Thứ Hai, 31 tháng 7, 2023

Chăm sóc người có công với cách mạng - sự thực không thể xuyên tạc

 

Chăm sóc người có công với cách mạng - sự thực không thể xuyên tạc

 Thực hiện âm mưu, thủ đoạn chống phá Việt Nam, hễ cứ vào dịp tháng 7 hằng năm, trong khi cả nước hướng về Ngày Thương binh, Liệt sĩ 27/7 với biết bao lòng thành kính, nhớ ơn công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ thì các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại đưa ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc. Chúng lợi dụng những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công ở một số địa phương để vu cáo: chính quyền không quan tâm “bỏ mặc các gia đình liệt sĩ, các thương, bệnh binh”, nhằm hạ bệ, phủ nhận vai trò, nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong chăm lo người có công.

Cần khẳng định rõ: đây là luận điệu hết sức sai trái, thể hiện bản chất phi nhân văn, phản đạo đức của các thế lực thù địch. Bởi, những thông tin sai trái phát tán trên mạng xã hội trắng trợn xuyên tạc, cố ý lập lờ đánh lận con đen, đánh tráo giá trị, đổi trắng thay đen, đổi đen thành trắng, nói không thành có, nói có thành không nhằm gây xáo trộn tư tưởng, tạo hoài nghi, mất tin tưởng về chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công. Mục đích của chúng không chỉ kích động chống phá Đảng, Nhà nước mà còn cố tình làm băng hoại truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, giảm sự chung tay của toàn xã hội trong chăm lo người có công với cách mạng, gia đình chính sách.

Thực tiễn minh chứng, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt tất cả mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã chuyển lại cho chúng ta”. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đảng, Nhà nước ta vận dụng, kế thừa, phát huy và cụ thể hóa thành nhiều chương trình, chính sách giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Ðảng (khóa XII) “Về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng”, ngày 09/12/2020, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 (Pháp lệnh) về ưu đãi người có công với cách mạng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2021 với nhiều điểm mới nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, các cấp, ngành, địa phương không ngừng hoàn thiện, bổ sung thể chế, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng; xây dựng, ban hành quy hoạch hệ thống cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kì 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp nối đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đã vào cuộc mạnh mẽ để chăm lo người có công với cách mạng và thân nhân của họ với nhiều nội dụng cụ thể, thiết thực, như: xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng; tổ chức dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; tổ chức lễ dâng hương và thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc, v.v. Đến nay, người có công với cách mạng và thân nhân được hưởng chế độ ưu đãi về bảo hiểm y tế, điều dưỡng phục hồi sức khỏe; cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết theo chỉ định của cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng thuộc ngành lao động – thương binh và xã hội hoặc của bệnh viện tuyến tỉnh trở lên; ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm; hỗ trợ để theo học đến trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Thực hiện việc hỗ trợ người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, cả nước có 393.707 hộ người có công cần hỗ trợ về nhà ở đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm tra, với tổng kinh phí khoảng 10.654 tỉ đồng.

Hiện cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, trong đó có trên 1,3 triệu người có công được hưởng trợ cấp hằng tháng. Mỗi năm giải quyết chế độ trợ cấp một lần cho gần 08 nghìn trường hợp, đưa trên 580 nghìn lượt người có công đi điều dưỡng định kỳ và hỗ trợ giáo dục cho khoảng 40 nghìn lượt người. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các địa phương triển khai chi trả hỗ trợ khó khăn kịp thời, đầy đủ cho 994.626 đối tượng người có công với kinh phí khoảng 1.483 tỉ đồng. Mạng lưới các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng, chỉnh hình, phục hồi chức năng được quy hoạch tổng thể, rộng khắp trong cả nước với 65 cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và bố trí nhân sự đủ để đáp ứng cơ bản yêu cầu chăm sóc, điều dưỡng người có công, nhất là thương binh nặng. Tính đến năm 2022, cả nước đã đầu tư xây dựng, nâng cấp, tu bổ 3.200 nghĩa trang liệt sĩ và trên 3.000 công trình ghi công liệt sĩ trên khắp cả nước. Tất cả Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống luôn được chăm lo đời sống bằng nhiều việc làm cụ thể như tặng quà, hỗ trợ kinh phí sửa chữa, xây mới nhà tình nghĩa; các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng mẹ suốt đời, v.v.

Những việc làm thiết thực, cụ thể, hiệu quả trên đã góp phần ổn định và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công. Sự thực đó không thể xuyên tạc và là minh chứng phản bác mọi xuyên tạc của kẻ xấu về chính sách của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm của toàn xã hội đối với những người đã cống hiến cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc./.

Không có nhận xét nào: