Thứ Ba, 8 tháng 8, 2023

Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện của chủ nghĩa xét lại ở nước ta hiện nay

 Chủ nghĩa xét lại là trào lưu tư tưởng - chính trị thù địch, đối lập với chủ nghĩa Mác - Lênin, xuất hiện trong nội bộ phong trào công nhân và cộng sản quốc tế dưới chiêu bài “xét lại”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở chúng ta: “Cần phải tăng cường giáo dục theo tinh thần chủ nghĩa Mác - Lênin và đấu tranh chống những khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa như chủ nghĩa dân tộc tư sản, chủ nghĩa sô vanh, chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa xét lại, đặc biệt là chủ nghĩa xét lại”. Vì vậy, nhận diện và đấu tranh với những biểu hiện của chủ nghĩa xét lại hiện đại để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là vấn đề cấp thiết hiện nay. Chúng ta đều biết, trong từng giai đoạn lịch sử khác nhau, chủ nghĩa xét lại cũng được biểu hiện dưới nhiều hình thức và tên gọi khác nhau, nhưng bản chất của nó không hề thay đổi. Đó là trào lưu tư tưởng đối lập với chủ nghĩa Mác, là tàn dư của tư tưởng tư sản, tiểu tư sản trong phong trào công nhân, là sự phản bội quyền lợi cơ bản lâu dài của phong trào công nhân vì những lợi ích trước mắt, cục bộ của một nhóm người cam tâm đầu hàng trước hệ tư tưởng tư sản. Đại biểu đầu tiên của chủ nghĩa xét lại là E. Béc-stanh ở cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX đã đòi xét lại học thuyết của C. Mác. Ngay từ thời kỳ ấy, chủ nghĩa xét lại đã trở thành một hiện tượng quốc tế nảy sinh không chỉ ở các nước: Đức, Pháp, Bỉ, Nga,... mà còn ở cả những nước khác. Chủ nghĩa xét lại hiện đại ngày nay có những nội dung biểu hiện chủ yếu sau: Thứ nhất, phủ nhận học thuyết Mác - Lênin về giai cấp và đấu tranh giai cấp. Hiện nay, dưới tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm cho cơ cấu giai cấp xã hội có sự biến đổi sâu sắc,... những người theo chủ nghĩa xét lại cho rằng, quan niệm về giai cấp và đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời. Theo họ, cách mạng vô sản và chuyên chính vô sản là tàn bạo, cực quyền, không dân chủ. Họ đi tới kết luận phải chung sống hòa bình với chủ nghĩa đế quốc, phải “ưu tiên” lợi ích toàn nhân loại. Vì vậy, họ bắt tay thỏa hiệp vô nguyên tắc với chủ nghĩa đế quốc. Thứ hai, từ bỏ chủ nghĩa quốc tế vô sản, tước mất bản chất giai cấp của chủ nghĩa quốc tế vô sản, chỉ còn lại những lời kêu gọi chung chung vô nguyên tắc; là sự thỏa hiệp đầu hàng đối với chủ nghĩa đế quốc. Đồng thời, những người xét lại đề cao quá mức thứ chủ nghĩa dân tộc: cực đoan, hẹp hòi, sô vanh nước lớn. Thứ ba, từ bỏ xây dựng chủ nghĩa xã hội theo học thuyết chủ nghĩa xã hội khoa học. Họ đưa ra chiêu bài “ủng hộ quan điểm sáng tạo đối với lý luận và thực tiễn chủ nghĩa xã hội, chủ trương xây dựng, phát triển chúng theo con đường “cải biến” chủ nghĩa xã hội hòa nhập với chủ nghĩa xã hội dân chủ, trở thành lệ thuộc vào hệ tư tưởng tư sản. Với “tư duy chính trị mới”, họ đưa ra sự lựa chọn là “chủ nghĩa xã hội nhân đạo và dân chủ” và cho rằng đó là một xã hội duy nhất đem tới cuộc sống xứng đáng. Thực chất xã hội họ chọn vẫn nằm trong khuôn mẫu của chủ nghĩa xã hội, nhưng chấp nhận những cải biến xã hội trong giới hạn duy trì trật tự tư bản chủ nghĩa. Thứ tư, từ bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Những người theo chủ nghĩa xét lại đòi đảng phải chấm dứt sự độc quyền về chính quyền và quản lý, đòi “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập”, tước bỏ quyền lãnh đạo của đảng trên thực tế dẫn tới phá sập chế độ xã hội chủ nghĩa, làm tan rã hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa. Thứ năm, phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Họ cho rằng trong thời đại phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, trí thức mới là người giữ vai trò lãnh đạo cách mạng, có sứ mệnh lịch sử toàn thế giới thay giai cấp công nhân. Ngoài ra, họ còn xuyên tạc lý luận về hình thái kinh tế xã hội, thời đại, v.v. Như vậy, nội dung bao quát của chủ nghĩa xét lại ngày nay là phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin trên những vấn đề cơ bản, cốt lõi nhất, phá hoại nghiêm trọng chủ nghĩa xã hội hiện thực, làm suy yếu phong trào cách mạng thế giới. Ở Việt Nam, chủ nghĩa xét lại không có cơ sở kinh tế, chính trị - xã hội để tồn tại dưới dạng “chủ nghĩa”, nó chỉ tồn tại với tính cách là quan điểm, tư tưởng không thành hệ thống lý luận, không nhất quán và biểu hiện ở lời nói, trang viết và hành động,... của một số người, một số tổ chức phi pháp. Hiện nay, “... bên cạnh những thành tựu đạt được, chúng ta cũng còn nhiều hạn chế, khuyết điểm” trong bối cảnh quốc tế, khu vực còn tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định; các thế lực thù địch tăng cường chống phá cách mạng Việt Nam,… là mảnh đất màu mỡ để những kẻ xét lại có điều kiện trỗi dậy như “nấm độc sau mưa”. Chủ nghĩa xét lại không phải là “định mệnh” đối với tất cả các đảng cộng sản; sự xuất hiện của nó phản ánh tính chất gay go, quyết liệt của cuộc đấu tranh giai cấp giữa giai cấp công nhân với giai cấp tư sản. Đấu tranh có hiệu quả những biểu hiện của chủ nghĩa xét lại hiện đại dưới mọi màu sắc là nhiệm vụ có tính chất mở đường, đóng vai trò rất quan trọng đối với sự thắng lợi của mặt trận đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay.

Không có nhận xét nào: