quốc tế năm 2020; trong đó, phần về Việt Nam, bên cạnh việc đề cập đến những nỗ lực của Việt Nam trong việc đảm bảo và thúc đẩy đời sống tôn giáo, tín ngưỡng, thì bản Báo cáo vẫn đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam. Lợi dụng nhận định thiếu khách quan trong bản Báo cáo này, một số tổ chức phản động ra sức tuyên truyền xuyên tạc sai sự thật về bảo đảm tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhằm chống phá, hạ thấp vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo |
Nhằm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, ngay từ Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (năm 1946) và các bản Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau này đều luôn khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong các quyền cơ bản của con người. Hiến pháp 2013 quy định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của mọi người. Nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 và phù hợp với đời sống thực tiễn hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18/11/2016. Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP, ngày 30/12/2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Trên thực tế, quyền tự do, tín ngưỡng quy định trong pháp luật đã được thực thi đầy đủ. Bằng chứng là đến nay, Nhà nước Việt Nam đã công nhận 36 tổ chức tôn giáo, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho 4 tổ chức và 1 pháp môn tu hành thuộc 16 tôn giáo. Hiện cả nước có trên 26,5 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm 27% dân số cả nước), hơn 54.000 chức sắc, 135.000 chức việc và 29.658 cơ sở thờ tự; hàng ngàn nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung, trong đó có các nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Đặc biệt, những ngày này, đại lễ Phật đản – Phật lịch 2567 đã được tổ chức trang trọng ở khắp các cơ sở Phật giáo trên cả nước. Dịp này, Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có Thông điệp kêu gọi tất cả tăng ni, phật tử hãy cùng nhau dấn thân hơn nữa trên con đường thực hành Bồ-tát hạnh. Mỗi tăng ni, phật tử các giới ra sức làm các thiện sự, tích cực góp phần xây dựng đất nước, kiến tạo hòa bình tự thân để kết nên một đài sen cúng dường Đức Thế Tôn trong mùa Phật đản năm nay. Không chỉ với mùa Phật đản, dịp lễ Giáng sinh hằng năm cũng trở thành một dịp lễ hội của rất nhiều người chung vui với đồng bào Công giáo. Với đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn, lễ hội Katê còn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tháng lễ Ramadan của đồng bào Chăm theo đạo Hồi cũng được cộng đồng tôn trọng, các cấp chính quyền tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào thực hành nghi lễ, v.v. Đó là những hoạt động tôn giáo đa dạng, phong phú đã và đang diễn ra bình thường trên lãnh thổ Việt Nam. Những điểm chung của các hoạt động tôn giáo đó là phù hợp với văn hóa truyền thống của dân tộc, đáp ứng được nhu cầu đời sống tín ngưỡng tinh thần trong cộng đồng và được pháp luật bảo hộ. Bức tranh sinh động trên cho thấy: các tôn giáo đã được tạo điều kiện tối đa để phát triển đáp ứng nhu cầu của các tín đồ.
Song cần phải phân biệt rõ những hội nhóm, tổ chức nhân danh tôn giáo để hoạt động trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống của dân tộc, xâm phạm lợi ích Nhà nước, cộng đồng và các cá nhân nên không được pháp luật công nhận. Có thể kể đến như tà đạo Hà Mòn ở một số tỉnh Tây Nguyên, tà đạo Giê Sùa, bà cô Dợ ở một số tỉnh Tây Bắc, v.v. Các đối tượng chủ chốt của các tà đạo này tuyên truyền chủ yếu những nội dung mê tín dị đoan, đả kích các tôn giáo chính thống, chê bai phong tục truyền thống của đồng bào, tuyên truyền về ngày tận thế, kích động li khai tự trị,… nên cần phải xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Đó là việc làm hết sức bình thường và cần thiết trong việc quản lý các tôn giáo bằng pháp luật và xử lý những hành vi lợi dụng tôn giáo để vi phạm pháp luật không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Ví dụ như: mới đây, tại Kenya, chính quyền đã bắt giữ 26 nghi phạm liên quan đến giáo phái “tuyệt thực”, xúi giục các tín đồ bỏ đói con cái và nhịn ăn để có thể lên thiên đường trước ngày tận thế. Giới chức đã tìm thấy 201 thi thể và số người được báo cáo mất tích là 610 người.
Bởi vậy, những ý kiến cho rằng Việt Nam chưa đảm bảo được tự do tôn giáo chỉ có thể là cố tình xuyên tạc hoặc chưa có thông tin đầy đủ; cần đấu tranh bác bỏ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét