Thứ Ba, 27 tháng 6, 2023

Xử lý nghiêm minh, loại trừ cái ác

 

Vụ tấn công ở Đắk Lắk hôm 11/6 diễn ra cùng hành vi tội ác man rợ, mất nhân tính, rất đáng lên án, cần được đấu tranh, xử lý nghiêm minh để loại trừ cái xấu, cái ác ra khỏi đời sống cộng đồng.


Hiện trường vụ tấn công trụ sở UBND xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Dư luận đã bàng hoàng khi biết tin vào rạng 11/6, các nhóm đối tượng sử dụng vũ khí tấn công manh động vào trụ sở UBND hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur thuộc huyện Cư Kuin. Tới nay, toàn bộ đối tượng cầm đầu và hầu hết các đối tượng tham gia trực tiếp vụ tấn công nêu trên đã bị bắt giữ. Bước đầu, cơ quan điều tra đã ra quyết định tạm giữ hình sự hơn 60 đối tượng và tiếp tục củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án.

Tại trụ sở điều tra, nghi phạm tên là Y Chanh Niê khai rằng kẻ chủ mưu “hứa hẹn cho mình cuộc sống ấm no, giàu sang”, bảo “cứ thấy người là giết, là xả súng”. Nghi phạm tên là Y Măn Miô thì cho biết người cầm đầu ra lệnh “người dân không nghe theo ý mình là đâm”. Hệ quả từ những hành vi tội ác man rợ, mất nhân tính của chúng là tám đồng chí cán bộ xã, công an xã đã hi sinh và bị thương, đồng thời cướp đi tính mạng của ba người dân trên địa bàn.

Chưa tính tới yếu tố vi phạm pháp luật nghiêm trọng, việc lấy đi tính mạng của người khác, để con cái họ phải sớm thắt lên đầu vành tang trắng nhằm giúp bản thân có được cuộc sống sung sướng hơn là rất đáng lên án và cần phải trừng trị nghiêm khắc. Dù pháp luật có những quy định khoan hồng với những kẻ nhận thức được hành vi sai trái, ra đầu thú và ăn năn hối cải, nhưng chúng chắc chắn sẽ không thoát khỏi toà án lương tâm. Đây là hình phạt nghiêm khắc nhất mà con người có lương tri phải đối diện. Hình phạt ấy không có không gian, thời gian, nhưng tâm can thì nhức nhối cả đời, tiếng xấu thì để lại muôn đời.

Bên cạnh đó, vụ tấn công ở Đắk Lắk, theo đánh giá bước đầu, nguyên nhân là do âm mưu của các thế lực thù địch, một số đối tượng Fulro lưu vong kích động một số người dân tộc thiểu số chia rẽ người Kinh với dân tộc thiểu số gây mất trật tự và gây tiếng vang ở nước ngoài. Dù lực lượng Công an đang tiếp tục điều tra, làm rõ vấn đề này, nhưng thực tế cho thấy Tây Nguyên có vị trí địa chính trị quan trọng về nhiều mặt, lại là địa bàn có đầy đủ 54 dân tộc sinh sống, nhiều tôn giáo đang hoạt động, có yếu tố biên giới. Cho nên, các thế lực thù địch luôn tìm cách phá hoại, gây mất ổn định chính trị xã hội ở đây, bao gồm việc lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để xuyên tạc, kích động nhằm chống phá chính quyền.


Người dân trở lại sinh hoạt thường nhật sau sự việc nhóm đối tượng dùng súng, dao tấn công trụ sở UBND xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Quang Thái/TTXVN

Gần đây, các thế lực thù địch có chiều hướng chú trọng dùng “chất xúc tác” mới là lợi dụng việc khiếu kiện của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên về cưỡng chế đất đai tại một số huyện như Ea Súp, Cư Mgar… đưa tin vu cáo chính quyền Việt Nam cướp đất, tước “nhân quyền” của người dân tộc thiểu số. Nhưng phải khẳng định rằng đất bị thu hồi có nguồn gốc từ phá rừng, thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp và việc chính quyền, các cơ quan nhà nước thực hiện việc thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi đất là đúng theo quy định của pháp luật hiện hành.

