Thứ Hai, 28 tháng 8, 2023

Kẻ bất tài, bất nhân, bất lực luôn đánh giá thấp chiến công!

 



1. Nhai đi nhai lại luận điệu càn

Cách mạng tháng Tám 1945 của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN giành thắng lợi đến nay là 88 năm, giá trị và ý nghĩa khẳng định rất rõ cả về mặt lý luận và thực tiễn, nhưng những kẻ bất tài, bất nhân, bất lực vẫn nhem nhẻm tung tin xuyên tạc, hạ thấp.

Có thể khái quát những luận điệu mà bọn chúng lâu nay nhai đi nhai lại hòng hạ thấp giá trị, ý nghĩa của Cách mạng tháng Tám 1945 thành 5 chủ đề sau đây:

1) Ăn may: “thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945 là một sự ăn may”, không phải do sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không phải là kết tinh sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc.

2) Cướp thành quả đã sẵn có: “Cách mạng tháng Tám năm 1945 là ăn cướp chính quyền từ tay chính phủ Bảo Đại – Trần Trọng Kim”; “Việt Minh đã nhanh tay cướp lấy thành quả của Đồng minh chống phát xít, khi quân Đồng minh chưa kịp vào Đông Dương để giải giáp quân Nhật”; “không cần phải tiến hành Cách mạng Tháng Tám cũng giành được độc lập cho đất nước vì lúc ấy đã có chính thể Bảo Đại – Trần Trọng Kim, chỉ còn chờ được các nước công nhận nền độc lập”.

3) Làm cách mạng là sai lầm lịch sử: rêu rao “tháng Tám nỗi buồn mùa thu”, “Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sai lầm lịch sử”, “là nguyên nhân dẫn đến hai cuộc chiến tranh đẫm máu ở Việt Nam”; không có gì thay đổi chế độ xã hội ở Việt Nam, chẳng qua chỉ là thay từ chế độ “vua trị” sang chế độ “đảng trị”; “thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là mở ra thời kỳ Đảng đã áp đặt một chế độ độc tài toàn trị, một đảng duy nhất nắm quyền thống trị với một nhà nước chuyên chính vô sản”.

4) Xuyên tạc, phủ nhận giá trị cao nhất củaCách mạng tháng Tám năm 1945: “Tuyên ngôn Độc lập do Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 là khuôn theo những tư tưởng của Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791”.

2. Lịch sử rất minh tường

Từ khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha tấn công đánh Đà Nẵng (9/1858), các tầng lớp nhân dân, văn thân, sĩ phu nước Việt đã vùng lên đấu tranh quyết liệt để giữ nước. Nhiều tấm gương anh dũng chiến đấu, hy sinh đã được lịch sử ghi danh, lưu công trạng: cha con Trương Định – Trương Quyền, Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương, Nguyễn Hữu Huân, hai anh em Phan Tôn – Phan Liêm, Tổng đốc Nguyễn Tri Phương cùng con trai đã anh dũng hy sinh khi bảo vệ thành Hà Nội năm 1873, Tổng đốc Hoàng Diệu kiên cường đánh Pháp giữ thành Hà Nội năm 1882…. Nhiều tri thức nho sỹ dùng ngòi bút làm vũ khí đánh giặc như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị…; rồi phong trào Cần vương dưới sự chỉ huy của Tôn Thất Thuyết, hàng loạt cuộc khởi nghĩa nổ ra khắp cả nước, như khởi nghĩa Ba Đình, Hùng Lĩnh, Hương Khê ở Trung kỳ; khởi nghĩa Sông Đà, Bãi Sậy ở Bắc kỳ… nhưng cuối cùng đều kết thúc thất bại.

Sang đầu thế kỷ XX, xuất hiện khuynh hướng cứu nước mới, tiêu biểu là Phan Bội Châu với phong trào Đông du, Phan Châu Trinh với phong trào Duy tân, Lương Văn Can với phong trào Đông Kinh nghĩa thục…, khởi nghĩa nông dân Yên Thế của Hoàng Hoa Thám, khởi nghĩa Yên Bái do Nguyễn Thái Học lãnh đạo cùng hàng chục cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ khác diễn ra trên phạm vi cả nước từ đầu thế kỷ XX đến tháng 2/1930…nhưng cũng lần lượt thất bại.

Hồng phúc thay, đất Việt đã sinh ra Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh để rồi Người làm rạng danh đất Việt. Qua khảo cứu, phân tích, so sánh các phong trào cách mạng trong nước và nhiều cuộc cách mạng trên thế giới, cuối cùng Người đã tìm thấy và đưa dân tộc Việt Nam đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 của Lênin – kế thừa, phát triển con đường của Mác, Ănghen.

Sau thời gian chuẩn bị về lý luận, cán bộ và tổ chức, Nguyễn Ái Quốc thành lập Đảng Cộng sản, vạch rõ đường lối và lãnh đạo các phong trào cách mạng 1930-1931 với đỉnh cao Xô viết Nghệ – Tĩnh; phong trào 1936-1939 và đỉnh cao là phong trào cách mạng 1939-1945- giành thắng lợi vẻ vang, tự hào, cứu được nước đồng thời cứu được dân, thỏa lòng mong đợi của các thế hệ, của ý chí trăm họ đất Việt.

Trong quá trình vận động cách mạng suốt 15 có Đảng lãnh đạo, cần nhấn mạnh sự thông trí, nhạy bén của Đảng, đứng đầu là Hồ Chí Minh: Khi Chiến tranh thế giới hai bùng nổ, nhận thấy điều kiện thuận lợi cho cách mạng ta, Đảng giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc. Từ đó ra sức chuẩn bị về mọi mặt, quyết tâm giành được độc lập. Thời điểm ra tay tổng lực là “trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương giải giáp quân đội nhật”. Đây là đỉnh cao về trí tuệ của Đảng trong phân tích tình hình, xác định thời cơ và chớp thời cơ, thực hiện được mục tiêu cách mạng.

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, Ðảng nhận định thời cơ khởi nghĩa đang đến, nên ngày 12/3/1945 ra Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, phát động cao trào kháng Nhật cứu nước. Tháng 7/1945, khi phát xít Ðức, Ý bại trận ở chiến trường châu Âu, phát xít Nhật đang trên đường sụp đổ ở chiến trường châu Á, thì tại lán Nà Lừa, Bác Hồ tuy đang ốm rất nặng nhưng vẫn căn dặn: “Lúc này, thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Tháng 8/1945, Nhật đầu hàng đồng minh, binh lính Nhật ở Đông Dương hoang mang cực độ, chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim như “rắn mất đầu”, quân đồng minh chưa kịp kéo vào Đông Dương, điều kiện khách quan thuận lợi cho tổng khởi nghĩa đã chín muồi.

Ngày 12/8/1945, được tin Nhật gửi công hàm cho các nước Đồng minh đề nghị mở cuộc đàm phán ngừng bắn thì ngày 13/8/1945, Đảng ta triệu tập Hội nghị toàn quốc tại Tân Trào (Tuyên Quang) xác định thời cơ ngàn năm có một đã đến, đồng thời dự đoán mâu thuẫn giữa Anh – Mỹ – Pháp và Liên Xô có thể làm cho Anh – Mỹ nhân nhượng với Pháp để cho Pháp trở lại Đông Dương, nên chúng ta phải “kịp thời, không bỏ lỡ thời cơ” tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay Nhật trước khi quân đồng minh vào Đông Dương. Trưa ngày 13/8/1945, Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc thành lập thì đêm hôm đó, Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa vang lên: Giờ tổng khởi nghĩa đã đánh. Cơ hội có một cho quân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập của nước nhà… Chúng ta phải hành động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng. Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân Trào, thông qua “10 chính sách lớn của Việt Minh”; quy định quốc kỳ, quốc ca…; thành lập Chính phủ Lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Tổng khởi nghĩa diễn ta từ đêm 13 rạng sáng ngày 14/8/1945 và đến ngày 28/8/1945 giành được chính quyền về tay nhân dân trong cả nước. Do chuẩn bị chu đáo, luôn trong tư thế sẵn sàng khởi nghĩa nên chúng ta đã tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân một cách mau lẹ, ít đổ máu. Độc lập, tự do đã về với Tổ quốc Việt Nam sau 61 năm nền độc lập ấy mất vào tay giặc (1884 -1945).

3. Thắng lợi không tự dưng mà có, càng không đến với kẻ dùng “võ miệng”

Để có thành quả của Cách mạng tháng Tám 1945, bao thế hệ con người của dân tộc Việt Nam phải chiến đấu, hy sinh, cống hiến. Tác giả Trần Dân Tiên viết trong tác phẩm “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” đã kết luận: “Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945 đó là hoa, là quả của sự đổ máu và hy sinh tính mạng”.

Nhắc lại điều đó để nhắn nhủ đến các thế hệ người con Việt Nam luôn biết trân trọng giá trị của độc lập, tự do; củng cố ý chí trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng tư, không một phút đắn đo khi lấy máu xương của mình để đổi lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc; bảo vệ từng tấc đất, giữ vẹn lãnh thổ, biên cương mà ông cha đã dày công gây dựng, bồi đắp, gìn giữ qua mấy nghìn năm lịch sử trong điều kiện chiến tranh nối tiếp chiến tranh.

Một điều hiển nhiên là, sẽ yêu quý độc lập tự do hơn, khi chúng ta thấu hiểu sự hy sinh xương máu của bao thế hệ đã ngã xuống. Từ trong lịch sử đánh đuổi các thế lực phong kiến phương Bắc xâm lăng, đến chiến thắng thực dân Pháp xâm lược cùng sự thống trị của phát xít Nhật, rồi đế quốc Mỹ nổi tiếng hùng mạnh nhất thế giới xâm lược cũng bị dân tộc Việt Nam đánh bật, buộc chúng phải nhận thất bại nhục nhã. Những chiến thắng đó là cội nguồn vì nền độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam hôm nay, được lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới ghi chép rõ ràng, ăn sâu vào tiềm thức nhiều thế hệ con người.

Một dân tộc nhỏ bé, đất không rộng, người không đông như Việt Nam nhưng đã gan góc, anh dũng, kiên cường, bất khuất đến lạ thường, trở thành một điều hiếm thấy trong lịch sử nhân loại từ cổ tới kim. Người Việt Nam và nhân loại tiến bộ trên thế giới đều luôn ca ngợi thành quả đó của cách mạng Việt Nam!

Trên thực tế, để có thành quả Cách mạng tháng Tám 1945, dân tộc Việt Nam phải dùng sức mạnh được trao truyền của mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước để chiến đấu kiên cường suốt 87 năm kể từ khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ súng tấn công bán đảo Sơn Trà – Đà Nẵng ngày 1/9/1858. Trong gần một thế kỷ ấy, với ý chí quyết tâm chiến đấu chống thực dân Pháp để giữ (1858-1884) và giành độc lập (1884-1945) cho Tổ quốc, dòng máu Lạc Hồng kiên trung được đất Việt nuôi dưỡng, vun đắp qua chiều dài lịch sử từng phải đổ xuống cùng biết bao tính mạng đã hy sinh để cho dân tộc ta nở hoa, kết trái độc lập, tự do, hạnh phúc.

Gần 100 triệu đồng bào dân tộc hiện nay sinh sống ở Việt Nam luôn tự hào vì quá khứ kiên trung mới có thanh bình, yên vui hôm nay. Cộng đồng người Việt yêu nước đang sinh sống ở khắp thế giới cũng luôn tự hào về truyền thống dân tộc Việt Nam kiên trung đánh giặc giữ nước, bảo vệ nòi giống. Tiếc là, có những kẻ vì mê muội, mất gốc, mất nhân tính vẫn rình rập chờ đợi đến mùa thu hằng năm để nhai lại những luận điệu thiếu cơ sở cũ rích, nhàm chán, đã trở thành phế thải của trí tuệ nhân loại.

Rõ là một sự uổng công, vô ích của những kẻ bất tài, bất nhân, bất lực đem “trứng chọi đá”!./.

Không có nhận xét nào: