Thứ Tư, 26 tháng 7, 2023

Tỉnh táo trước luận điệu xuyên tạc của Lê Quốc Quân

 

Lợi dụng chủ trương của Đảng về công tác tư vấn, phản biện xã hội, những kẻ cơ hội chính trị và các thế lực thù địch luôn xuyên tạc việc xây dựng và thông qua các bộ Luật nhằm mục đích gây nhiễu loạn thông tin, tạo ra sự ngờ vực và dư luận xấu trong xã hội. Từ đó xuyên tạc chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta về ban hành các luật. Còn nhớ, năm 2018 khi chúng ta ban hành Luật An ninh mạng thì cũng là lúc các luận điệu sai trái, lạc lõng của các hãng thông tấn như BBC, RFA, RFI, VOA… đồng thanh loa lên với hàng loạt bài đầy tính xuyên tạc như: “Xuất hiện phong trào Bất tuân An ninh mạng”;  cho rằng Luật An ninh mạng “xâm phạm quyền riêng tư”; “xâm phạm quyền tự do ngôn luận, quyền công dân”; “chỉ có Việt Nam và Trung Quốc sử dụng Luật An ninh mạng, Luật An ninh mạng là bước lùi”; “cướp đi quyền sử dụng Internet của người dân” và hạn chế các quan hệ quốc tế, kiềm chế sự phát triển của Việt Nam? Những điều này có phải là sự thật hay không? Thực tế đã cho thấy, sau 5 năm ra đời, Luật An ninh mạng đã đáp ứng tốt yêu cầu đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, là “lũy thép pháp lý” bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Chính vì thế các thế lực thù địch, các con buôn chính trị đã thường xuyên vu cáo, xuyên tạc đòi xóa bỏ Luật.

Nhân sự kiện ngày 1.4.2023, Chính phủ có tờ trình về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) trong đó có chỉnh lý tên gọi từ “Luật Căn cước công dân (sửa đổi) thành Luật Căn cước”, các thế lực thù địch đã rêu rao rằng chúng ta đang quay lại làm căn cước như thời chính quyền Việt Nam Cộng hòa trước ngày 30.4.1975. Bên cạnh đó chúng đánh vào tâm lý ngại thay đổi của người dân, tung hỏa mù rằng “Luật Căn cước mới có hiệu lực thì người dân phải làm lại căn cước”. Về chủ trương gắn chip điện tử vào thẻ căn cước, các đối tượng chống phá đưa ra các thông tin ác ý: “Sử dụng thẻ cước công dân gắn chíp là vi phạm đời tư cá nhân”, “Gắn chip thẻ căn cước công dân chỉ có một vài quốc gia “kém dân chủ” mới sử dụng”… Đây là đòn đánh hết sức thâm độc, tạo nên sự bức xúc, bất mãn, chống đối việc triển khai chiến dịch cấp thẻ căn cước của các địa phương thời gian qua. Tuy nhiên, thông tin này là hoàn toàn bịa đặt. Trong dự thảo Luật đã nêu rất rõ căn cước công dân được cấp trước ngày dự thảo luật căn cước mới có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ. Có thể nói, việc xuyên tạc chính sách mới của ta về hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nói chung và tờ trình dự thảo Luật Căn cước nói riêng là đòn thâm hiểm của các thế lực thù địch. Vì vậy cần nêu cao cảnh giác và tin tưởng rằng việc cấp căn cước gắn chip điện tử sẽ tạo nên bước đột phá cơ bản trong hành trình chuyển đổi số ở Việt Nam.

Ngày 15.3.2023, việc lấy ý kiến của nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã kết thúc. Đợt lấy ý kiến đã phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ và tâm huyết; thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Tuy nhiên, lợi dụng việc sửa đổi Luật Đất đai, các đối tượng phản động, các thế lực thù địch đã tung ra nhiều thông tin, luận điệu sai trái, tiêu cực, nhằm chống phá Đảng, Nhà nước. Chúng đăng tải nhiều bài viết, thông tin, đánh giá mang tính chất xuyên tạc trắng trợn về chính sách đất đai của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Chúng đưa ra luận điệu: Chính sách về đất đai đã gây ra bao hệ lụy, oan ức cho người dân từ mấy chục năm qua… Đài Á Châu tự do (RFA) đã đăng bài viết “Sửa Luật Đất đai: Thị trường tiến, Đảng Cộng sản lùi” với giọng điệu xuyên tạc: Quá trình sửa đổi chính sách, pháp luật Luật Đất đai đang phản ánh rõ nét đặc trưng “Thị trường tiến, Đảng Cộng sản lùi” và đằng sau xu hướng chuyển đổi sang thị trường là sự thay đổi khó khăn về sở hữu: Từ “công hữu” – nền tảng của chế độ Đảng Cộng sản tập quyền và “tư hữu” – nền tảng của nguyên tắc thị trường. Tất cả các lần sửa đổi Luật Đất đai đều bị ràng buộc bởi chế độ sở hữu mang tính nguyên tắc của Đảng Cộng sản cầm quyền”… Chúng còn cho rằng “Điểm nghẽn nghiêm trọng là khâu thực thi khiến lĩnh vực đất đai ngày càng rối loạn và lan sang cả nền kinh tế, gây ra bất ổn thể chế”. Giọng điệu trên nhằm kích động, lèo lái dư luận, cố tình bóp méo về chính sách đất đai của Việt Nam; âm mưu phá hoại quá trình sửa đổi toàn diện Luật Đất đai của chúng ta.

Ngày 24.6.2020, Bộ Công an hoàn thành dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; quy định về vị trí, chức năng, nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn, quan hệ phối hợp, xây dựng lực lượng, bồi dưỡng, hỗ trợ, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Theo tờ trình được Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo trước Quốc hội, Chính phủ đề nghị thống nhất 3 lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và đội trưởng, đội phó dân phòng thành lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Cũng như mọi lần, khi chúng ta xây dựng hay thông qua một dự Luật, ngay lập tức, trên mạng xã hội đã xuất hiện bài viết “Luật An Ninh Cơ Sở ngoắc thêm tròng vào cổ dân” của một kẻ mang tên Lê Quốc Quân cho rằng: “Hơn 3 năm qua, 48.000 công an chính quy đã được đưa về cấp xã. Họ cơ bản là ngồi đó, chỉ đi “rình phản động” và bắt mấy con bạc và trộm cắp vặt linh tinh”, rồi còn bày trò đặt câu hỏi “Hệ quả và lợi ích của ai sau vụ Tây Nguyên?” và cũng tự trả lời: “Trước mắt, ta thấy việc thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chỉ có lợi cho ngành công an. Ngược lại người dân sẽ bị áp bức hơn”. Có thể thấy ngay, đây vẫn chỉ là những luận điệu cũ rích như bao lần chúng ta ban hành Luật. Mục đích của bài viết của tác giả Lê Quốc Quân muốn công kích, cho rằng: Nhà nước muốn tạo ra một mạng lưới chân rết quần chúng sát với từng người dân để nắm được từng chân tơ kẽ tóc, mọi hoạt động của dân, rồi hạch sách, nhũng nhiễu… gây nguy hại cho dân; nếu hình thành một lực lượng như thế thì gần như là lực lượng bán vũ trang, rồi chi phí dụng cụ hành nghề, thậm chí có thể là vũ khí nóng gây bất an cho dân… Từ đó hướng lái vấn đề “lực lượng này dù có hợp nhất hay không cũng sẽ không giữ được ANTT như mong muốn của nhà cầm quyền cộng sản khi soạn luật mà nó sẽ làm mất ANTT và xã hội sẽ trở nên hỗn loạn hơn”…

Thực tế cho thấy, thời gian qua, sau khi bố trí Công an chính quy về xã đảm nhận nhiệm vụ đảm bảo ANTT ở cơ sở, tình hình ANTT ở địa bàn cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả hơn so với trước; tuy nhiên, lực lượng Công an chính quy cấp xã vẫn rất khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, do chưa có quy định, cơ chế thống nhất để huy động lực lượng hỗ trợ thực hiện, vì vậy rất cần thiết phải có một lực lượng tự quản về ANTT bố trí tại cơ sở để tham gia bảo đảm ANTT.

Hiện nay, quy định pháp luật hiện hành về 3 lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở gồm: (1) Dân phòng, (2) Bảo vệ dân phố và (3) Công an xã bán chuyên trách được quy định ở các văn bản quy phạm khác nhau, chưa có văn bản thống nhất cho các lực lượng tổ chức quần chúng này mặc dù các lực lượng này đều có chức năng, nhiệm vụ như nhau là bảo vệ ANTT ở cơ sở. Trên thực tế, nhiều địa phương đã thành lập nhiều tổ chức quần chúng làm nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở với nhiều tên gọi khác nhau và đều là lực lượng quần chúng tự nguyện, được thành lập theo các quy định của pháp luật. Chính vì vậy, rất cần thiết phải có luật quy định về lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở để thống nhất thực hiện ở tất cả các địa bàn; việc ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi khách quan đặt ra. Thực tế đã chỉ ra, trong đời sống xã hội, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đã phát huy tích cực thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ bảo đảm ANTT địa bàn dân cư, sát dân, hiểu, nắm được tâm tư, nguyện vọng nhân dân, góp phần tham gia tổ chức, thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Lê Quốc Quân hãy tháo cái mặt nạ “dân chủ nhân quyền” xuống để thôi bày trò xuyên tạc, bịa đặt để công kích, gây rối, chống phá luật pháp Việt Nam./.

Không có nhận xét nào: