Trong những ngày vừa qua, dư luận hết sức quan tâm đến vụ việc một nhóm đối tượng có vũ khí tấn công trụ sở Công an xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur trên địa bàn huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, gây thương vong một số chiến sỹ công an xã, cán bộ xã và người dân. Nhân dân cả nước rất phẫn nộ về hành vi vi phạm pháp luật của nhóm đối tượng này. Tuy nhiên, các trang mạng phản động đã tán phát nhiều nội dung xuyên tạc về vùng đất Tây Nguyên, nhất là vấn đề dân tộc, tôn giáo. Bài viết “Vấn đề tôn giáo tại Tây Nguyên: Chính quyền càng can thiệp thô bạo càng không có lối thoát” của Văn Tâm trên trang “Luatkhoa” là một trong số đó.
Văn Tâm cho rằng, người dân Tây Nguyên “không bao giờ xem mình là người Việt” nên “không chấp nhận sự kiểm soát của người Kinh”, đặc biệt về vấn đề dân tộc, tôn giáo. Chính vì thế mà chính quyền luôn “kỳ thị tôn giáo”, tìm cách “ngăn cấm”, “trấn áp”, “đàn áp”, “không ngần ngại bắt bớ sai, tra tấn nhầm bất cứ ai liên quan đến tôn giáo hay tụ tập người dân nói về các vấn đề xã hội” (FULRO, Tin Lành Đềga, Hà Mòn, Hội thánh Tin Lành Đấng Christ …). Đây là những luận điệu vô căn cứ, xuyên tạc lịch sử về người dân Tây Nguyên, hướng lái dư luận nhận thức sai lệch về vấn đề dân tộc, tôn giáo ở vùng đất này.
Thứ nhất, Tây nguyên là “máu thịt”, không thể tách rời của Việt Nam.
Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, là “phên giậu” phía Tây của Tổ quốc, “nóc nhà của Đông Dương”, nằm ở ngã ba biên giới giữa Việt Nam – Lào – Campuchia. Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, diện tích tự nhiên 54.548km2, chiếm 1/6 diện tích của cả nước với khí hậu, thổ nhưỡng và tài nguyên, khoáng sản đặc hữu hiếm có. Đây là nơi sinh sống của gần 6 triệu người, trong đó có 52 dân tộc thiểu số với gần 2,2 triệu người. Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên có truyền thống đoàn kết, đấu tranh cách mạng kiên cường; có nền văn hóa dân tộc vừa đa dạng, phong phú, vừa có nhiều nét đặc sắc riêng.
Thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị (khóa IX, XI) về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên, các địa phương trong vùng nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của vùng. Đặc biệt, hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, giúp cải thiện đáng kể sự kết nối giữa các tỉnh trong vùng, giữa vùng với cả nước. Quy mô kinh tế được mở rộng, năm 2020 đạt khoảng 287 nghìn tỷ đồng, gấp khoảng 14 lần năm 2002. GRDP bình quân giai đoạn 2002 – 2020 là 7,98%, tốc độ tăng GRDP và các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ của Tây Nguyên đều cao nhất trong các vùng. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 48,08 triệu đồng, gấp 10,6 lần năm 2002. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp đạt 12,79%, cao hơn bình quân cả nước (11,54%). Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất nông sản lớn gồm: Cà phê, cao su, chè, hồ tiêu, bông, dược liệu, cây ăn quả, nguyên liệu giấy… với nhiều mặt hàng xuất khẩu chiếm tỉ trọng cao của cả nước. Dịch vụ, du lịch vùng có bước phát triển khá, đang trở thành vùng du lịch sinh thái – văn hóa có sức hấp dẫn. Giá trị văn hóa truyền thống được phát huy; công tác giảm nghèo từng bước được cải thiện, tỉ lệ hộ nghèo giảm khá; quốc phòng, an ninh vùng được giữ vững; công tác xây dựng Đảng được quan tâm; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên được nâng lên; chất lượng hoạt động của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội tốt hơn, niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước được củng cố và tăng cường.
Thực tiễn đó đã bác bỏ mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, hòng chia rẽ, “ly khai”, “tự trị”, chia rẽ đồng bào các dân tộc Tây Nguyên với cộng đồng các dân tộc Việt Nam, xuyên tạc, phủ nhận mối quan hệ “máu thịt”, những đóng góp to lớn của vùng đất này với dân tộc.
Thứ hai, âm mưu, hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo ở Tây Nguyên để chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động.
Địa bàn Tây Nguyên là một trong những trọng điểm các thế lực thù địch, phản động tập trung chống phá. Chúng đã và đang tiến hành nhiều thủ đoạn hoạt động chống phá rất thâm độc và xảo quyệt, vừa công khai, vừa bí mật, cả trực tiếp và gián tiếp, hết sức ráo riết đối với Tây Nguyên. Đó là: Thực hiện chính sách “chia để trị”, đòi thành lập “Nhà nước Đêga” độc lập; Vu cáo, xuyên tạc, bóp méo tình hình dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền ở nước ta, kích động đồng bào chống đối chính quyền; Lợi dụng chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta để tuyên truyền, phát triển đạo trái pháp luật, nhất là đạo “Tin lành Đêga” nhằm “tôn giáo hóa” các vùng dân tộc; Lợi dụng hoạt động từ thiện, nhân đạo, đầu tư phát triển kinh tế xâm nhập vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên truyền, xây dựng lực lượng, hỗ trợ, chỉ đạo các hoạt động chống phá, gây mất ổn định, tạo cớ can thiệp; Tuyên truyền, xuyên tạc những vấn đề lịch sử để lại để chia rẽ đồng bào các dân tộc thiểu số với người Kinh; Tìm cách mua chuộc, lôi kéo những người có uy tín trong cộng đồng các tôn giáo, đồng bào các dân tộc thiểu số; cài cắm người vào hệ thống chính trị các cấp của ta để chống phá; Triệt để sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại, Internet và mạng xã hội để liên lạc, chỉ đạo trực tiếp, tuyên truyền, lôi kéo, kích động đồng bào, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Âm mưu, thù đoạn đó đã bị bóc trần, những tổ chức, cá nhân lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị, cuộc sống bình thường của người dân đều bị dư luận lên án, pháp luật xử lý nghiêm minh.
Như vậy, bài viết “Vấn đề tôn giáo tại Tây Nguyên: Chính quyền càng can thiệp thô bạo càng không có lối thoát” nhằm xuyên tạc, hướng lái dư luận nhận thức sai lệch về Tây Nguyên nói chung, vấn đề dân tộc, tôn giáo nói riêng, là âm mưu, hoạt động thâm độc của các thế lực thù địch, phản động chống phá Việt Nam, chúng ta cần vạch trần và đấu tranh bác bỏ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét