Thứ Hai, 31 tháng 7, 2023

Bác bỏ luận điệu lợi dụng hạn chế, yếu kém của cán bộ, đảng viên để chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam

 

Bác bỏ luận điệu lợi dụng hạn chế, yếu kém của cán bộ, đảng viên để chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam


Trong lúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tập trung phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội xây dựng đất nước phồn vinh trong thời kỳ mới, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị tiếp tục điên cuồng chống phá. Chúng lợi dụng sự yếu kém về nhận thức chính trị, vi phạm khuyết điểm của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong thời gian qua để vơ đũa cả nắm, xuyên tạc “Đội ngũ cán bộ, đảng viên toàn là những con sâu mọt, tha hóa, suy thoái, tham nhũng”. Đây là luận điệu sai trái, hết sức phản động của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, nên chúng ta cần phải cảnh giác và kiên quyết đấu tranh bác bỏ.

Thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm vừa qua, Đảng ta đã luôn quan tâm đến vấn đề giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của từng thời kỳ. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng lần đầu tiên khẳng định “xây dựng, chỉnh đốn Đảng về cán bộ” với tư cách là một trong năm nội dung của công tác xây dựng Đảng, bên cạnh các mặt: chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên đã có những chuyển biến tích cực. Sau hơn 35 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, “cán bộ, đảng viên là nhân tố quyết định thành bại của cách mạng”, bởi lẽ những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại đã có sự hy sinh quên mình và đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Trong giai đoạn hiện nay, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và những khó khăn, tiêu cực trong nước, đại bộ phận cán bộ, đảng viên đã thể hiện quan điểm vững vàng, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, nghiêm túc thực hiện Cương lĩnh, Điều lệ và nghị quyết của Đảng; nêu cao tinh thần trách nhiệm và vai trò lãnh đạo quần chúng; giữ gìn đạo đức, phẩm chất cách mạng, sống mẫu mực, đoàn kết, thống nhất, quan hệ mật thiết, gắn bó với quần chúng nhân dân, luôn nghiêm khắc với chính mình tạo ra sự đồng thuận trong xã hội; luôn tu dưỡng, rèn luyện mọi lúc, mọi nơi, được nhân dân tin tưởng.

Tuy nhiên, trong quá trình công tác còn một số cán bộ, đảng viên đã mang nặng chủ nghĩa cá nhân, thủ đoạn, bè cánh, thiếu liêm, chính, chí công, vô tư, lợi dụng vị trí, chức vụ để tham ô, đục khoét, tham nhũng, ăn cắp của công; hạch sách, nhũng nhiễu cấp dưới và nhân dân, gây mất đoàn kết nội bộ. Những vụ án lớn vừa qua cho thấy, những cán bộ, đảng viên sai phạm phần lớn đều do thiếu tu dưỡng, rèn luyện, đặc biệt là thiếu bản lĩnh chính trị, không vượt qua được những cám dỗ của lợi ích vật chất và danh vọng; dễ ngả nghiêng, dao động, mất niềm tin, mất phương hướng chính trị, tha hoá về đạo đức, lối sống.

Song, đây chỉ là thiểu số và đã được nhận diện, xác định là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng đấu tranh, thanh lọc; coi đây là một trong những nhiệm vụ sống còn về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước hiện nay. Do đó, chúng ta tin tưởng rằng, với sự quyết liệt, đấu tranh không ngừng nghỉ trên tinh thần mà Tổng Bí thư đã khơi dậy: “Tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”; sự tham gia, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của toàn dân và toàn xã hội; cùng với sự kiên quyết, kiên trì, liên tục, không nóng vội, không chủ quan, với những bước đi vững chắc, tích cực và có trọng tâm, trọng điểm, đấu tranh không khoan nhượng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” cảu Đảng và Nhà nước ta chắc chắn đã, đang và sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực, ngày càng được các tầng lớp nhân dân đồng lòng ủng, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Đồng thời, chúng ta cũng cần thực sự tỉnh táo, sáng suốt, thấy rõ về sự suy thoái, tham nhũng, tiêu cực của một số cán bộ, đảng viên hiện nay chỉ là thiểu số, nhất thời; kiên quyết không để các thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền, xuyên tạc, bịa đặt để thực hiện các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và chế đô xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Vạch trần hành động đội lốt “nhân quyền” để tung hô, cổ xúy cho đối tượng vi phạm pháp luật của Phil Robertson

 

Vạch trần hành động đội lốt “nhân quyền” để tung hô, cổ xúy cho đối tượng vi phạm pháp luật của Phil Robertson

     Ngày 13/7, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã xét xử và tuyên án phúc thẩm đối với Trương Văn Dũng (sinh năm 1958, trú tại số 69, ngõ 73, Nguyễn Lương Bằng, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội) về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo quy định tại Điều 88, Bộ luật Hình sự.

Ngay sau đó, trên VOA Tiếng Việt đăng status trích phát biểu của ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban châu Á của cái gọi là Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW – Human Rights Watch) nói rằng: “Ông Trương Văn Dũng đã dũng cảm đứng lên đấu tranh chống suy thoái môi trường, chống chiếm đoạt đất đai và tham nhũng, đáng được tuyên dương chứ không phải bị bỏ tù”! Ngoài ra, trên một số trang web phản động ở nước ngoài, ông Phil Robertson còn có những phát biểu bày tỏ rõ quan điểm bênh vực, bao che, cố xúy hành động sai trái và đòi trả tự do cho Trương Văn Dũng. Trong khi đó trên thực tế, hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận để tuyên truyền, chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Trương Văn Dũng là rất rõ ràng.

Về hành vi của Dũng: từ tháng 10/2015 đến tháng 5/2022, thông qua trả lời chương trình “Từ cánh đồng mây” tại một file video và một file audio, Trương Văn Dũng có hành vi tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; tuyên truyền những luận điệu “chiến tranh tâm lý”, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân thông qua các bài phỏng vấn, video, clip đăng tải trên mạng xã hội. Dũngcòn có hành vi tàng trữ tài liệu dạng sách với tiêu đề “Những mảnh đời sau song sắt” và 11 tài liệu dạng sách với tiêu đề “Chính trị bình dân” có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, tuyên truyền thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, v.v. Cùng với đó, Dũng còn có 31 băng rôn, biểu ngữ in trên vải bạt và 11 tài liệu in trên giấy với nhiều kích thước khác nhau có nội dung chống Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Sau khi xem xét, đánh giá tài liệu, chứng cứ thu thập được và lời khai tại phiên tòa, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã tuyên Trương Văn Dũng y án sơ thẩm “6 năm tù về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Mọi tình tiết liên quan đến vụ án đã rõ như ban ngày, thế nhưng thật là nực cười, trong con mắt của ông Phil Robertson, Trương Văn Dũng lại được cổ xúy là: “đã dũng cảm đứng lên đấu tranh chống suy thoái môi trường, chống chiếm đoạt đất đai và tham nhũng, đáng được tuyên dương chứ không phải bị bỏ tù”.

Không chỉ ở Việt Nam mà mọi quốc gia trên thế giới đều tôn trọng quyền tự do dân chủ của công dân trong khuôn khổ luật pháp. Ví dụ như: Điều 18, Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Đức ghi rõ: “Ai lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, đặc biệt là tự do báo chí, tự do tuyên truyền… làm công cụ chống lại trật tự của xã hội tự do dân chủ sẽ bị tước bỏ quyền công dân”. Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền khẳng định: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm… bày tỏ qua mọi phương tiện truyền thông”. Tuy nhiên, tại Điều 29 của văn bản này cũng khẳng định: “Trong việc hành xử nhân quyền và thụ hưởng tự do, mọi người phải chịu những hạn chế do luật định,… nhằm thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng về luân lý, trật tự công cộng và nền an sinh chung”. Nguyên Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Ban Ki-moon cũng từng khẳng định: “Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí,… chỉ được bảo vệ khi nó được dùng vào các mục đích công lý và phục vụ cộng đồng”.  Rõ ràng những hành vi của Trương Văn Dũng vừa trái với Công ước quốc tế, vừa vi phạm pháp luật Việt Nam. Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam công nhận, bảo đảm việc thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, lập hội của công dân nhưng phải theo quy định của pháp luật. Những hành vi lợi dụng các quyền này để chống phá chính quyền nhà nước thì không chỉ ở Việt Nam, mà bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới cũng đều không thể chấp nhận.

Vì thế, những phát biểu của ông Phil Robertson cho thấy rõ sự hồ đồ, xuyên tạc, bằng cách tiếp cận hết sức thiển cận, chủ quan, phiến diện đối với các quy định của Công ước quốc tế và pháp luật Việt Nam về quyền con người. Đây cũng là hành động cố tình đội lốt “nhân quyền”, coi tự do, dân chủ, nhân quyền là tấm bình phong để tung hô, cổ xúy cho đối tượng có hành vi sai trái, vi phạm pháp luật và can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam. Hành động đó cần được lên án và đấu tranh bác bỏ./.

Yêu nước nhưng phải yêu đúng cách

 

Yêu nước nhưng phải yêu đúng cách

   Ngày 15/7, trang facebook Chân Trời Mới Media đăng bài: “Cần chấm dứt đàn áp các tổ chức dân sự để triệt “đường lưỡi bò” Trung Quốc”. Sau khi lộng ngôn cho rằng: “Về mặt chống tuyên truyền “đường chín đoạn” cho Trung Quốc, lâu nay Nhà nước Việt Nam đã sử dụng đến 70% sức mạnh của mình chỉ để kiểm soát người dân trong nước, nhằm không cho những tổ chức hay cá nhân nào lên tiếng phản đối và chỉ sử dụng khoảng 30% mang tính ứng xử với Trung Quốc”. Cuối bài viết đã hàm hồ kết luận: “…, phải chấm dứt ngay việc đàn áp các tổ chức dân sự như Nhóm NoU hay các tập hợp xung quanh khẩu hiệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam””. Đây không những là nhận thức lệch lạc về lòng yêu nước, mà còn là sự suy diễn, xuyên tạc quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước ta cần vạch trần, lên án.

Trước hết, lịch sử hàng nghìn năm dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc Việt Nam đã minh chứng dân tộc ta có truyền thống đoàn kết, yêu nước nồng nàn, tạo ra động lực, sức mạnh vô địch để đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước ta luôn phát huy, khơi dậy tinh thần yêu nước, tự lực, tự cường, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhờ đó, đất nước đang ngày càng phát triển, đi lên, vị thế, uy tín của đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế được khẳng định, nâng cao.

Thứ hai, trước những diễn biến phức tạp, khó lường trên Biển Đông, nhất là việc Trung Quốc đưa ra yêu sách phi lý với cái gọi là “đường lưỡi bò” nhằm khẳng định chủ quyền trên biển,… Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng đã kịch liệt lên án, phản đối. Bộ Ngoại giao đã nhiều lần khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở, bằng chứng pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trên thực địa, các lực lượng chức năng đã kiên quyết, kiên trì đấu tranh xua đuổi, yêu cầu các phương tiện, tàu thuyền nước ngoài vi phạm ra khỏi vùng biển Việt Nam, giải quyết các bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. Nhân dân Việt Nam ở trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã đoàn kết, đồng lòng kịch liệt phản đối cái gọi là yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý cũng như những hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên biển theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Qua đó, cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước.

Thứ ba, dư luận quốc tế và các nước trong khu vực đã phản đối, lên án, bác bỏ cái gọi là yêu sách “đường lưỡi bò”, “đường chín đoạn” của Trung Quốc. Cụ thể, ngày 21/6/2013, Tòa Trọng tài phụ lục VII UNCLOS đã chính thức được hoạt động. Trải qua qua quá trình tố tụng kéo dài hơn 03 năm, ngày 12/7/2016, Hội đồng trọng tài của Tòa Trọng tài đã ra phán quyết tập trung phán xét về việc giải thích và áp dụng dụng sai các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Trong đó, bác bỏ “quyền lịch sử đối với tài nguyên trong đường chín đoạn”; tất cả các hành động đó đã làm trầm trọng thêm tranh chấp, v.v.

Thứ tư, thời gian qua, một số người đã lợi dụng lòng yêu nước, lập ra các hội, nhóm lấy danh nghĩa đấu tranh bảo vệ chủ quyền đã kích động, lôi kéo những người nhẹ dạ, cả tin tham gia; có những hành động quá khích, gây rối trật tự công cộng, làm mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao, hợp tác liên doanh phát triển kinh tế của các đối tác nước ngoài, v.v. Đây là hành động vi phạm pháp luật Việt Nam và đã bị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật để giáo dục, răn đe. Việc làm này, không thể gọi là đàn áp các tổ chức dân sự như bài viết đã suy diễn, xuyên tạc.

Vì thế, mọi công dân, tổ chức, hội, nhóm,… yêu nước nhưng phải yêu đúng cách và thông thái./.

Trò “đánh lận con đen” của Việt Tân

 

Trò “đánh lận con đen” của Việt Tân

        Ngày 19/7, trang facebook Việt Tân đăng status xuyên tạc phát biểu của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong Đại hội XVIII của Đảng xã hội Pháp tại Thành phố Tours (Pháp) năm 1920: “Chúng tôi không có quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, ngay cả quyền tự do hội họp cũng không có”. Từ đó, họ quy chụp lố bịch rằng: “Dưới chế độ cộng sản hiện nay, các quyền này vẫn còn là giấc mơ xa vời đối với dân tộc Việt Nam!”.

Cần khẳng định ngay rằng, đây là trò “ đánh lận con đen” khi Việt Tân so sánh tình trạng kiểm soát, ngăn trở tự do báo chí ở Việt Nam dưới chế độ thực dân Pháp cai trị xứ Đông Dương (trước năm 1945) với thực tiễn hết sức sinh động trong bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam hiện nay. Bởi, dưới chế độ Pháp thuộc, chính quyền Đông Dương áp dụng các biện pháp kiểm soát, ngăn trở tự do báo chí, thực thi chánh sách “bóp nghẹt” tự do báo chí và xuất bản. Tất cả những tờ báo in bằng quốc ngữ Việt Nam, bằng Hán ngữ hay bằng bất cứ một thứ ngôn ngữ nào khác ngoài Pháp ngữ, phải có sự cho phép trước của quan toàn quyền, sau khi toàn quyền hội ý với Ban Thường trực Thượng Hội đồng Đông Dương. Toàn quyền Đông Dương có quyền cho phép hay không cho phép, gây khó dễ hay cấm chỉ các báo Việt ngữ và có quyền đưa ra truy tố những tờ báo chống Pháp. Các phương tiện thông tin còn quá nhiều hạn chế, hầu như dân chúng đều không thể biết kịp thời tình hình thế giới và trong nước xảy ra trước đó một vài ngày. Trong nước, chỉ có các tổ chức cách mạng và các tòa báo có trang bị máy thu thanh săn tin thế giới, còn thường dân chỉ rất ít người khá giả mới có, lại phải nghe lén lút, vì nếu chính quyền phát hiện nghe đài nước ngoài thì tịch thu máy, phạt vạ. Người Việt đọc sách báo, nghe đài thường là lớp khá giả, trung lưu, có học, công chức, dân thành thị, còn phần lớn dân chúng (gần 90%) sống ở nông thôn, gần như không được xem sách, báo, nghe đài, nếu có biết tin tức gì, thì đó chỉ là nghe đồn, truyền miệng trong dân cư với nhau.

Trái ngược với đó, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam luôn được tôn trọng và bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Quan điểm xuyên suốt và nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân. Điều 25, Hiến pháp (năm 2013) của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của công dân được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra chủ trương “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Tại Chương II, Luật Báo chí (năm 2016) cũng quy định về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; trong đó, Điều 13 quy định: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình”. Đồng thời, cũng quy định: “Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân”.

Số liệu thống kê đến cuối năm 2022 cho thấy, Việt Nam có 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí (trong đó có 327 tạp chí lý luận chính trị, khoa học và 72 tạp chí văn học nghệ thuật); 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình. Số người đang làm việc trong lĩnh vực báo chí là 41.000 người, với 19.356 người đã được cấp thẻ nhà báo. Cùng với các cơ quan báo chí trong nước, nhiều hãng truyền thông, thông tấn quốc tế đã có mặt tại Việt Nam, như: CNN, Reuters, AP, AFP, Kyodo; Hãng thông tấn Asia, Nhật báo kinh tế Aju (Hàn Quốc) và Rossiya Segodnya (Nga), v.v. Với lực lượng làm báo hùng hậu như trên, đời sống báo chí ở Việt Nam diễn ra hết sức sôi động, phản ánh mọi mặt của đời sống xã hội.

Tuy nhiên, cũng giống như các quốc gia khác trên thế giới, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam là quyền tự do có giới hạn. Việc giới hạn quyền tự do đó được quy định theo “nguyên tắc gây hại”, “nguyên tắc xúc phạm”, hoặc xung đột với các quyền khác. Những quy định hạn chế quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trong luật pháp Việt Nam đối với một số trường hợp là hoàn toàn tương thích với các văn kiện quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia, cam kết. Mọi hành vi lạm dụng, lợi dụng quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân đều bị nghiêm cấm và có chế tài xử lý nghiêm khắc.

Có thể khẳng định, quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận của người dân Việt Nam luôn được bảo đảm. Vì lẽ đó, trò “đánh lận con đen” của Việt Tân nhằm quy chụp, xuyên tạc trắng trợn về tình hình bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam là “lố bịch”, chẳng lừa được ai!./.

 

Sự cố tình so sánh khập khiễng của Việt Tân?

 

Sự cố tình so sánh khập khiễng của Việt Tân?

    Ngày 16/7, facebook Việt Tân lại lôi chuyện giá xây dựng Sân bay Long Thành (16 tỉ USD) đắt hơn so với giá xây dựng một số sân bay khác của thế giới, như: sân bay Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vốn đầu tư 12,4 tỉ USD; sân bay Đại Hưng của Trung quốc, vốn đầu tư chỉ 11,5 tỉ USD,... qua đó, đánh dấu hỏi về những uẩn khúc từ sự chênh lệch này; nghi ngờ có sự tiếp tay, tham nhũng ở các cấp; làm cho dư luận thêm phần tiêu cực. Thực tế, rất khó so sánh chi tiết về giá xây dựng ở các quốc gia khác nhau, nhưng chúng ta có thể dễ dàng thống nhất về một số lý do sau.

    1) Sự khác nhau về quy mô và kinh phí giải phóng mặt bằng, tái định cư. Sân bay Long Thành là cảng trung chuyển hàng không của Việt Nam và quốc tế. Có 4 đường cất hạ cánh (dài 4000 m, rộng 60 m); có 4 nhà ga hành khách rộng, hiện đại có công suất phục vụ 100 triệu khách/năm; nhà ga hàng hóa công suất 5 triệu tấn/năm. Dự án có diện tích vào khoảng 5.000 ha, cần đền bù, giải phóng mặt bằng cho nhân dân trên 1.970 ha (chiếm 59% diện tích đất bị thu hồi trong dự án); di dời, tái định cư khoảng 15.000 người. Ngoài ra, có trên 1.920 ha diện tích đất của các công trình tôn giáo, công ty kinh doanh, trụ sở,… sẽ phải thu hồi khi thực hiện dự án. Tổng số tiền để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ cho người dân và các cơ quan tổ chức là trên 1 tỉ USD. Trong khi đó, Sân bay Đại Hưng (Trung Quốc) có diện tích 4.700 ha, công suất 100 triệu hành khách/năm và 4 triệu tấn hàng hóa/năm; Sân bay Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), diện tích 3.500 ha, công suất 90 triệu lượt hành khách/năm; đều có quy mô nhỏ hơn. Đồng thời, Sân bay Istanbul xây trên 80% diện tích thuộc sở hữu nhà nước là khu vực có mỏ than đá cũ, hầu như không mất tiền đền bù, tái định cư.

    2) Sự khác nhau về giá trị của đồng USD theo thời gian. Cả hai sân bay Đại Hưng và Istanbul cùng được vận hành năm 2019. Còn Sân bay Long Thành triển khai theo 3 giai đoạn chính là: 2019 - 2025, 2025 - 2035, 2035 - 2050. Do đó, giá trị đồng USD có sự thay đổi theo thời gian do lạm phát và do nước Mỹ in quá nhiều USD. Trong lịch sử, năm 1944, khi tiền tệ quốc tế còn dùng bản vị vàng (tiền giấy có thể đổi trực tiếp ra vàng), thì 1 Ounce vàng tương đương 35 USD. Do nhu cầu USD ngày càng tăng, Mỹ in nhiều tiền nhưng không đủ vàng để bảo đảm nên năm 1971, nước Mỹ đã từ bỏ chế độ bản vị vàng. Đến nay, giá vàng trên thế giới đã lên tới 1.955 USD/ounce. Cho thấy tốc độ mất giá của USD trung bình khoảng 139%/năm. Như vậy, theo thời gian, giá vật tư ngày càng tăng sẽ đội vốn dự án.

    3) Sự khác nhau về chuỗi cung ứng vật tư. Trung Quốc là công xưởng của thế giới, nơi sản xuất 100% các loại mặt hàng cho các nước; từ những sản phẩm thông thường đến sản phẩm công nghệ cao. Do vậy, quá trình xây dựng của họ sử dụng gần 100% vật tư nội địa, không mất thuế, cước và thời gian vận chuyển. Tương tự, Thổ Nhĩ Kỳ cùng có sự hậu thuẫn lớn từ thị trường tự do của khối EU; là những lợi thế về giá. Sân bay Long thành cần rất nhiều vật tư ngoại nhập nên tất yếu sẽ có sự tốn kém hơn.

     4) Sự khác nhau về tính hiện đại. Sân bay Long thành thiết kế sau, đạt tiêu chuẩn quốc tế cấp 4F - mức cao nhất theo tiêu chuẩn của ICAO; phục vụ mọi loại máy hiện nay trên thế giới. Đây là hướng đi mở để sẵn sàng ứng dụng công nghệ 4.0 trong khai thác, sử dụng và phát triển nên cần sử dụng nhiều vật tư, thiết bị, công nghệ cao, đắt tiền.

       Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã nghiên cứu, đánh giá tác động nhiều chiều và được Nhật Bản tư vấn thiết kế nên Dự án Sân bay Long Thành sau khi hoàn thành sẽ mang lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế cho đất nước. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhất là sự so sánh ấy mang đầy tính chủ quan, dụng ý xấu. Bởi vậy, mọi người cần cảnh giác, tỉnh táo nhận diện, đấu tranh phê phán./.

Vẫn là trò “bới lông tìm vết”

 

Vẫn là trò “bới lông tìm vết”

     Những ngày gần đây trên các trang mạng xã hội facebook phản động, như: Việt Tân, Chân Trời Mới Media, Tiếng Dân, Việt Nam Thời Báo,… đăng tải mật độ dày đặc các bài viết liên quan đến vụ án “Chuyến bay giải cứu” đang được các cơ quan chức năng xét xử. Trong đó, phần lớn nội dung các bài viết đã lợi dụng các tình tiết, diễn biến trong quá trình xét xử vụ án rồi suy diễn, xuyên tạc cho rằng: các cơ quan chức năng đang bỏ lọt tội phạm, chưa tìm ra “trùm cuối” hay càng chống tham nhũng thì tham nhũng càng phổ biến, v.v. Thực chất đây vẫn là chiêu trò “bới lông tìm vết” nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ta.

Trước hết, cần nhận thức rõ việc đưa ra xét xử công khai các vụ án tham nhũng, tiêu cực trong đó có vụ án chuyến bay giải cứu của các cơ quan chức năng thực thi pháp luật đã cho thấy quyết tâm làm trong sạch bộ máy, trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đồng thời, khẳng định quan điểm nhất quán trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta là không có vùng cấm, không nể nang, né tránh, dù người đó là ai, giữ cương vị, chức trách gì. Chính quan điểm nhất quán, hành động quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất là các cơ quan chức năng trong việc đẩy nhanh tiến độ điều tra, đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua được dư luận đồng tình ủng hộ, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Thứ hai, không riêng gì vụ án này, mà trong tất cả các vụ án tham nhũng, tiêu cực khác, các cơ quan chức năng đều dành nhiều thời gian để điều tra, truy xét kỹ càng, thận trọng, bóc gỡ hết các “mắt xích”, bảo đảm không để sót, lọt tội phạm cũng như oan sai cho các bị can. Trên cơ sở đó, xét xử nghiêm minh, khách quan, công bằng, đúng người đúng tội theo quy định của pháp luật. Do đó, các ý kiến cho rằng cơ quan chức năng đang bỏ lọt tội phạm, chưa tìm ra “trùm cuối,… là vô căn cứ, suy diễn vô lý.

Thứ ba, việc tha hóa quyền lực, tham ô, tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong đó có cả những cán bộ cao cấp là một thực tế đáng buồn. Nguyên nhân chủ yếu là do một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tư dưỡng, rèn luyện, tha hóa, biến chất, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống cộng với tác động từ mặt trái cơ chế thị trường, sự cám dỗ của đồng tiền, lối sống thực dụng, hưởng thụ, v.v. Việc phải đưa ra xét xử những cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật là nỗi đau, song, không vì thế mà Đảng ta không làm. Ngược lại, Đảng ta vẫn làm kiên quyết, triệt để, coi đây là “cuộc chiến” không ngừng, không nghỉ để thanh lọc, tiến tới làm trong sạch bộ máy, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; đồng thời, là lời cảnh báo, răn đe đối với những ai đang có ý định vi phạm. Vì thế, chắc chắn không thể có chuyện càng chống tham nhũng thì tham nhũng càng phổ biến, như họ rêu rao.

Thực chất các trang mạng xã hội phản động vốn đã chẳng ưa gì chế độ chính trị ở Việt Nam, nên chúng luôn rình rập, “bới lông tìm vết” từ thực tiễn, nhất là những mặt trái, mặt tiêu cực của xã hội, của nền kinh tế thị trường,… để xuyên tạc, bôi nhọ, nói xấu chế độ, chống phá Đảng, Nhà nước. Nhưng với nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc sẽ là những minh chứng sinh động bác bỏ sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phản động./.

Chăm sóc người có công với cách mạng - sự thực không thể xuyên tạc

 

Chăm sóc người có công với cách mạng - sự thực không thể xuyên tạc

 Thực hiện âm mưu, thủ đoạn chống phá Việt Nam, hễ cứ vào dịp tháng 7 hằng năm, trong khi cả nước hướng về Ngày Thương binh, Liệt sĩ 27/7 với biết bao lòng thành kính, nhớ ơn công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ thì các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại đưa ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc. Chúng lợi dụng những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công ở một số địa phương để vu cáo: chính quyền không quan tâm “bỏ mặc các gia đình liệt sĩ, các thương, bệnh binh”, nhằm hạ bệ, phủ nhận vai trò, nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong chăm lo người có công.

Cần khẳng định rõ: đây là luận điệu hết sức sai trái, thể hiện bản chất phi nhân văn, phản đạo đức của các thế lực thù địch. Bởi, những thông tin sai trái phát tán trên mạng xã hội trắng trợn xuyên tạc, cố ý lập lờ đánh lận con đen, đánh tráo giá trị, đổi trắng thay đen, đổi đen thành trắng, nói không thành có, nói có thành không nhằm gây xáo trộn tư tưởng, tạo hoài nghi, mất tin tưởng về chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công. Mục đích của chúng không chỉ kích động chống phá Đảng, Nhà nước mà còn cố tình làm băng hoại truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, giảm sự chung tay của toàn xã hội trong chăm lo người có công với cách mạng, gia đình chính sách.

Thực tiễn minh chứng, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt tất cả mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã chuyển lại cho chúng ta”. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đảng, Nhà nước ta vận dụng, kế thừa, phát huy và cụ thể hóa thành nhiều chương trình, chính sách giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Ðảng (khóa XII) “Về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng”, ngày 09/12/2020, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 (Pháp lệnh) về ưu đãi người có công với cách mạng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2021 với nhiều điểm mới nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, các cấp, ngành, địa phương không ngừng hoàn thiện, bổ sung thể chế, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng; xây dựng, ban hành quy hoạch hệ thống cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kì 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp nối đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đã vào cuộc mạnh mẽ để chăm lo người có công với cách mạng và thân nhân của họ với nhiều nội dụng cụ thể, thiết thực, như: xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng; tổ chức dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; tổ chức lễ dâng hương và thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc, v.v. Đến nay, người có công với cách mạng và thân nhân được hưởng chế độ ưu đãi về bảo hiểm y tế, điều dưỡng phục hồi sức khỏe; cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết theo chỉ định của cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng thuộc ngành lao động – thương binh và xã hội hoặc của bệnh viện tuyến tỉnh trở lên; ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm; hỗ trợ để theo học đến trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Thực hiện việc hỗ trợ người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, cả nước có 393.707 hộ người có công cần hỗ trợ về nhà ở đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm tra, với tổng kinh phí khoảng 10.654 tỉ đồng.

Hiện cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, trong đó có trên 1,3 triệu người có công được hưởng trợ cấp hằng tháng. Mỗi năm giải quyết chế độ trợ cấp một lần cho gần 08 nghìn trường hợp, đưa trên 580 nghìn lượt người có công đi điều dưỡng định kỳ và hỗ trợ giáo dục cho khoảng 40 nghìn lượt người. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các địa phương triển khai chi trả hỗ trợ khó khăn kịp thời, đầy đủ cho 994.626 đối tượng người có công với kinh phí khoảng 1.483 tỉ đồng. Mạng lưới các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng, chỉnh hình, phục hồi chức năng được quy hoạch tổng thể, rộng khắp trong cả nước với 65 cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và bố trí nhân sự đủ để đáp ứng cơ bản yêu cầu chăm sóc, điều dưỡng người có công, nhất là thương binh nặng. Tính đến năm 2022, cả nước đã đầu tư xây dựng, nâng cấp, tu bổ 3.200 nghĩa trang liệt sĩ và trên 3.000 công trình ghi công liệt sĩ trên khắp cả nước. Tất cả Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống luôn được chăm lo đời sống bằng nhiều việc làm cụ thể như tặng quà, hỗ trợ kinh phí sửa chữa, xây mới nhà tình nghĩa; các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng mẹ suốt đời, v.v.

Những việc làm thiết thực, cụ thể, hiệu quả trên đã góp phần ổn định và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công. Sự thực đó không thể xuyên tạc và là minh chứng phản bác mọi xuyên tạc của kẻ xấu về chính sách của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm của toàn xã hội đối với những người đã cống hiến cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc./.

Nguyễn Đình Cống - kẻ vong ân, bội nghĩa

 

Nguyễn Đình Cống - kẻ vong ân, bội nghĩa

            Phát huy truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc, trong những ngày này, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã và đang tổ chức rất nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2023). Ấy thế mà, Nguyễn Đình Cống lại viết bài “Ngày Thương binh Liệt sĩ: Một sự thật không được nói tới” đăng trên trang “baotiengdan”, thể hiện tính chất phản động, thù địch, khi cho rằng: Nhà nước ta tổ chức kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ chỉ là “thủ đoạn ngụy biện bản chất của sự hy sinh”.

Đoàn viên, thanh niên dâng hương, dâng hoa
tại phần mộ các liệt sĩ. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN.

Nguyễn Đình Cống đã cố tình quên, rằng: trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân; dưới sự lãnh đạo của Đảng, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh, hiến dâng máu xương của mình cho Tổ quốc. Máu đào và sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang của Đảng, để đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do! Riêng đối với gia đình Nguyễn Đình Cống có 05 người là liệt sĩ.

Đảng, Nhà nước và nhân dân ta mãi mãi ghi công và đời đời biết ơn sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ. Các thế hệ người Việt Nam luôn tự hào và nguyện sống xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các thế hệ đi trước! Thấm nhuần đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam, những năm qua, Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng. Đại hội XIII của Đảng một lần nữa khẳng định: “Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách đối với người có công trên cơ sở nguồn lực của Nhà nước và xã hội, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn cư trú, giải quyết căn bản chính sách đối với người có công; nâng cấp các công trình “đền ơn đáp nghĩa”. Đây là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, thể hiện tình cảm, trách nhiệm, tính nhân văn sâu sắc để phát huy tinh thần yêu nước thương nòi, truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội, đã có nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực, như: chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, tặng quà, tặng sổ tiết kiệm, xây dựng nhà tình nghĩa, giúp đỡ, động viên gia đình chính sách, con em thương binh, liệt sĩ, tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ và các công trình “đền ơn đáp nghĩa”, v.v. Đặc biệt, Lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ được tiến hành vào dịp kỷ niệm ngày 27/7 năm nay tổ chức tại 63 tỉnh, thành ở tất cả các nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sĩ trong cả nước là một hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Những hoạt động thiết thực đó đã góp phần thực hiện có hiệu quả chính sách “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Hiện nay, đồng bào, chiến sĩ cả nước đã và đang tiếp nối những giá trị tốt đẹp của dân tộc ta để tri ân, báo đáp, đền ơn đối với những gia đình có công với cách mạng, những thương binh vẫn mang trên mình những vết thương của chiến tranh. Vậy hà cớ gì mà Nguyễn Đình Cống lại vong ân đến vậy? bội nghĩa đến thế? đối với đất nước, dân tộc, với chế độ xã hội chủ nghĩa và chính cả sự hy sinh của những người thân trong gia đình dòng tộc!

Thứ Tư, 26 tháng 7, 2023

Lành mạnh hoá mạng xã hội Tiktok

 

Thời gian vừa qua, trước những nguy cơ rò rỉ thông tin người dùng qua Tiktok, nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành các lệnh cấm đối với nền tảng mạng xã hội này. Tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố nhiều hành vi vi phạm của các nền tảng xuyên biên giới, đặc biệt là Tiktok. Báo Quân đội nhân dân Điện tử giới thiệu tới bạn đọc hai bài viết chỉ ra những sai phạm và hệ lụy của nền tảng này, đưa ra lời cảnh báo để làm lành mạnh hóa mạng xã hội Tiktok, bảo vệ chủ quyền không gian mạng tại Việt Nam.

Câu chuyện ở nước Pháp

Gần đây nhất, hình ảnh về những đêm bạo loạn tại Pháp được lan truyền rộng rãi trên Tiktok những ngày qua làm dấy lên mối lo ngại về độ an toàn đối với người dùng, cũng cách thức xử lý và quản lý dữ liệu của nền tảng chia sẻ video trực tuyến này.

Trước bối cảnh đó, ngày 6-7, các nghị sĩ Pháp kêu gọi chính phủ cấm Tiktok nếu nền tảng mạng xã hội này không làm rõ cơ cấu quản lý hiện nay. Động thái này diễn ra sau khi chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron cho rằng mạng xã hội, trong đó có Tiktok, đã “châm ngòi” cho các vụ bạo loạn trong gần một tuần qua, vào thời điểm mà chính phủ đang muốn giảm căng thẳng giữa người dân với lực lượng cảnh sát sau cái chết của một thiếu niên 17 tuổi gốc Bắc Phi có tên Nahel.


Rất nhiều video được chia sẻ trên Tiktok được chủ nhân nói rằng có liên quan đến bạo loạn ở Pháp những ngày qua, nhưng thực chất đều là giả mạo, lấy từ các sự kiện khác để câu view. Ảnh: The France 24 Observers

AFP dẫn tuyên bố của chính quyền Paris nêu rõ sẽ làm việc với các trang truyền thông xã hội để “gỡ bỏ các nội dung nhạy cảm nhất” và xác định những người dùng “kêu gọi bạo loạn hoặc làm trầm trọng thêm bạo lực”. Các cuộc trao đổi giữa chính quyền Pháp và các mạng xã hội, đã bắt đầu nhằm nhanh chóng loại bỏ nội dung kích động bạo lực. Chính phủ Pháp cũng đang thúc đẩy việc xác định những người châm ngòi và kích động bạo lực trên mạng.

Bên cạnh đó, một ủy ban điều tra của Thượng viện Pháp đã được thành lập với mục đích xem xét cách thức xử lý dữ liệu và “chiến lược gây ảnh hưởng” của Tiktok đối với vụ bạo loạn vừa qua nói riêng và các sự việc khác.

Theo AP, Pháp có luật chống lại quấy rối trên mạng. Các mối đe dọa trực tuyến về tội phạm cũng như những lời lăng mạ trực tuyến có thể bị truy tố. Vào năm 2020, Quốc hội Pháp cũng đã phê duyệt một dự luật bắt buộc các nền tảng và công cụ tìm kiếm để loại bỏ nội dung bị cấm trong vòng 24 giờ.

Không chỉ vậy, những cuộc bạo loạn tại Pháp đã bắt đầu lan sang các quốc gia châu Âu khác, gồm Thụy Sĩ và Bỉ. Tại Brussels, Bỉ, các cuộc biểu tình bắt đầu vào ngày 30-6 và diễn ra tương đối ôn hòa, sau khi xuất hiện những lời kêu gọi “hành động như ở Pháp” trên mạng xã hội. Theo truyền thông địa phương, số người biểu tình bị bắt ở Brussels đã tăng lên 63 người. Các cuộc biểu tình cũng diễn ra ở Lausanne, Thụy Sĩ, nhưng có xu hướng bạo lực hơn. Cảnh sát Thụy Sĩ đã bắt giữ 7 người, trong đó có 6 đối tượng vị thành niên, trong các cuộc bạo loạn hàng đêm ở Lausanne.


Chính quyền Pháp tuyên bố quyết tâm xử lý tình trạng bạo động hiện nay, đồng thời xem xét trách nhiệm của mạng xã hội, nhất là Tiktok liên quan đến vấn đề này. Ảnh: Firstpost

Quan ngại chung

Không chỉ riêng Pháp mà các chính phủ của các quốc gia trên thế giới cũng đã bày tỏ lo ngại rằng, Tiktok, thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc ByteDance, có thể đe dọa tới dữ liệu nhạy cảm của người dùng.

Các nhà lập pháp và cơ quan quản lý ở phương Tây cho rằng, Tiktok và công ty mẹ của nó, ByteDance, có thể sử dụng trái phép dữ liệu nhạy cảm của người dùng để phục vụ hoạt động thu thập thông tin tình báo. Họ cũng lo ngại rằng, các đề xuất nội dung của Tiktok có thể cung cấp thông tin sai lệch, trái phép, nội dung độc hại, gây chết người. Ngược lại, phía TikTok từ lâu đã phủ nhận những cáo buộc đó.

Một điểm gây tranh cãi là tính an toàn của công cụ đề xuất trên Tiktok. Theo The Verge, công cụ đề xuất sử dụng dữ liệu hành vi để xác định sở thích của người dùng và cung cấp cho họ nội dung có liên quan. Một số dữ liệu mà Tiktok khai thác để phục vụ công cụ đề xuất bao gồm: Thời gian người dùng ở lại trên một trang; thông tin đăng nhập cơ bản, chẳng hạn như tên, tuổi, số điện thoại và địa chỉ email; dữ liệu vị trí; địa chỉ IP; dữ liệu sinh trắc học.

Ông Joel Thayer, Chủ tịch Tổ chức thúc đẩy công nghệ số Digital Progress Institute, còn chỉ ra một nguy cơ tiềm ẩn đó là hầu hết người dùng TikTok là trẻ vị thành niên, nên các loại tội phạm có thể lợi dụng mạng xã hội này để tiếp cận trẻ em. “Có những thành phần tội phạm thích sử dụng những kiểu mạng xã hội này để dụ dỗ trẻ em tham gia vào hoạt động khiêu dâm và thậm chí cả hoạt động buôn người”, ông Joel Thayer giải thích.


Chính quyền Mỹ cáo buộc Tiktok thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng ở nước này. Ảnh: CNBC

Trong khi đó, giới chức Mỹ cho rằng, Tiktok có thể bị ép phải trao thông tin thu thập được từ người dùng Mỹ cho chính phủ Trung Quốc hoặc bị dùng để cài phần mềm theo dõi, gây hại vào điện thoại của người dùng xứ cờ hoa. Bằng chứng cho thấy các đoạn mã với chức năng theo dõi của ByteDance đã bị phát hiện được cài vào 30 trang web của các chính quyền bang ở Mỹ. Năm ngoái, ByteDance cũng thừa nhận có tiếp cận các thông tin định vị của 2 nhà báo Mỹ để phục vụ mục đích điều tra nội bộ của công ty này.

Ngày 10-3-2023, Thủ tướng Bỉ De Croo đã đưa ra cảnh báo về những rủi ro liên quan tới số lượng lớn dữ liệu người dùng mà TikTok thu thập. Ngoài ra, Hội đồng An ninh quốc gia Bỉ cũng đang yêu cầu Cơ quan Bảo vệ dữ liệu nước này điều tra chính sách quyền riêng tư của Tiktok.

Trong khi đó, Cộng hòa Séc và Ireland cũng đã tiến hành điều tra về khả năng bảo mật dữ liệu của Tiktok. Nguyên nhân được giới chức quản lý nhiều nước đưa ra là mối lo ngại về vấn đề quyền riêng tư và tính bảo mật thông tin của người sử dụng, cũng như nguy cơ truyền bá những nội dung xấu độc, thậm chí đe dọa an ninh quốc gia.

Những “đòn giáng” mạnh

Đứng trước những nguy cơ rò rỉ thông tin người dùng qua ứng dụng Tiktok, nhiều quốc gia đã ban hành các lệnh cấm đối với nền tảng mạng xã hội này. Các lệnh cấm một phần thường được giới hạn đối với nhân viên chính phủ hoặc khu vực công. Lệnh cấm đầy đủ áp dụng cho mọi công dân. 3 quốc gia ban lệnh cấm hoàn toàn gồm Jordan, Ấn Độ và Afghanistan. Ngoài ra, Indonesia và Pakistan cũng từng nhiều lần áp đặt lệnh cấm tạm thời với nền tảng này.

Trong khi đó, các quốc gia như Australia, Bỉ, Canada, Đan Mạch, Liên minh châu Âu (EU), Pháp, Latvia, New Zealand, Na Uy, Anh... ban hành lệnh cấm Tiktok trên các thiết bị do chính phủ cấp. Lệnh cấm sử dụng Tiktok trên các thiết bị công vụ cũng đã có hiệu lực tại nhiều nước như Mỹ, Canada, Đan Mạch và Australia. Ba cơ quan hàng đầu của EU là Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu cũng đã áp dụng lệnh cấm các nhân viên tải ứng dụng Tiktok vào các thiết bị phục vụ công việc.

Bộ Quốc phòng Đan Mạch đã cấm nhân viên cài đặt Tiktok trên điện thoại, đồng thời yêu cầu những nhân viên đã cài đặt xóa ứng dụng khỏi thiết bị càng sớm càng tốt với lý do viện dẫn “những cân nhắc nghiêm trọng về an ninh” cũng như “nhu cầu sử dụng rất hạn chế trong công việc”.


Số lượng người dùng Tiktok là thanh thiếu niên, trẻ em tăng lên nhanh chóng cũng khiến nhiều bậc phụ huynh và chính quền lo lắng về những nội dung không phù hợp được đề xuất trên nền tảng này. Ảnh: The Guardian

Kể từ tháng 11-2022, nhiều bang tại Mỹ đã “nói không” với Tiktok trên các thiết bị do chính phủ cấp và nhiều trường học như Đại học Texas, Đại học Auburn và Đại học Boise State, đã chặn ứng dụng này khỏi mạng Wi-Fi của khuôn viên trường. Sinh viên buộc phải chuyển sang dữ liệu di động để sử dụng ứng dụng này. Ngày 27-2-2023, Nhà Trắng đã yêu cầu các cơ quan liên bang xóa ứng dụng này khỏi các thiết bị của chính phủ trong vòng 30 ngày. Ngay sau đó, vào ngày 1-3, một ủy ban Hạ viện đã ủng hộ bỏ phiếu thông qua luật cho phép Tổng thống Joe Biden cấm TikTok được cài vào tất cả các thiết bị trên toàn quốc.

Tới ngày 10-3-2023, Chính phủ Bỉ cũng đưa ra lệnh cấm toàn bộ nội các, bao gồm Thủ tướng, các Bộ trưởng, toàn bộ công chức chính phủ, sử dụng Tiktok. Họ buộc phải gỡ bỏ ứng dụng trên điện thoại công vụ. Lệnh cấm có giá trị 6 tháng, sau thời gian đó, chính phủ sẽ xem xét xem có cần phải kéo dài thêm nữa hay không.

Ngay sau đó, Ủy ban châu Âu cũng yêu cầu toàn bộ nhân viên phải xóa ứng dụng Tiktok trên các thiết bị liên quan công việc trước ngày 15-3. Lệnh cấm nhằm ngăn chặn nguy cơ lợi dụng các kẽ hở an ninh mạng để tiến hành các vụ tấn công mạng nhằm vào hệ thống máy tính và môi trường làm việc của ủy ban này.

Một trong những nhà lãnh đạo lớn tiếng phê bình nhất ở châu Âu là Tổng thống Pháp Macron. Theo AFP, ông từng chỉ trích Tiktok “giả vờ vô tội” và là “cơn nghiện” với người dùng. Bình luận này kéo theo làn sóng tin tức về mối nguy hiểm của nền tảng này. Thậm chí, đến ngày 24-3, Pháp đã công bố lệnh cấm nhân viên chính phủ sử dụng Tiktok, Twitter, Instagram và các ứng dụng khác trên điện thoại vì vấn đề bảo mật.

Chính vì vậy, việc Tiktok đăng tải nhan nhản hình ảnh về việc cảnh sát Pháp bắn thiếu niên Nahel hay các vụ biểu tình biến thành bạo lực của thanh niên Pháp với lực lượng an ninh nước này càng thổi bùng căng thẳng giữa chính quyền đất nước hình lục lăng và Tiktok. Ngày 6-7, các nghị sĩ Pháp đang kêu gọi Tổng thống Macron cấm Tiktok vì lo ngại ảnh hưởng của mạng xã hội này đối với giới trẻ. Trước cuộc bạo loạn gây ra thiệt hại hơn 1 tỷ USD, Tổng thống Macron đã cáo buộc các mạng xã hội, cụ thể là Tiktok và SnapChat, chính là nguồn cơn trong việc kích động các hành vi bạo lực, khi nước này cố gắng ngăn chặn những cuộc biểu tình khiến “đổ dầu” vào những căng thẳng âm ỉ từ lâu giữa cảnh sát và thanh niên trong nước.

Ủy ban Điều tra của Thượng viện Pháp đã công bố một bản báo cáo dài 183 trang cảnh báo về tác động sức khỏe và tâm lý của Tiktok đối với giới trẻ Pháp. Theo đó, Tiktok bị cáo buộc “khai thác dữ liệu, chiến lược gây ảnh hưởng, tuyên truyền và thông tin sai lệch”. Theo hãng tin BFM-TV của Pháp, bản báo cáo cũng đề cập tới việc mở rộng lệnh cấm Tiktok từ điện thoại chỉ dành cho công chức Pháp sang cả những người nắm giữ các vị trí quan trọng trong các tổ chức bao gồm quân đội, năng lượng, tài chính, giao thông vận tải và các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Pháp. Báo cáo cũng đưa ra khả năng hạn chế thời gian đối với người dùng Tiktok trẻ tuổi ở Pháp.
 

TikToK chưa thể kiểm soát hết được tất cả các nội dung bịa đặt về các cuộc biểu tình ở Pháp những ngày qua. Ảnh: SBS

Người phát ngôn chính phủ Pháp Olivier Veran nhấn mạnh, các video lưu hành rộng rãi về các cuộc biểu tình đã “truyền cảm hứng” cho những người xem nhỏ tuổi bắt chước. Kể từ đó, ít nhất hai bộ trưởng cấp cao của chính phủ Pháp đã gặp đại diện của Tiktok, Snap, Twitter và công ty mẹ của Facebook là Meta, kêu gọi hạn chế nội dung bạo lực, và giúp xác định người dùng kích động bạo loạn. Phía Tiktok từ chối chia sẻ thông tin người dùng liên quan đến các cuộc biểu tình ở Pháp.

Mặc dù có phần tụt hậu so với những nền tảng mạng xã hội thống trị lâu nay như Facebook, Instagram hay Twitter nhưng tốc độ tăng trưởng về người dùng của TikTok vượt xa các đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển vượt bậc thì TikTok lại là nền tảng gây quan ngại nhất về vấn đề quyền riêng tư và tính bảo mật thông tin, truyền bá thông tin độc hại, thậm chí đe dọa an ninh quốc gia của nhiều nước trên thế giới.