Dẫu vậy, do không đủ trình độ và thiếu hiểu biết pháp lý, một số người dân đã bị dụ dỗ, tham gia hoạt động phản đối các quyết định cưỡng chế, thu hồi; yêu sách đòi chính quyền nếu thu hồi, phải bố trí đất tái định cư, đất sản xuất và bồi thường tài sản thỏa đáng hoặc cương quyết không trả đất cho chính quyền; thậm chí còn thực hiện các hành động hủy hoại tài sản của Nhà nước gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Sau đó, dưới lăng kính của các thế lực thù địch thì câu chuyện khiếu kiện đất đai thông thường trở nên méo mó, biến dạng, thay đổi bản chất, trở thành “vấn đề nóng”, đó là chính quyền đàn áp, vi phạm quyền tự do tôn giáo, nhân quyền của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Đây là những biến tướng mang màu sắc chính trị, cần phải hết sức cảnh giác.

Đối với vụ tấn công ở Đắk Lắk ngày 11/6, các tài liệu, vật chứng đã chứng minh rõ vụ việc được thực hiện bởi một nhóm có tổ chức, bàn bạc, phân công cụ thể với nhiều hoạt động, hành vi đặc biệt nguy hiểm. Do đó, sau khi điều tra làm rõ, các cơ quan chức năng cần trừng trị nghiêm khắc những kẻ cầm đầu, những kẻ xúi giục người dân thiếu hiểu biết thực hiện hành vi tội ác, đi ngược lại lợi ích của dân tộc.

Năm 2018 từng xảy ra vụ án xâm phạm an ninh quốc gia do tổ chức phản động “Triều đại Việt” thực hiện. Các đối tượng đã đến trụ sở công an phường 12, quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) đặt hai trái nổ rồi dùng điều khiển đứng từ xa kích hoạt. Vụ nổ làm hai cán bộ công an phường 12 bị thương, tổng giá trị tài sản bị thiệt hại là hơn 380 triệu đồng. Sau đó, các đối tượng đều phải lãnh án tù thích đáng về các tội “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”, “chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép vật liệu nổ”. Ngoài ra, mỗi bị cáo còn chịu hình phạt bổ sung quản chế từ 3 – 5 năm sau khi mãn hạn tù.


Hội viên, phụ nữ xã Ea Ktur nấu cơm hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN

Trở lại vụ tấn công ở Đắk Lắk ngày 11/6, một bản án nghiêm khắc nhất dành cho những kẻ thủ ác nhằm vào chính đồng bào mình bằng các hành vi man rợ, mất nhân tính là điều mà dư luận hoan nghênh. Bởi những gì chúng làm không chỉ coi thường pháp luật, mà còn làm xáo trộn cuộc sống bình yên nơi buôn làng, gây rối trật tự xã hội, chà đạp nên tình đoàn kết giữa các dân tộc, xâm phạm an ninh quốc gia. Nhưng nếu được chứng kiến hình ảnh thanh niên, bô lão chỉ có gậy gộc thô sơ vẫn luôn sẵn sàng tham gia truy bắt các đối tượng; các chị, các mẹ nấu cơm tiếp sức cho các tổ chốt chặn và lực lượng chức năng; người dân kêu gọi, hỗ trợ gia đình cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh có hoàn cảnh khó khăn… chúng sẽ hiểu rằng Tây Nguyên không chỉ là một địa danh, mà Tây Nguyên còn là máu thịt của đất nước.

Ở nơi là “phên giậu” phía Tây của Tổ quốc ấy, như trong thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku năm 1946, “đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, JRai hay Ê Đê, Sê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là anh em ruột thịt… Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau… Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”./.

Không có nhận xét nào: