Tư tưởng cộng sản có vị trí đặc biệt quan trọng trong xây dựng Đảng cũng như đối với từng cán bộ, đảng viên. Đây là nội dung hết sức quan trọng mà lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm xây dựng, bồi đắp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích: cuộc cách mạng nhằm cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới, như ở Việt Nam, cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới - xã hội XHCN là sự nghiệp hết sức to lớn, phức tạp, đòi hỏi phải có ý chí quyết tâm, tinh thần phấn đấu rất cao mới có thể đạt được. Ngày 8-6-1959, nói chuyện tại Hội nghị cán bộ toàn Đảng bộ Khu Việt Bắc, Người nêu rõ: “Cải tạo xã hội cũ xấu xa trở thành xã hội XHCN tốt đẹp là một sự nghiệp rất nặng nề, nhưng rất vẻ vang. Muốn làm được sự nghiệp ấy, các cán bộ, đảng viên, đoàn viên cần có ý thức giác ngộ XHCN cao, một lòng một dạ phấn đấu cho CNXH”.
Hồ Chí Minh cũng so sánh rất cụ thể sự đối nghịch giữa tư tưởng cộng sản chủ nghĩa với chủ nghĩa cá nhân. Trong bài Phát biểu tại Lớp chỉnh huấn khóa II của Bộ Công an vào ngày 16-5-1959, Người nói: “Tư tưởng cộng sản với tư tưởng cá nhân ví như lúa và cỏ dại. Lúa phải chăm bón rất khó nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm sóc cũng mọc lu bù. Tư tưởng cộng sản phải rèn luyện gian khổ mới có được. Còn tư tưởng cá nhân thì cũng như cỏ dại, sinh sôi, nảy nở rất dễ”.
Theo quan điểm của Hồ Chí Minh muốn có tư tưởng cộng sản thì phải không ngừng rèn luyện phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. Điều này được thể hiện rất rõ trong bài thơ “Nghe tiếng giã gạo” của Người:
“Gạo đem vào giã bao đau đớn
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông
Sống ở trên đời người cũng vậy
Gian nan, rèn luyện mới thành công”.
Đồng thời, Hồ Chí Minh xác định tư tưởng cá nhân rất dễ nảy nở phát sinh, chỉ cần lơ là, không chịu giữ mình, buông thả là có thể mắc bệnh và bệnh sẽ mọc dễ, lan nhanh như cỏ dại. Người chỉ ra: chủ nghĩa cá nhân đẻ ra nhiều thứ bệnh tật rất nguy hiểm như: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô… nên chủ nghĩa cá nhân chính là kẻ thù hung ác của CNXH. Vì vậy, Hồ Chí Minh yêu cầu người cách mạng phải tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân. Kỷ niệm 39 năm thành lập Đảng, tháng 2-1969, trong tác phẩm nổi tiếng “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Hồ Chí Minh đã đưa ra những vấn đề cơ bản, cụ thể, rất thiết thực trong phòng, chống chủ nghĩa cá nhân, Người chỉ rõ: “Đảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên. Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc. Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh. Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ”.
Thực tế vừa qua, nhiều tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn rèn luyện, giữ mình tốt, góp phần xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh, trong sạch, nâng cao năng lực, uy tín lãnh đạo cách mạng. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn một số ít không chịu rèn luyện phấn đấu, xuất hiện tư tưởng cá nhân chủ nghĩa. Đáng tiếc là trong đó có những người dù bản thân đã từng có công lao, thành tích, đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo, chỉ đạo quan trọng nhưng không giữ được mình, mắc sai phạm, khuyết điểm, thậm chí trở thành tội phạm, bị pháp luật xử lý nghiêm khắc. Để giữ vững tư tưởng cộng sản chủ nghĩa, phòng, tránh có hiệu quả sai phạm, khuyết điểm, loại bỏ chủ nghĩa cá nhân, chúng ta cần chú ý thực hiện đồng bộ các biện pháp tổng hợp, trong đó có những biện pháp sau đây:
Chủ động, tích cực rèn luyện tu dưỡng tư tưởng cộng sản, đạo đức cách mạng, phòng, chống, loại trừ chủ nghĩa cá nhân một cách liên tục, thường xuyên, tự giác, kiên trì như rửa mặt hằng ngày cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, Nhà nước, đoàn thể, các cấp, các ngành. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục về đạo đức, lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị; huy động sức mạnh của cả cộng đồng cùng đoàn kết, thống nhất để tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, không để “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Cần chú ý quan tâm đến công tác tổ chức, quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, bảo đảm sự chặt chẽ, hiệu quả. Trong đó, sự gương mẫu, nêu gương của đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chủ chốt có ý nghĩa rất quan trọng, phải được đặt lên hàng đầu. Sự gương mẫu, nêu gương của đội ngũ cán bộ luôn là nguồn động lực, là sức mạnh nội sinh để thúc đẩy sự phát triển chung của phong trào cách mạng. Điển hình như tinh thần “trên gương mẫu tích cực, dưới nỗ lực làm theo” đã và đang được triển khai thực hiện tốt trong Quân đội nhân dân Việt Nam những năm qua đem lại những hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng Quân đội ngày càng vững mạnh toàn diện.
Phát huy vai trò quan trọng của tập thể tổ chức, cơ quan, đơn vị, trong việc xây dựng, tạo ra môi trường tốt đẹp để mọi người cùng rèn luyện, phấn đấu. Thường xuyên tổ chức tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động để cán bộ, đảng viên và quần chúng rèn luyện, phấn đấu. Từ nhiều năm nay, trong Quân đội nhân dân Việt Nam, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới đã lôi cuốn đông đảo tập thể, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ cùng thi đua thực hiện với nhiều kết quả tích cực, qua đó giúp cho từng tập thể, cá nhân rèn luyện, giữ gìn bản thân tốt hơn, hoàn chỉnh hơn...
Duy trì đều đặn, có chất lượng việc quản lý, giáo dục, khen thưởng, kỷ luật, tự phê bình và phê bình. Trên thực tế thời gian qua, ở một số cơ quan, đơn vị do công tác quản lý, giáo dục, đấu tranh phê bình chưa tốt đã để xảy ra những vi phạm đáng tiếc, cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc, sửa chữa khắc phục kịp thời. Thực tế cho thấy ở đâu làm tốt công tác quản lý, giáo dục, tự phê bình và phê bình thì ở đó sẽ thật sự nâng cao được hiệu quả chất lượng chính trị tư tưởng và đạo đức tư cách cán bộ, đảng viên.
Một yêu cầu quan trọng đặt ra trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát triển tư tưởng cộng sản chủ nghĩa, chống chủ nghĩa cá nhân là phải nêu cao tính tự giác, kiên quyết, kiên trì, gương mẫu với hiệu quả cao nhất. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: Mọi cán bộ, đảng viên phải “nghiêm túc tự phê bình, kiểm điểm, tự soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình, cái tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình” và trong đó “trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, người chủ trì phải gương mẫu, tự giác làm trước”./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét